The Crown và loạt phim bị chỉ trích hư cấu sai sự thật lịch sử
Văn hóa - Ngày đăng : 12:53, 07/12/2020
The Crown
Mùa thứ 4 của series phim về đời sống bên trong Hoàng gia Anh là The Crown được phát trực tuyến từ ngày 15.11 vừa qua đã gây nên một cuộc tranh cãi lớn. Phim bị các nhà sử học Anh chỉ trích rằng đã khắc họa không đúng về Công nương Diana, Công tước William.
Khi Thái tử Charles tổ chức sinh nhật lần thứ 72, bạn bè ông nêu ra những điều mà họ khẳng định không chính xác trong loạt phim. Trong số đó có cảnh Charles bạo hành vợ bằng lời nói, Diana đối chất với Nữ hoàng và Thân vương xứ Wales về chuyện ngoại tình trong buổi chuẩn bị cho đám cưới của họ tại Nhà thờ St Paul. Bộ phim cũng có tình tiết "không đúng" là mối tình giữa Charles và Camila vẫn tiếp diễn trong suốt cuộc hôn nhân của ông với Diana.
Một trong những tình tiết được cho là bịa đặt gây tổn thương nhất, là người bác thân yêu của Charles - Bá tước Mountbatten - nói với Thái tử rằng ông thất vọng về mối quan hệ của Charles với Camilla. Trong phim, Charles gọi Mountbatten là "kẻ phản bội". Không có bằng chứng cuộc trò chuyện này đã diễn ra.
Trong cảnh hư cấu khác, Hoàng thân Philip đe dọa Diana vào năm 1990 khi cô có ý định rời bỏ Charles. Một số người cho rằng điều này ám chỉ đến thuyết âm mưu vô căn cứ chưa được chứng minh về cái chết của Diana, rằng Philip có liên quan đến vụ tai nạn xe hơi ở Paris khiến Công nương thiệt mạng vào tháng 8.1997.
Nữ hoàng và Hoàng thân Philip được cho là không hài lòng với The Crown từ trước khi mùa 4 gây tranh cãi này được phát sóng. Trước đó ở mùa 2, Philip được mô tả là kẻ ngoại tình. Ở phần 3, ông phớt lờ mẹ của mình khi bà sống tại Cung điện Buckingham. Cả hai điều này đều được cho là không đúng sự thật.
300
Đây là một bộ phim của hãng Warner Bros làm từ năm 2006, phát hành năm 2007, nội dung dựa trên trận chiến Thermopylae nổi tiếng trong lịch sử Hy Lạp.
Bộ phim miêu tả cuộc chiến không cân sức giữa 300 chiến binh Sparta, dưới sự chỉ huy của vị vua Leonidas I, chống lại 1 triệu quân của đế chế Ba Tư cổ đại. Có thể nói bộ phim là tiếng nói ca ngợi tự do và là khúc tráng ca của lòng yêu nước.
Bên cạnh những thành công đạt được về doanh thu, bộ phim đã vấp phải rất nhiều chỉ trích từ Iran. Đất nước vùng Vịnh lên án bộ phim phỉ báng văn hóa cổ đại Ba Tư và khiêu khích thù hận chống lại họ bởi trong phim những người Ba Tư được mô tả là kẻ suy đồi, lập dị, và đối nghịch với những người Hy Lạp cao sang.
Amadeus
Bộ phim của đạo diễn Miloš Forman kể về mối quan hệ thù địch giữa Mozart và nhà soạn nhạc cùng thời người Ý Salieri nhưng thực chất, lịch sử vẫn chưa ghi nhận chứng cứ nào cho rằng họ là kẻ thù của nhau, thậm chí ngoài đời thật, họ gần như kính trọng nhau vì tài năng. Hay cái chết của thiên tài người Áo trong phim là do Salieri đầu độc, nhưng trên thực tế thì cha đẻ của bản nhạc Cầu hồn chết do bệnh.
Brave Heart
Trong bộ phim từng giành được tới 5 tượng vàng Oscar, Mel Gibson vào vai William Wallace, vị chiến binh lãnh đạo người dân Scotland chống lại ách thống trị của Vua Edward nước Anh. Không chỉ giành được những giải thưởng danh giá, Braveheart còn được khán giả hết sức mến mộ qua một doanh thu hết sức ấn tượng.
Tuy nhiên, các nhà sử học lại không lấy làm thích thú với Braveheart. Học giả Sharon L. Krossa nhận xét: “Các sự kiện không chính xác, ngày tháng không chính xác, các nhân vật không chính xác, tên tuổi không chính xác, quần áo cũng không đúng, tóm lại, chẳng có gì là chính xác trong phim cả”. Krossa kết luận rằng Braveheart là một bộ phim giả tưởng!
Đoàn làm phim cũng thừa nhận những sai sót đã xảy ra và khẳng định rằng các thay đổi so với thực tế lịch sử đó cốt để Braveheart có nhiều “sức hút mang chất điện ảnh” hơn.
Pearl Harbor
Bộ phim Hollywood xoay quanh cuộc tập kích chớp nhoáng của quân phát xít Nhật vào các căn cứ quân sự Mỹ tại Trân Châu Cảng của đạo diễn Micheal Bay được mô tả là khoa trương, thiếu logic và đầy rẫy những cảnh cháy nổ.
Đầu tiên phải kể đến việc các sĩ quan không quân Mỹ điều máy bay tới tấn công căn cứ của quân đội Nhật. Trên thực tế, toàn bộ lực lượng không quân Mỹ gần như tê liệt hoàn toàn sau cuộc tập kích. Số lượng máy bay Nhật Bản trên thực tế mà họ bắn hạ được ít hơn nhiều so với trên màn ảnh. Hơn nữa, Pearl Harbor miêu tả sự bất lực của quân đội Mỹ một phần do Đô đốc chỉ huy Kimmel đi chơi golf, bỏ bê công việc. Thực tế thì lý do lớn cho lần thất bại này là bởi vì Đô đốc này không nhận được thông tin tình báo trước cuộc tấn công nổi tiếng này.
Troy
Troy là một bộ phim chiến tranh sử thi cổ trang do David Benioff viết kịch bản và đạo diễn bởi Wolfgang Petersen phát hành vào năm 2004, phim dựa vào cốt truyện sử thi Iliad của Homer nhưng lại đi lạc khá xa so với các nguồn tư liệu. Thực tế hoàng tử Paris đã hy sinh tại Troy và Achilles đã bị giết trước khi ông có thể nhìn thấy con ngựa Trojan. Thậm chí, cuộc chiến thành Troy đã kéo dài trong 10 năm chứ không phải là trong 17 ngày như trong phim. Mặc dù vậy sau khi công chiếu trên toàn thế giới bộ phim đã thu về 497 triệu USD, gấp gần 3 lần số kinh phí sản xuất ban đầu.