Bí thư TP.HCM Nguyễn Văn Nên: ‘Không để nợ dân thành nợ xấu’

Sự kiện - Ngày đăng : 17:42, 07/12/2020

Bí Thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đề nghị HĐND TP.HCM trong năm 2021 phải tập trung giải quyết những việc đã hứa với dân, trên tinh thần quyết tâm “không để nợ dân thành nợ xấu”.

Kỳ họp sẽ bầu lãnh đạo UBND TP.HCM

Tại kỳ họp thứ 23, HĐND TP.HCM khóa IX diễn ra ngày 7.12, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã có những lưu ý với đại biểu về công tác nhân sự. Theo Bí thư Nên, kỳ họp HĐND TP.HCM lần này sẽ tiến hành bầu một số chức danh lãnh đạo UBND TP để kiện toàn bộ máy.

Do đó, ông đề nghị các đại biểu HĐND TP.HCM thực hiện nghiêm kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy về quy định đối với cán bộ khi được giới thiệu ứng cử. Trên cơ sở chương trình hành động được công khai, các đại biểu HĐND TP sẽ đánh giá, gửi gắm niềm tin bằng lá phiếu của mình.

Bí thư TP.HCM cũng đề nghị HĐND TP.HCM tiếp tục cho ý kiến về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và phương hướng nhiệm vụ năm 2021. Trong đó, đặc biệt chú trọng đánh giá sâu sắc về việc huy động, phát huy các nguồn lực trong nhân dân.

Đặc biệt, năm 2021, ông Nên nói rằng khi triển khai đề án chính quyền đô thị thì không còn HĐND cấp quận, phường. Vì vậy, đòi hỏi vai trò giám sát của HĐND TP.HCM phải được tăng cường hơn, lựa chọn những vấn đề trọng tâm, quan trọng.

Vì vậy, ông đề nghị HĐND TP.HCM trong năm 2021 tập trung triển khai thực hiện giám sát chặt chẽ một số nội dung. Điển hình là giám sát việc thực hiện đề án “thành lập TP Thủ Đức thuộc TP.HCM”, trọng tâm là triển khai đề án xây dựng khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía đông.

Ông Nên cho rằng vấn đề quan trọng cần phải có kế hoạch triển khai ngay là thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung của 3 quận để hình thành quy hoạch chung xây dựng TP.Thủ Đức - khu đô thị sáng tạo tương tác cao.

bi-thu-nguyen-van-nen-hop-hdnd.jpg
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên tại cuộc họp - Ảnh: Phan Diệu

Đối với việc tồn đọng, Bí thư Thành ủy TP.HCM yêu cầu giám sát việc triển khai giải quyết các vụ việc tồn đọng, kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân. Trong đó, có 8 vụ việc như Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Khu Công nghệ cao (quận 9), khu dân cư Long Bình (quận 9), dự án Sing-Việt (huyện Bình Chánh), dự án 1 bis-1kép (quận 1), giải phóng mặt bằng khu Đại học Quốc gia, khu phường 6 (quận Tân Bình), khu Safari (huyện Củ Chi).

Bí thư Thành ủy TP.HCM cũng nói rằng chỉ còn 6 tháng nữa kết thúc nhiệm kỳ 2016-2021, HĐND TP.HCM cũng đã chuẩn bị cho phương hướng tới. Do đó, ông Nên yêu cầu từng đại biểu HĐND cần phải rà soát toàn bộ công việc đã hứa với dân, dự tính xem mình đã làm được đến đâu, những việc gì chưa làm được để tập trung để giải quyết, với tinh thần quyết tâm “không để nợ dân thành nợ xấu”.

hop-hdnd-tphcm-thang-12-2020.jpg
Quang cảnh kỳ họp thứ 23 HĐND TP.HCM - Ảnh: Phan Diệu

Xác định hạ tầng đặc thù của TP.Thủ Đức

Cũng tại cuộc họp, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM cũng đã có những chỉ đạo định hướng tại kỳ họp thứ 23, HĐND TP.HCM khóa IX.

