Lại bàn về việc một số cán bộ mua bằng cấp và sính bằng cấp

Góc bình luận - Ngày đăng : 11:50, 09/12/2020

Có lẽ, trong công tác tuyển chọn công chức, viên chức hiện nay, Nhà nước chúng ta vẫn đang thiếu đi sự vận dụng linh hoạt, chọn ra người giỏi đích thực thông qua công việc thực tế được giao.

Thay vào đó là sự cứng nhắc, chỉ thấy ai "hồ sơ đẹp" với một mớ bằng cấp là đã "OK", không nghĩ thêm. Thế thì chưa chắc công việc dưới cơ sở đã hanh thông mà nhiều khi lại là lực cản khi có chuyện.

Nguyên Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng khóa 12, là người có nhiều năm gắn bó với công tác xây dựng Đảng của Thủ đô. Bà Hằng từng có lần băn khoăn với giới truyền thông về một cái ý có liên quan đến việc thành phố gặp khó khi phải tinh gọn bộ máy và biên chế cấp cơ sở. 

Bà kể, đại để rằng tại Hà Nội, có khá nhiều cán bộ cấp quận và phường là tiến sĩ và thạc sĩ. Đến khi quy hoạch để tinh gọn, đúng người, đúng việc thì vướng trên, vướng dưới vì họ có bằng cấp cao quá mà rồi không biết chuyển đi đâu...

sinh-bang-cap.jpg

Thực ra, học nhiều thì cũng tốt vì kiến thức là tài sản vô giá của quốc gia và của mỗi người trong một xã hội học tập. Song, do tiêu chuẩn quy hoạch cán bộ, nhiều khi thấy anh nào có nhiều bằng cấp hơn thì tổ chức vẫn thường "để mắt" hơn. Thậm chí, có nơi còn lấy cớ đó để loại người ít bằng cấp hơn mà thực lực thì lại là thứ khó nói và muốn nói kiểu gì cũng được. Nhiều khi nó cũng chỉ là sự cảm nhận của mấy vị có quyền lực một khi họ muốn "chấm" ai, muốn loại ai.

Chuyện mua bằng đại học vừa bị phát hiện và cơ quan pháp luật đã ra kết luận điều tra để xét xử xảy ra tại trường Đại học Đông Đô, Hà Nội mới đây với 625 bằng thật nhưng học giả. Chúng được một nhóm cán bộ có chức, có quyền của trường làm bậy, bán lấy tiền. Trong số này có 55 người mua nó để hoàn chỉnh hồ sơ làm tiến sĩ. Điều này đã cho thấy một sự hài hước về một xã hội học tập mà chúng ta đang phấn đấu. Nó đang có nguy cơ bị bóp méo và phản tác dụng khi có người mua và người bán phi pháp. 

Nó cũng cho thấy sự nguy hại của một xã hội bị buông lỏng quản lý và một số người đã lợi dụng nó để trục lợi phi pháp vì trong xã hội vẫn còn những loại cán bộ cơ hội, muốn thăng tiến sự nghiệp  chính trị mà không cần học cũng vẫn xong.

Theo nguồn tin mà tôi nắm được, có không ít người mua trong đó hiện là cán bộ công tác ở các quận, huyện, sở, ngành địa phương trong cả nước. 

Thật là đáng sợ cho đất nước khi những cán bộ công chức này về sau có thể leo cao, tức là làm "đầy tớ" của dân. Mà thấy nói trong số đó cũng đã có một số cán bộ đã và đang làm lãnh đạo rồi. 

Thông tin mới từ hôm 5.12 cho hay Bộ Công an đã tước quân tịch 12 sĩ quan từ cao cấp đến sơ cấp của Công an tỉnh Lai Châu do họ dùng bằng giả. Điều này khiến tôi không khỏi choáng váng. Nó quả là tệ hại khi chính những người nhân danh cơ quan pháp luật lại vi phạm pháp luật trắng trợn đến vậy. 

hoc-gia-bang-that.jpg

Vì thế, cả hành vi học giả nhưng có bằng thật cùng với việc không hề học rồi mua bằng giả để tiến thân đều nguy hiểm cho xã hội chẳng kém gì nhau. 

