Cần nhiều sản phẩm thay thế để giảm thiểu rác thải nhựa

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 22:54, 08/12/2020

Để giảm thiểu rác thải nhựa, buộc chúng ta phải có sản phẩm thay thế bằng nhiều hình thức như sản phẩm giấy...

Chia sẻ tại Hội thảo “Hoàn thiện hệ thống chính sách về quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam” (diễn ra ngày 8.12 tại Hà Nội), ThS. Nguyễn Thị Hưởng (Trưởng phòng Thẩm định và đánh giá tác động môi trường Chi cục Bảo vệ môi trường - Sở TN-MT) cho biết tại Việt Nam, ước tính mỗi người dân tiêu thụ, sử dụng khoảng 30 - 40kg nhựa/năm và là 1 trong 4 quốc gia tại Châu Á phát sinh chất thải nhựa nhiều nhất. Riêng 2 thành phố Hà Nội và TP.HCM đang thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon/ngày.

Bên cạnh đó, số lượng bao bì nhựa và túi nilon sử dụng ngày càng gia tăng ở Việt Nam dẫn đến lượng thải bỏ tăng dần theo từng năm. Tỷ lệ chất thải bao bì, túi nilon không được tái sử dụng, phải chôn lấp chiếm từ 5-8%, tương đương với khoảng 2,5 triệu tấn/năm.

Đi vào từng lĩnh vực cụ thể, theo bà Cao Lệ Quyên (Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản), với lĩnh vực khai thác thủy sản, phát thải nhựa đến từ túi đựng cá, khay nhựa, sọt nhựa... Ở lĩnh vực nuôi trồng thủy sản có những rác thải nhựa như bao bì chứa thức ăn, chế phẩm sinh học... Trong khi đó, rác thải nhựa từ khâu dịch vụ hậu cần nghề cá đến từ bao gói cá, chai lọ đựng thuốc thú ý...

thuy-san.jpg
Quang cảnh Hội thảo - Ảnh: T.A

Trong nông nghiệp, đại diện Viện Môi trường Nông nghiệp phân tích, đối với mỗi loại cây trồng khác nhau sẽ có những cách sử dụng nguyên vật liệu nhựa khác nhau. Điển hình như cây lúa, phổ biến hiện nay là cách sử dụng màng phủ nilon để che mạ và có thể được tái sử dụng trong 2 hoặc 3 vụ, tùy thuộc vào cách sử dụng, cách bảo quản của người nông dân.

Các hệ thống tưới trong nông nghiệp công nghệ cao sử dụng khoảng 1.200 kg nhựa/ha, chủ yếu là các ống PC, PVC... Đáng chú ý, những vùng nông nghiệp công nghệ cao như Lâm Đồng (Đà Lạt), Mộc Châu (Sơn La) sử dụng các nhà màng che phủ bằng nhựa có thể lên tới vài tấn nhựa/ha.

Khuyến khích sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường

Theo ông Nguyễn Thành Lam - Vụ Quản lý chất thải, Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT), để giảm thiểu rác thải nhựa, buộc chúng ta phải có sản phẩm thay thế bằng nhiều hình thức như sản phẩm giấy... Tuy nhiên, ông Lam cho rằng việc đầu tiên cần làm là giảm thiểu phát sinh; tiếp theo là tái chế, tái sử dụng; tiếp đến mới là việc xử lý.

Để việc tái chế có hiệu quả, ngoài công nghệ thì thu gom và phân loại rác được đánh giá rất quan trọng. Bà Nguyễn Thị Hưởng cho biết TP.Hà Nội đã vận động các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng, chợ dân sinh, khách sạn, nhà hàng... cam kết giảm thiểu chất thải nhựa, hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần, hoặc thay thế bằng các sản phẩm thân thiện môi trường… Đặc biệt, không bố trí kinh phí cho các khoản chi trong cơ quan hành chính Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp để làm băng rôn, khẩu hiệu, chai, cốc, ống hút... dùng một lần tại công sở...

4d1c46842a147274ae6cee61f0319567.jpg
Các sản phẩm thân thiện với môi trường - Ảnh: Internet

Thời gian qua, để góp phần giảm thiểu lượng ống hút nhựa thải ra môi trường, nhiều người dân cũng như các quán cafe đã sử dụng các loại ống hút thân thiện với môi trường như ống hút tre, ống hút inox... thay thế dần ống hút nhựa.

Theo Quyết định 1746/QĐ-TTg ngày 4.12.2019 về Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030, mục tiêu chung là nhằm thực hiện có kết quả các sáng kiến và cam kết của Việt Nam với quốc tế về việc giải quyết các vấn đề rác thải nhựa mà trọng tâm là rác thải nhựa đại dương, bảo đảm ngăn ngừa việc xả rác thải nhựa từ các nguồn thải trên đất liền và các hoạt động trên biển.

Kế hoạch phấn đấu đến năm 2030 giảm thiểu 75% rác thải nhựa trên biển và đại dương; 100% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom, chấm dứt việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển; 100% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy...

Để đạt được mục tiêu trên, việc hoàn thiện chính sách, pháp luật quản lý chất thải nhựa là nhiệm vụ trong tâm. Trong thời gian tới, Tổng cục Môi trường tiếp tục nghiên cứu, đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật nhằm hạn chế tác động của rác thải nhựa tới môi trường; chú trọng các chính sách hỗ trợ, khuyến khích sử dụng các loại vật liệu thân thiện với môi trường, tăng cường tái chế và tái sử dụng chất thải.

Thu Anh