Liệu có việc bảo kê không khi sếp QLTT tỉnh cũng vay tiền đại gia xăng giả Trịnh Sướng?
Góc bình luận - Ngày đăng : 13:46, 18/06/2019
Theo tôi, với một cơ quan pháp luật đang thụ lý vụ án, chi tiết này, chắc họ (cơ quan Cảnh sát điều tra) sẽ không dễ bỏ qua. Bởi qua đó, ít nhiều cho thấy vai trò kiểm tra và giám sát việc tiêu thụ xăng giả của địa phương này rất dễ bị sếp trưởng Quản lý thị trường tỉnh bỏ ngoài tai nếu có ai đó phát hiện, tố giác với cơ quan Chi cục Quản lý thị trưởng tỉnh.
Theo bài viết nói trên, trong thời gian đó, gia đình ông Trung không chỉ 1 lần vay tiền ông Trịnh Sướng mà đến 2 lần với tổng số tiền là 600 triệu đồng.
Cho dù người ta sẽ thanh minh rằng do họ có quan hệ bà con nên vay tiền là chuyện của gia đình, thì tôi lại nghĩ khác. Nó chỉ càng thêm rõ chuyện một khi phân tích vụ việc.
Nó sẽ được dư luận lý giải theo lối suy đoán vì sao cơ quan quản lý thị trường địa phương này bị vô hiệu hoá, không hề có tác dụng ngăn chặn tiêu cực suốt từng đó năm, để cho doanh nghiệp của ông Trịnh Sướng qua mặt các cơ quan chức năng dễ vậy?
Hơn nữa, chính ông Nguyễn Việt Trung lại là người phụ trách cả về lĩnh vực đo lường chất lượng hàng hoá của Sóc Trăng.
Và cũng từng đó năm (từ năm 2017 đến nay) họ đã chi tổng cộng khoảng 3.000 tỉ đồng để mua dung môi rồi về “chế biến” thành xăng bán ra thị trường. Nhờ cách làm gian trá này mà mỗi tháng, các cơ sở của Trịnh Sướng đã tung thứ xăng rởm trên ra thị trường khu vực Nam bộ khoảng 6 triệu lít “xăng” kỳ quái kia thì thử hỏi sự tàn phá động cơ các phương tiện giao thông bởi thứ xăng giả, kém phẩm chất này sẽ nguy hại thế nào cho người sử dụng?
Một địa phương, khi vai trò của quản lý thị trường bị cho “leo dây” như vậy thì thử hỏi làm sao chống chọi nổi việc sản xuất đồ giả như vụ xăng giả ở Sóc Trăng!
Dù cho nhiều bộ, ngành đang có xu hướng thu gọn biên chế hoặc tinh giảm đầu mối cấp tổng cục kiểu như Bộ Công an chẳng hạn, họ đã làm cái... rẹt, giảm đến một nửa số cục và xoá luôn mô hình 6 tổng cục thuộc bộ một cách ngon lành (cho dù cũng tâm tư lắm chứ). Thế nhưng bộ này họ đã làm rất tốt, đáng biểu dương. Nhưng ngược lại, ở Bộ Công Thương thì thật lạ kỳ. Họ được nâng cấp cục (Cục Quản lý thị trường) thành Tổng cục Quản lý thị trường thì chắc phải có lý do của nó thì Chính phủ mới ủng hộ.
Theo tôi hiểu, rất có thể là để làm cho tốt nhiệm vụ vô cùng nặng nề, phức tạp này được trao cho ngành Công Thương mà dễ gì ai được vậy. Thế mà quyết định thành lập Tổng cục đã thực hiện và có hiệu lực từ 1.10.2018 nhưng cho đến nay, sau hơn 8 tháng, bộ máy lãnh đạo cấp tổng cục vẫn chưa đâu vào đâu ngoài một ông Tổng cục trưởng mới toe, chưa có kinh nghiệm quản lý một ngành quá phức tạp và nhiều gian manh, cám dỗ này.
Cả một giàn lãnh đạo (cấp tổng cục phó cũng như cấp cục trưởng, cục phó ở cả trung ương xuống địa phương vẫn chưa được mấy người nhậm chức để hoàn thiện bộ máy). Điều này vô tình ảnh hưởng nặng đến sự điều hành dưới cơ sở do rất khó chỉ đạo cấp dưới khi mà cấp trung ương cũng chưa được hoàn thiện.
Phải chăng cũng do sự chậm trễ kỳ quặc nói trên của Bộ Công Thương khiến cho Chi cục quản lý thị trưởng tỉnh Sóc Trăng như rắn mất đầu từ trung ương xuống tỉnh. Để rồi chuyện gì đã xảy ra thì đã xảy ra như ta đã thấy mấy bữa nay.
Năm trước, tôi còn nhớ, Cơ quan An ninh điều tra CA Sóc Trăng cũng từng khởi tố, bắt 2 công chức QLTT tỉnh này trong đó có cả một đội phó QLTT tỉnh trong một vụ bảo kê cho sản xuất, tiêu thụ phân bón giả...
Tôi cũng thấy rất lạ trong câu chuyện này khi mà chính Thủ tướng cũng như Phó thủ tướng Chính phủ cũng đều xuống Bộ Công Thương chỉ tay giao việc trực tiếp, căn cơ mà sự trì trệ lại vẫn cứ trì trệ đến thế!
Có người nói, lãnh đạo Bộ Công Thương nên sang Bộ Công an mà tham khảo cách cải tổ tinh gọn bộ máy của mình thì tốt biết bao!
Nên nhớ, thu gọn lại bộ máy như Bộ Công an còn khó gấp trăm lần so với việc nâng cấp cục thành tổng cục Quản lý thị trường ở Bộ Công Thương. Ấy thế mà sao họ làm lẹ vậy nhỉ? Nên nhớ, chậm một ngày hay một tháng hoàn thiện ngành quản lý thị trường thôi cũng có thể sẽ để lọt không biết bao nhiêu vụ buôn lậu, hàng gian, hàng rởm tung ra thị trường mà người dân lành sẽ là nạn nhân (có thể gây chết người) của những thứ đó, trong đó trách nhiệm này phải thuộc về Bộ Công Thương, về Tổng cục Quản lý thị trường. Vâng, sẽ không ai khác vào đây!
Quốc Phong