Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đang được quản lý như thế nào?

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 15:16, 07/12/2020

Những năm qua, đặc biệt 10 tháng năm 2020, số tiền chi trả bảo hiểm thất nghiệp rất lớn. Nguồn quỹ này từ đâu và được quản lý, vận hành như thế nào? là điều đang được dư luận quan tâm.

Ông Đỗ Ngọc Thọ - Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam) cho biết theo quy định của Luật Việc làm, quỹ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) được hình thành từ các khoản đóng góp của người lao động, người sử dụng lao động, hỗ trợ của Nhà nước, tiền sinh lời của hoạt động đầu tư quỹ và nguồn thu hợp pháp khác.

2217_t12_anh_bai_tren(1).jpg
Chính sách Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đang phát huy hiệu quả to lớn trong bối cảnh thị trường lao động bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19

Tuy nhiên, Nhà nước chỉ hỗ trợ Quỹ BHTN theo nguyên tắc đảm bảo duy trì số dư quỹ hằng năm bằng 2 lần tổng chi quỹ BHTN của năm trước liền kề nhưng hỗ trợ tối đa bằng 1% quỹ tiền lương tháng đóng BHTN của những người lao động đang tham gia BHTN. Do vậy mà từ năm 2015 đến nay, Nhà nước không phải hỗ trợ Quỹ BHTN hàng năm.

Theo ông Thọ, trong thời gian qua, Quỹ BHTN luôn quản lý và vận hành tốt theo đúng quy định và có kết dư. Tính đến hết năm 2019, ước quỹ kết dư 84.000 tỉ đồng. Các khoản sinh lời từ hoạt động đầu tư hàng năm được phân bổ vào các quỹ theo quy định.

Số tiền kết dư của Quỹ BHTN có nhiều nguyên nhân. Theo đó, năm 2009 bắt đầu thực hiện thu BHTN nhưng theo quy định đến năm 2010 mới có người đủ điều kiện về thời gian đóng để hưởng trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ học nghề. Do đó, trong năm 2009 chỉ phát sinh thu vào Quỹ BHTN mà không có phát sinh chi các chế độ BHTN.

Số chi hỗ trợ học nghề thấp, số người hưởng chỉ chiếm khoảng 5% so với số người hưởng trợ cấp thất nghiệp do tâm lý người lao động chỉ quan tâm đến trợ cấp thất nghiệp. Danh mục các nghề được đào tạo của các cơ sở đào tạo nghề tham gia thực hiện chế độ hỗ trợ học nghề còn lạc hậu, chưa gắn kết giữa nhu cầu của đơn vị sử dụng lao động... nên chưa thu hút được người lao động. Từ khi thực hiện Luật Việc làm, số người hưởng hỗ trợ học nghề đã tăng nhiều so với trước đây nhưng vẫn chiếm một tỷ lệ thấp trong tổng số người hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng.

Trên thực tế, nhóm đối tượng khu vực hành chính sự nghiệp ít bị mất việc làm hơn nhóm lao động ngoài quốc doanh, nhưng hiện nay mức đóng BHTN quy định là như nhau giữa các khu vực và nhóm đối tượng (người lao động đóng 1 % tiền lương tháng và đơn vị sử dụng lao động đóng 1 % quỹ tiền lương tháng) nên số người hưởng trợ cấp thất nghiệp ở khu vực hành chính sự nghiệp là rất thấp.

Cụ thể, số BHTN đến tháng 10 vừa qua là 15.129 tỉ đồng nhưng tính đến hết ngày 31.10.2020, toàn quốc đã giải quyết chế độ BHTN cho 881.895 người với số tiền chi trả 12.988 tỉ đồng, tăng 26,9% so với cùng kỳ 2019.

BHXH Việt Nam đánh giá trong những năm gần đây tỷ lệ này bắt đầu gia tăng, năm 2015 là 52% trở lên thì đến năm 2019 tỷ lệ này là 70%. Đặc biệt trong 10 tháng đầu năm 2020 tỷ lệ này là khoảng 90%.

Có thể thấy, trong bối cảnh hiện nay, BHTN đã thật sự trở thành "chỗ dựa" của cả triệu người lao động, giúp họ có nguồn tài chính vượt qua giai đoạn khó khăn, duy trì cuộc sống; giúp người sử dụng lao động không bị áp lực về tài chính, vì không phải chi trả trợ cấp thôi việc, mất việc cho người lao động và giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước vì không phải cấp một khoản kinh phí cũng như thời gian để xây dựng chính sách, trình tự, thủ tục để tổ chức thực hiện hỗ trợ cho đối tượng này.

Tuyết Nhung