Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Đại học phải là "quốc gia" số thu nhỏ
Giáo dục - Ngày đăng : 18:00, 09/12/2020
Tại hội thảo, các ý kiến đã tập trung thảo luận, thống nhất các nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết để thúc đẩy việc chuyển đổi số trong ngành giáo dục trong năm 2021 và những năm tiếp theo. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định sẽ đồng hành cùng Bộ GD-ĐT và các cơ sở giáo dục đào tạo trong hành trình thực hiện chuyển đổi số.
Nội dung thảo luận tập trung vào 4 chủ đề chính: xây dựng cơ sở dữ liệu ngành giáo dục; phát triển, sử dụng tài nguyên giáo dục số và môi trường học tập số; phát triển kỹ năng số cho học sinh sinh viên; phát triển nhân lực chất lượng cao cho chuyển đổi số quốc gia.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, cách mạng công nghiệp 4.0 mà chủ yếu là công nghệ số và chuyển đổi số mở ra cơ hội để cái mới thay thế cái cũ, đại học mới thay thế đại học cũ. Mỗi cuộc cách mạng công nghiệp chỉ tạo ra cơ hội cho một vài nước bứt phá, vươn lên thành nước phát triển cũng như cơ hội cho một số đại học vươn lên thành đại học hàng đầu.
Bộ trưởng đánh giá, công nghệ số nếu tính chi phí trên đầu người thì rất rẻ, càng nhiều người dùng thì càng rẻ, thậm chí gần như bằng không. "Bởi vậy câu chuyện chính của cách mạng 4.0, của chuyển đổi số là chúng ta có muốn hay không, có dám hay không chứ không phải chúng ta có khả năng hay không", Bộ trưởng nêu quan điểm.
Bộ trưởng nhìn nhận, nếu nói đến đột phá trong việc học đại học có thể tóm lại trong một chữ "ngược", vì cách mạng lần thứ 4 mở ra cơ hội về sự làm ngược, cho người đi sau, nhưng không có nghĩa đi theo cách của người đi trước.
Nhấn mạnh hơn đến chuyển đổi số đại học, Bộ trưởng cho rằng việc đầu tiên cần làm là chuyển đổi toàn bộ các trường đại học thành "quốc gia" số thu nhỏ, toàn bộ hoạt động của đại học, giáo viên, sinh viên sẽ chuyển lên môi trường số. Đây cũng là cách đào tạo kỹ năng số tốt nhất, bởi vì để đào tạo nhân lực về chuyển đổi số thì phải để họ sống, học tập và làm việc trong môi trường số.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, trong xã hội tương lai, việc học sẽ là nhu cầu cả đời. Để đáp ứng nhanh cả về nội dung và người dạy thì không gì bằng các nền tảng. Mỗi nhu cầu mới sẽ được giải quyết bởi một nền tảng số.
"Nếu nhìn theo góc này, đại học ngày càng giống một công ty công nghệ hơn là mô hình truyền thống và thực sự đại học sẽ là một công ty công nghệ phát triển công nghệ và nội dung về dạy học nhưng bằng cách hợp tác với các công ty công nghệ để đưa tri thức của mình lên các nền tảng. Một đại học số có lẽ đã đủ điều kiện để cho thí điểm tại Việt Nam", ông Hùng đề xuất.
Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, không phải bây giờ mới ban hành nhiệm vụ này mà trước đó ngành giáo dục đã cùng ngành TTTT và các tập đoàn công nghệ thực hiện chuyển đổi số rất tích cực trong nhiều lĩnh vực khác nhau và đạt những kết quả tích cực.
"Chúng ta muốn đi xa, đi một cách chắc chắn thì phải có trang bị kỹ năng về chuyển đổi số một cách căn cơ theo các cấp bậc học. Hiệu quả kết nối, hiệu quả phát triển nguồn nhân lực đặt ra yêu cầu chúng ta phải rà soát, xây dựng chuẩn kỹ năng số cho các cấp bậc. Vừa rồi họp Bộ trưởng các nước ASEAN đã rất thống nhất nội dung này", ông Nhạ cho hay.
Để thực hiện các nhiệm vụ nêu trên, ngành giáo dục ý thức rằng phải xây dựng một đội ngũ nhân lực để thực hiện chuyển đổi số trực tiếp và gián tiếp. Các trường đại học rà soát, mở mã ngành chưa có trong truyền thống để phục vụ ứng dụng tiến bộ công nghệ thông tin, đào tạo ra các kỹ sư chuyên nghiệp trong lĩnh vực này. Về gián tiếp, chúng ta thực hiện tốt các hoạt động liên quan đến chuyển đổi số để từng công dân được tiếp cận, làm quen và từng bước rèn luyện bài bản.
Trong khuôn khổ hội thảo, Bộ trưởng GD-ĐT và Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông đã ký kết hợp tác triển khai chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo; ký kết hợp tác giữa Bộ GD-ĐT với một số tập đoàn, doanh nghiệp và với Ban điều hành đề án Hệ tri thức Việt số hóa…
Dịch COVID-19 tạo áp lực nhưng cũng đồng thời tạo động lực để chuyển đổi số trở nên mạnh mẽ hơn, tạo cơ hội và động lực để giáo viên, học sinh thích ứng, áp dụng phương thức dạy học trực tuyến. Kết quả của việc dạy học trực tuyến trong dịch COVID-19 được đánh giá tốt. Theo đó, cần tổ chức lại, làm bài bản để hiệu quả cao hơn.
Bộ GD- ĐT đã xây dựng và đưa vào sử dụng chính thức hệ thống cơ sở dữ liệu ngành về giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông với mục tiêu số hóa thông tin quản lý tất cả các đối tượng thuộc phạm vi quản lý của ngành giáo dục.
Đến nay, đã số hóa, gắn mã định danh hầu hết các đối tượng cần quản lý của ngành giáo dục (53.000 trường học mầm non, phổ thông; gần 24 triệu học sinh (số hóa các thông tin về lý lịch, quá trình học tập, rèn luyện, thể chất...), hơn 1,4 triệu giáo viên (hồ sơ, trình độ chuyên môn, đánh giá theo chuẩn, lương...); số hóa thông tin về cơ sở vật chất, nhà vệ sinh trường học, tài chính, báo cáo chuyên sâu về dạy - học ngoại ngữ...