Thưa bà Ninh Thị Thu Hương, cần tính sao với bài 'Đập đá ở Côn Lôn' trên SGK?

Góc bình luận - Ngày đăng : 07:15, 01/07/2019

Theo tư duy về từ lon mà bà Ninh Thị Thu Hương đã nêu trên thì chúng ta dễ dàng thấy rằng từ Lôn còn nguy hiểm hơn. Bà lo xa “hãy giả sử người ta thêm dấu, thêm mũ vào cho từ đó” thì từ Lôn không cần phải thêm mũ mà chỉ cần dấu vào là đủ nghĩ bậy.
Xin đừng vì lon mà đập bia đá ở Côn Lôn

Vừa qua, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) có công văn số 409/VHCS-QLHĐQC gửi các Sở VHTT-DL, Sở VHTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC, Đài Truyền hình, Đài Phát thanh và Truyền hình các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và văn bản số 411/VHCS-QLHĐQC gửi Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, đề nghị chấn chỉnh hoạt động quảng cáo của sản phẩm Coca-Cola vì cho rằng nhãn hàng có dấu hiệu vi phạm quảng cáo.

Theo đó Cục Văn hóa cơ sở đề nghị các Sở VHTT-DL, kiểm tra, rà soát hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo Coca-Cola đã tiếp nhận và yêu cầu chỉnh sửa cụm từ "Mở lon Việt Nam"; yêu cầu tháo dỡ sản phẩm quảng cáo trong trường hợp tổ chức, cá nhân không thực hiện thông báo sản phẩm quảng cáo đối với quảng cáo trên phương tiện bảng, băng-rôn.

Trong lúc dư luận đoán già đoán non thì bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) đã lên tiếng giải thích từ “Lon Việt Nam” có rất nhiều vấn đề vì “hãy giả sử người ta thêm dấu, thêm mũ vào cho từ đó”.

Đến đây thì chúng ta phải tự hỏi liệu bà Ninh Thị Thu Hương có nhớ dến bài học mà mọi học sinh Việt Nam lớp 8 đã từng học thuộc lòng; “Đập đá ở Côn Lôn” của nhà cách mạng Phan Châu Trinh. Nếu bà Cục trưởng Cục Văn hóa hay các độc giả chưa đọc SGK lớp 8 nên không biết bài này thì xin mạn phép chép lại bài Đập đá ở Côn Lôn có mặt trên trang 148 SGK Ngữ văn lớp 8 tập 1 kèm theo thơ:

Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn,

Lừng lẫy làm cho lở núi non.

Xách búa đánh tan năm bảy đống,

Ra tay đập bể mấy trăm hòn.

Tháng ngày bao quản thân sành sỏi,

Mưa nắng càng bền dạ sắt son.

Những kẻ vá trời khi lỡ bước,

Gian nan chi kể việc con con!”

Theo SGK, năm 1908, Phan Châu Trinh bị ghép tội xúi giục nhân dân nổi loạn trong phong trào chống thuế ở Trung kỳ nên bị đày ra Côn Đảo; đến tháng 6.1910, nhờ sự can thiệp của Hội nhân quyền (Pháp),ông mới được tha. Bài thơ này làm trong lúc ông cùng các tù nhân khác bị bắt lao động khổ sai.

SGK cũng giải thích Côn Lôn: tức Côn Đảo, hòn đảo nằm ở đông nam nước ta, nơi thực dân Pháp lập nhà tù giam cầm những chiến sĩ yêu nước và cách mạng. Tổng cộng từ Lôn xuất hiện trên mặt sách 3 lần gồm 1 lần in to tên bài thơ, một lần in thường trong bài thơ và một lần in nghiêng trong ghi chú. Tất cả đều được viết hoa hết sức nổi bật.

Báo Nhân Dân cũng từng có bài “Khai thác tiềm năng du lịch Côn Đảo” mô tả Côn Lôn rất nên thơ: "Chỉ riêng đảo lớn Côn Lôn, có hàng chục bãi tắm đã trở nên quen thuộc với du khách: Ðầm Trầu, Hàng Dương, Phi Yến, Ông Ðụng, Ðất Dốc, Ðầm Tre, An Hải,... tất cả còn đậm nét hoang sơ, sạch sẽ, trong lành quanh năm xanh biếc".

Chỉ có điều, theo tư duy về từ lon mà bà Ninh Thị Thu Hương đã nêu trên thì chúng ta dễ dàng thấy rằng từ Lôn còn nguy hiểm hơn. Thứ nhất, bà Cục trưởng lo xa “hãy giả sử người ta thêm dấu, thêm mũ vào cho từ đó” thì từ Lôn không cần phải thêm mũ mà chỉ cần dấu vào là đủ nghĩ bậy. Chưa hết, từ Côn vốn còn có nghĩa là “cái gậy” nảy sinh ra vô vàn nghĩa lóng mà lại đi cạnh từ Lôn thì rất rất nguy hiểm cho học trò lớp 8 (vốn tuổi đang tò mò về giới tính).

Nhưng phải khẳng định là hồi đi học thì tôi cũng không hề liên tưởng xa xôi như bà Ninh Thị Thu Hương tư duy hiện giờ. Thậm chí, với đa phần học sinh thì Côn Lôn đã trở thành biểu tượng cho tinh thần thép đầy cao quý. Còn bà Cục trưởng hồi xưa đi học có học bài thơ này hay không, có tư duy Lôn ra Lon hay không thì quả thật tôi không biết, chỉ mình bà Cục trưởng biết.

Phan Châu Trinh không chỉ là một nhà hoạt động cách mạng và còn là một nhà giáo dục có ảnh hưởng lớn ở nước ta đầu thế kỷ trước rất được nhân dân kính trọng. Hầu hết các thành phố ở Việt Nam (và cả 2 miền nam bắc trước 75) đều đặt tên ông cho những tuyến đường lớn. Tư tưởng, tinh thần, giá trị mà ông để lại cho hậu thế không bao giờ phai mờ, bao gồm cả bài thơ “Đập đá ở Côn Lôn”.

Xin lỗi cụ Phan vì phải nhắc lại bài thơ của cụ trong một tình huống không mấy hay ho này nhưng đó là cách tốt nhất để cho thấy các bậc túc học không bao giờ suy luận từ kiểu thêm dấu, thêm mũ.

Cũng mong rằng Bộ Giáo dục và đào tạo không bị ảnh hưởng bởi suy luận kiểu bà Ninh Thị Thu Hương mà bỏ bài thơ Đập đá ở Côn Lôn ra khỏi SGK.

Anh Tú