14 quan chức sắp bị trừng phạt, Trung Quốc dọa đáp trả Mỹ, Hồng Kông bắt thêm 8 người biểu tình
Quốc tế - Ngày đăng : 15:17, 07/12/2020
Trong những tuần gần đây, Hồng Kông đã sa thải các nhà lập pháp đối lập, bỏ tù các nhà hoạt động nổi tiếng như Joshua Wong và từ chối bảo lãnh cho ông trùm truyền thông Jimmy Lai (73 tuổi, nhà phê bình Bắc Kinh, người sở hữu tờ báo chống chính quyền là Apple Daily).
Theo Reuters, cảnh sát cho biết 8 người nam trong độ tuổi từ 16 đến 34 đã bị bắt vì tụ tập bất hợp pháp tại Đại học Trung văn Hương Cảng (CUHK) và 3 người trong số họ không phải là sinh viên của trường cũng bị bắt vì tội kích động ly khai do vi phạm luật an ninh quốc gia.
Những người bị bắt bao gồm các nhân viên xã hội và ủy viên hội đồng cấp huyện.
Khoảng 90 sinh viên sắp tốt nghiệp, nhiều người mặc áo choàng đen, đeo mặt nạ hacker Guy Fawkes và mang theo bóng bay đen, đã tổ chức cuộc biểu tình ôn hòa vào tháng trước trong khuôn viên rộng lớn của trường đại học, nơi họ mang theo các biểu ngữ chống chính quyền và hô vang các khẩu hiệu dân chủ.
“Chúng tôi chỉ bắt giữ những người hô khẩu hiệu và treo cờ liên quan đến một số lo ngại về an ninh quốc gia”, Steve Li, Giám đốc cấp cao Cục An ninh Quốc gia, cho biết tại một cuộc họp báo, đề cập đến các khẩu hiệu được coi là ủng hộ độc lập.
Các quan chức từ bộ an ninh quốc gia đã đến trường để tìm kiếm bằng chứng rõ ràng sau khi trường đại học liên hệ với nhà chức trách.
Khi Anh bàn giao Hồng Kông cho Bắc Kinh vào năm 1997, thành phố này đã được đảm bảo các quyền tự do trên phạm vi rộng theo công thức “một quốc gia, hai hệ thống” trong 50 năm. Tuy nhiên, các nhà hoạt động dân chủ và những người chỉ trích chính quyền lo ngại những quyền tự do đó đang bị xói mòn nhanh chóng hơn.
Việc bóp nghẹt các lực lượng đối lập đã bị phương Tây và các nhóm nhân quyền lên án rộng rãi, vốn lo ngại chính quyền Hồng Kông với Trung Quốc hậu thuẫn đang sử dụng luật an ninh để bóp chết các quyền tự do, bao gồm cả tự do ngôn luận và hội họp.
Các quan chức Bắc Kinh và Hồng Kông bác bỏ tuyên bố đó, nói rằng luật an ninh là cần thiết để mang lại sự ổn định cho trung tâm tài chính toàn cầu sau các cuộc biểu tình chống chính quyền trong năm qua khiến thành phố rơi vào hỗn loạn.
Hôm 4.11, Ngoại trưởng Mỹ - Mike Pompeo cho biết ông áp đặt các hạn chế về thị thực với các quan chức Trung Quốc và những người khác đã sử dụng hoặc đe dọa sử dụng bạo lực, tiết lộ thông tin cá nhân hoặc các thủ đoạn cưỡng chế khác để đe dọa những người chỉ trích.
Trước đó 1 ngày, chính quyền Trump đã công bố các quy định giảm thời hạn tối đa của thị thực du lịch cho các đảng viên đảng Cộng sản Trung Quốc và gia đình của họ từ 10 năm xuống 1 tháng với 1 lần nhập cảnh.
Chính phủ Mỹ cho biết hạn chế này nhằm bảo vệ quốc gia khỏi "ảnh hưởng xấu" của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Các hướng dẫn thị thực mới cho phép các quan chức Mỹ xác định tình trạng đảng của ai đó dựa trên đơn đăng ký và cuộc phỏng vấn.
Ngày 7.12, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết nước này kiên quyết phản đối và lên án mạnh mẽ Ngoại trưởng Mike Pompeo áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Ban Công tác Mặt trận Thống nhất của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc - Hoa Xuân Oánh nói nước này sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết và hợp pháp để bảo vệ chủ quyền, an ninh, quyền phát triển của mình.
Cũng trong ngày 7.12, Trung Quốc tuyên bố kiên quyết phản đối và lên án mạnh mẽ sự can thiệp của Mỹ vào các vấn đề trong nước sau khi Reuters đưa tin chính quyền Trump đang chuẩn bị các biện pháp trừng phạt mới với các quan chức Trung Quốc vì đàn áp các nhà lập pháp ở Hồng Kông.
Bà Hoa Xuân Oánh nói nếu Mỹ kiên quyết đi theo con đường sai lầm, Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp đáp trả mạnh mẽ để bảo vệ chủ quyền và an ninh của mình.
Theo Reuters, có tới 14 người, bao gồm các quan chức Quốc hội Trung Quốc hoặc Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc và đảng viên Trung Quốc, sẽ bị nhắm mục tiêu bởi các biện pháp như đóng băng tài sản và trừng phạt tài chính.
Quan chức Mỹ giấu tên tiết lộ nhiều cá nhân sẽ bị trừng phạt. Một người quen thuộc với vấn đề này cho biết nhóm có thể sẽ bao gồm các quan chức từ Hồng Kông cũng như đại lục.
Các nguồn tin không cung cấp tên hoặc chức vụ của những người sẽ bị trừng phạt. Hai nguồn tin cảnh báo rằng thông báo vẫn có thể bị trì hoãn cho đến cuối tuần.
Tháng trước, chính quyền Hồng Kông đã cách chức 4 thành viên đối lập khỏi cơ quan lập pháp của mình sau khi Quốc hội Trung Quốc trao cho chính quyền thành phố quyền hạn mới để kiềm chế bất đồng.
Bốn nhà lập pháp thuộc phái ủng hộ dân chủ gồm Alvin Yeung, Kwok Ka-ki, Dennis Kwok và Kenneth Leung đã bị mất tư cách nghị sĩ Hội đồng Lập pháp ngay lập tức sau khi Bắc Kinh thông qua “Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc về vấn đề tư cách của nghị sĩ Hội đồng Lập pháp Đặc khu Hành chính Hồng Kông”.
Theo đó, nghị quyết này cho phép chính quyền Hồng Kông truất ghế lập tức các nghị sĩ của cơ quan lập pháp bị cho thúc đẩy hoặc ủng hộ khái niệm độc lập Hồng Kông, từ chối tán thành đất nước tiếp quản chủ quyền với Hồng Kông, tìm kiếm hoặc lôi kéo thế lực nước ngoài can thiệp vào công việc của đặc khu và tham gia hành vi gây tổn hại cho an ninh quốc gia.
“Sẽ không có tương lai cho cơ quan lập pháp này. Việc không đạt tiêu chuẩn sẽ khiến cơ quan lập pháp của Hồng Kông hoạt động kém hiệu quả”, ông Kenneth Leung, 1 trong 4 nghị sĩ bị truất quyền, bày tỏ sau thông báo của Bắc Kinh.
Động thái trên khiến 15 nhà lập pháp đối lập ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông đồng loạt từ chức.