Ông Trần Hùng , người có đến 9 năm giữ cương vị Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công Thương giai đoạn trước khi đơn vị này nâng cấp lên Tổng cục, có kể cho tôi nghe một một câu chuyện vui mà chỉ nghe qua cũng đủ cười đến đau bụng. Đó là chuyện đã từng xảy ra một thời gian dài trong ngành quản lý thị trường vào đầu những năm 2000 nói chung...

Ông kể rằng, chợ Đồng Xuân ở Hà Nội là một trung tâm thương mại lớn và nổi tiếng của cả nước. Nơi đây vốn một thời rất sầm uất vì đồ buôn lậu từ Trung Quốc tràn sang rồi từ  đây, nó được  bỏ mối đi các tỉnh. Lực lượng QLTT của quận Hoàn Kiếm và Ban quản lý chợ cực kỳ vất vả khi đối tượng buôn lậu vừa tinh vi vừa ngang tàng, thách thức. Họ không từ mọi thủ đoạn, thậm chí rất quái dị để chạy trốn khi bị lực lượng chức năng soát xét. Nhiều vụ xảy ra với anh em trẻ vừa tốt nghiệp đại học được tiếp nhận về đã khiến họ lúng túng. Đám buôn lậu nói trên bàn mưu nếu bị bắt thì cử mấy bà xồn xồn ra rồi nhảy lên ôm chặt từng anh QLTT trẻ để nhóm khác tẩu tán hàng. 

Mấy chàng trai trẻ nọ nhiều lần  ngượng chín người khi mấy bà này không chỉ nhảy lên ôm chặt họ mà còn thò tay tóm cả của quý các chàng trai đang thực thi công vụ. Họ do ngượng nên có muốn kêu to cũng không dám. 

Vậy thì lực lượng QLTT thua là cái chắc vì họ còn đang co rúm cả người lại bởi sự trớ trêu đến khó xử.

Trái lại, nếu vớ phải mấy anh chinh chiến lâu năm, tính cũng "bặm trợn", "lì đòn" thì dễ gì bắt nạt như thế. 

Ông Trần Hùng kể, nhất là khi gặp lớp người cũ chỉ được qua đào tạo nghiệp vụ ngắn ngày dù chưa được chuẩn hóa chức danh viên chức, công chức thì đừng có đùa. Họ sẽ hô hoán mời khách đi chợ dừng lại chứng kiến rồi dọa: Các chị sờ soạng tôi mãi, tôi chưa "tính sổ" đâu nhé! Vậy thì giờ phải đến lượt tôi làm ngược lại, các chị muốn không, tôi chiều?  

Thật bất ngờ, mấy bà xồn xồn nọ, đặc biệt là mấy em trẻ đẹp sợ một phép ngay tức thì. Họ phải  tự tụt xuống nhanh chóng, không dám ôm và làm trò bậy bạ nữa.  

Mới rồi, tôi có đọc trên một tờ báo, họ có đề cập đến chuyện trả lương cho công chức theo công việc và tài năng để tránh bệnh đố kỵ, ganh ghét nhau. Tôi thấy cũng rất nên. 

Để phát hiện ra người tài trên cơ sở đánh giá kết quả công việc và sản phẩm cụ thể, so sánh với những người cùng đảm nhiệm một vị trí việc làm như nhau để từ đó tìm ra người nổi trội hơn trong đó để trọng dụng. Việc trong dụng sẽ được vận dụng cho hưởng chế độ đãi ngộ lương gắn với việc làm và hiệu quả thực sự. Như vậy sẽ đảm bảo sự bình đẳng và tránh đi sự đố kỵ ganh ghét kiểu như lớp sinh viên đậu thủ khoa các trường đại học được thu hút về công tác tại Thủ đô, nhưng rồi sau nhiều năm họ đã rơi rụng khá nhiều, vì chính họ chịu nhiều áp lực trước môi trường xung quanh. Và trong thực tế cũng cho thấy chưa chắc đậu thủ khoa mà đã là người tài trong chuyên môn, trong quản lý....

Một chuyện khác, nếu mới nghe cũng khó tin:  ông Tô Mạnh Hào, nguyên Vụ trưởng, Văn phòng Chính phủ thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, vốn là người rất chỉn chu về chữ nghĩa. Ông mới kể cho tôi nghe hôm anh em chúng tôi vào Bình Định rằng chính ông đã từng nhận được một văn bản của một chuyên gia có học hàm giáo sư hẳn hoi gửi lên Tổ thư ký Thủ tướng, Văn phòng Chính phủ để xin Thủ tướng ký, ban hành. 

