Ai mà sợ thanh tra?
Góc bình luận - Ngày đăng : 13:40, 02/07/2019
Theo hiểu biết của tôi, người Việt gốc “Xinh” (Singapore) thì vòi là vòi vĩnh, một dạng năn nỉ của trẻ con hoặc mấy người đang yêu nhau, dù trẻ hay già. Lót là để vật gì đó bên dưới. Từ lót mông, lót ngực, lót tay, lót chân, lót đầu, lót đường, quần áo lót đến gì cũng lót. Vô hại. Còn lót tót lại có nghĩa khác. Hối lộ là hành vi phạm pháp được pháp luật quy định, quả tang là bắt nóng luôn. Đọc báo, tôi hoang mang không biết vụ việc mấy vị Thanh tra Bộ Xây dựng thực hư thế.
Thiên hạ hà rầm đồn đoán. Nào là “chúng nó chơi nhau”, “giành ăn”, “ăn chia không đúng luật chơi”. Có kẻ còn bĩu môi xuyên tạc “sắp đại hội Đảng, còn nhiều chuyện nữa”. Có bài viết khẳng định “Vào thanh tra để làm giàu”, “Thanh tra – ai cũng sợ”,… Làm giàu là ước mơ chính đáng của con người. Làm nghề gì cũng vậy, ai chẳng muốn làm giàu từ nghề của minh, kể cả mấy thầy tu? Thanh tra mà giàu là chuyện thường. Ai giàu cũng có chuyện cả sao?
Quan trọng là làm giàu thế nào. Họ kiếm tiền xem ra hơi bị dễ. Bạn của vợ tôi có chồng làm thanh tra. Mỗi lần đi công tác về luôn có phong bao dày cộm làm quà cho vợ. Nhóm bạn chơi chung ai cũng biết vì cô vợ luôn tự hào và thay lời muốn nói bằng cách sắm sửa hàng hiệu. Tôi thường bị đem ra so sánh, dù lâu lâu đi dạy hoặc tham gia xét duyệt đề tài khoa học cũng có phong bì, nhưng chẳng bỏ bèn gì so với chồng của bạn vợ.
Chuyện được tặng hay được gởi phong là bình thường ở Việt Nam. Nhiều nhất là đi họp quan trọng hoặc các hội thảo, hội nghị và được mời phát biểu từ trước. Cấp trên xuống thăm cấp dưới cũng hay được phong bì, nhất là khi ở xa tới. Con cái đang đi học xa, về thăm cha mẹ cũng luôn có “phong bì”. Cái này gọi là lì xì. Ban đầu chỉ vào dịp tết. Giờ thì lúc nào cũng lì xì được, lì xì xuôi (trên tặng dưới), hay lì xì ngược (dưới biếu trên) đủ cả. Thường lì xì ngược đậm hơn.
Ai cũng sợ thanh tra? Mấy đồng nghiệp của tôi bảo “Thanh gì cũng sợ, đâu chỉ thanh tra?”. Thanh tra cùng họ với “Thanh toán” (giang hồ), “Thanh trừng” (Nội bộ), “Thanh lọc” (đội ngũ). “Thanh tẩy” (đầu óc), kể cả thanh kiếm. Còn thanh cao, thanh thoát, thanh bạch… thì được quý trọng. Thanh long, nhiều người khoái, Thanh nữ (đẹp) nhiều người mê. Thanh Mai, tôi rất yêu và kính trọng vì “Đó là người không đẻ ra ta, chỉ đẻ ra các con ta mà thôi nhưng đã có công nuôi dạy ta và các con ta nên người tốt”.
Ai cũng sợ thanh tra? Vô lý. Sợ thì không chơi chung hoặc phải tránh xa, nói chi kết thân. Sợ ai thì phải đề phòng và giữ khoảng cách an toàn. Chẳng hạn sợ thú dữ, sợ ăn cướp, sợ người say xỉn, sợ kẻ biến thái, sợ bọn lưu manh…Thanh tra, có gì phải sợ. Họ được giao nhiệm vụ cao cả là giải quyết các khiếu nại, tố cáo; giám sát việc thực thi pháp luật; giúp đỡ các đơn vị tránh sai phạm… Ai lại đi sợ người giúp mình tốt hơn?
Tôi thấy chẳng ai sợ thanh tra cả. Họ luôn được doanh nghiệp hoặc cấp dưới tìm mọi cách kết thân (chắc để được thơm lây?). Rồi mời bằng được thanh tra đi ăn uống, hát karaoke, du lịch… Nói chung là được o bế hơn cả cha mẹ lẫn vợ con. Đâu ai sợ họ. Tiếp đón thanh tra, ai cũng niềm nở, nhỏ nhẹ và lễ phép đến bất ngờ. Nghe nói, thanh tra cũng chưa bao giờ to tiếng. Ai cũng nể thanh tra thì có. Nể khác với sợ dù thỉnh thoảng 2 từ này vẫn luôn ghép chung.
Sợ sao lại tặng nhiều quà giá trị và tiền bạc? Đâu ai bắt buộc. Họ cũng không đòi hỏi. Cứ nhìn mặt mà tặng. Quà cồng kềnh và chưa chắc đã trúng sở thích nên cứ quy ra tiền cho nó lành. Vừa tặng quà, vừa cám ơn rối rít vì đoàn đã “hạ cố ghé thăm tệ xá”, giúp đỡ đơn vị. Tất cả hoàn toàn tự nguyện. Tự nguyện tặng quà rồi sau đó kêu ca này nọ, nói xấu người nhận là sao? Hay là bằng mặt mà không bằng lòng, mặt tươi mà bụng héo? Cái này tôi chỉ đoán chứ không dám khẳng định.
Sao không sống thật lòng với nhau cho cuộc đời đơn giản và khỏe thân. Hay là có tật giật mình. Làm sai nên mới sợ. Chẳng lẽ sợ là thuộc tính của người Việt, nhất là các doanh nghiệp. Tôi chưa được vinh dự tiếp hoặc đón thanh tra nên chẳng có gì phải sợ.
TANG LENG