Trong đó, đề cập đến chính quyền đô thị, ông Nhân nói có đề án thành lập TP.Thủ Đức. Theo ông Nhân, trên cơ sở đề án khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía đông, vị trí TP.Thủ Đức sẽ là trung tâm kinh tế tri thức, trung tâm kinh tế công nghệ cao lớn nhất của TP.HCM và cả nước.

Đặc điểm của TP.Thủ Đức sẽ là thành phố kinh tế tri thức, thành phố xanh, đáng sống. Với đặc điểm là thành phố trung tâm về kinh tế tri thức, trí tuệ nhân tạo, thu hút được chuyên gia đầu tư nước ngoài nên ông Nhân nói TP.Thủ Đức cũng phải là thành phố văn minh, sạch, đẹp.

“Với tinh thần TP.Thủ Đức là trung tâm kinh tế 4.0 của TP.HCM, của vùng thì phải xác định hạ tầng đặc thù của TP.Thủ Đức. Về hạ tầng viễn thông, từ năm 2021, TP.Thủ Đức phải phủ sóng 5G và xây dựng công viên phần mềm Quang Trung thứ 2; xây dựng trung tâm khởi nghiệp lớn; trung tâm siêu máy tính tốt nhất đặt tại TP.Thủ Đức.

Về cải thiện môi trường đầu tư, cần đặt ra yêu cầu 5 có, tức là có thời hạn giải quyết; có người chịu trách nhiệm; có sự tham gia của doanh nghiệp trong xây dựng quy trình và đánh giá thực hiện quy trình quản lý; có sự giám sát MTTQ, HĐND; có chế tài xử lý”, ông Nhân nói.

Cử tri gửi gắm nhiều vấn đề đến kỳ họp

Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM Tô Thị Bích Châu, nhiều cử tri rất phấn khởi khi Quốc hội đã thông qua nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM. Cử tri mong muốn đây sẽ là những động lực mới cho TP.HCM phát triển nhanh và bền vững hơn, tạo được sự năng động, chủ động cho thành phố đổi mới cơ chế, phương thức quản lý chính quyền…

Tuy nhiên, nhiều cử tri và nhân dân lo lắng, bức xúc về các vụ việc khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến giải tỏa, đền bù nhà đất; tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường chậm được cải thiện; tình hình tội phạm, nhất là tội phạm ma túy và xâm hại tài sản mặc dù được xử lý mạnh nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp.

Qua tổng hợp các ý kiến của cử tri và nhân dân TP.HCM, tại kỳ họp này, người dân tại các quận 4, 5, 6, 11, Tân Bình, huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Củ Chi… bày tỏ sự bức xúc và mong muốn UBND TP.HCM chỉ đạo giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện đối với các dự án, công trình triển khai chậm tiến độ.

Đặc biệt, cử tri yêu cầu TP.HCM thực hiện nghiêm túc việc công bố công khai các dự án đã được điều chỉnh, hủy bỏ trong kế hoạch sử dụng đất hằng năm của quận, huyện theo chỉ đạo của UBND TP.HCM nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân.

Không những vậy, trong thời gian qua, việc đảm bảo an toàn thực phẩm tại các chợ nhất là chợ tự phát, cơ sở sản xuất, bếp ăn tại các trường học, khu công nghiệp... vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ. Vì vậy, cử tri đề nghị thành phố tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra các trường học có tổ chức ăn bán trú, các bếp ăn tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp… định kỳ 6 tháng/lần. Việc này nhằm chấn chỉnh và xử lý nghiêm các công ty, trường học để xảy ra tình trạng học sinh, công nhân ngộ độc và cung cấp thực phẩm kém chất lượng.

Ngoài ra, cử tri cũng bày tỏ sự lo lắng trước tình trạng nhập cảnh trái phép trên các tuyến biên giới vẫn diễn biến phức tạp; việc chuẩn bị mở các đường bay thương mại quốc tế; việc lơ là trong công tác phòng, chống dịch của các cơ quan, đơn vị và người dân. Do đó, cử tri mong muốn UBND TP.HCM cần chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm soát thường xuyên công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ quan, khu cách ly…

Phan Diệu