Vậy mà cuối cùng, ông biên tập đi, biên tập lại vì quá nhiều chỗ họ viết không ổn. Sửa đi sửa lại mãi mà rồi ông thấy cũng vẫn không xong. 

Chuyện đó khiến mấy người trong Tổ của ông cũng không thể hình dung nổi nếu sửa thì sửa ra sao. Thế rồi văn bản này khiến Tổ thư ký Thủ tướng buộc phải chuyển lại yêu cầu cấp tham mưu viết lại hoàn toàn vì đây rõ ràng không thể là văn bản pháp quy để cấp Thủ tướng Chính phủ sẽ ký. 

Ông nói vui rằng "cuối cùng hóa ra chỉ còn lưu được đúng 2 dòng tôi không phải động bút, đó là 2 dòng đầu của tờ giấy được ghi “Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam / Độc lập- Tự do- Hạnh phúc “(!!!)”- ông kể giọng hài hước. 

Như vậy, để thấy học hàm học vị cũng có ba bảy đường, chưa thể tin nổi ngay được. Nếu chỉ nhìn vào những thứ bằng cấp lóa mắt này thì sẽ phạm phải sai lầm khi dùng người thực có trình độ hay chỉ là cái mã bên ngoài...

Nên chăng hãy coi bằng cấp chỉ là thứ tham khảo, đối chiếu với thực lực mỗi cá nhân để đánh giá một con người. Đã đành rằng, trong quy định tiêu chuẩn hóa chức danh cán bộ, công chức viên chức nhà nước hiện nay, chúng ta cũng không thể châm chước, đưa người chưa qua đào tạo vào bộ máy.

Tuy nhiên, có lẽ nhà nước cũng không nhất thiết (mà thực sự là không cần thiết) nhận một tiến sĩ về công tác tại quận, huyện, phường, xã  nếu thấy không cần vì chuyên môn của họ rất trái với ngành nghề họ đang làm... Ví dụ về dạng này thực sự tìm không hề khó.

Như vậy vô tình sẽ rất lãng phí chất xám của xã hội vốn còn nhiều bất cập khi tuyển dụng nhân sự.

Tôi đọc báo thì được biết, thực tiễn vừa qua ở một số bộ, ngành và địa phương cả nước ta đã cho thấy nổi lên một vấn đề được coi là đầu tiên, đó là các cách hiểu còn khác nhau về "nhân tài". Họ tìm cách thu hút người có bằng cấp học vị, học hàm cao là phổ biến và "trải thảm" đãi ngộ vật chất rất hoành tráng, thế nhưng vẫn chưa thành công. Tiếp đó, việc phát hiện người thực sự được xem là tài năng trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức rồi tìm cách tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp này khác cho họ xem ra vẫn chưa được cơ quan, đơn vị quan tâm chú trọng. Chính vì thế, hiệu quả khi nhìn ra người tài đích thực còn nhiều hạn chế. 

Và để hạn chế việc chạy theo bệnh bằng cấp, nên chăng với những người có học vị cao, nhà nước nên tuyển dụng và bố trí để họ được có việc làm tại những nơi cần đến chuyên môn của họ. Đó là  các cơ quan như viện nghiên cứu, nhà trường, học viện... chứ không nên để họ làm công tác quản lý nhà nước. Nhất là những người có bằng cấp cao nhưng nghề nghiệp lại rất tréo ngoe  thì làm sao có “đất” để họ thi thố tài năng ?

Đã đến lúc cần thẩm tra, xác minh để lập lại trật tự kỷ cương trong lĩnh vực cấp bằng, để không còn ai dám "liều" mua bằng (cả giả và thật) mưu cầu danh vọng và quyền lực. Chỉ có vậy mới ngăn chặn được những hành vi xấu và thiếu nhân cách như trên. Ai có học vị học hàm cao, nên trở về các cơ quan nghiên cứu, giảng dạy cho khỏi lãng phí nhất là những tấm bằng không hề gắn với công việc mình đang làm. 

Quốc Phong