Facebook có dễ thua hai vụ kiện thế kỷ và buộc phải bán WhatsApp, Instagram?
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 11:28, 10/12/2020
Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) và một liên minh lớn của 46 bang cùng Washington D.C, Guam đang yêu cầu Facebook buộc phải bán WhatsApp và Instagram, nói rằng họ đã sử dụng chiến lược "mua hoặc chôn vùi" để bắt kịp các đối thủ lớn và kìm chân các đối thủ nhỏ hơn.
Đây là vụ kiện chống độc quyền lớn nhất trong một thế hệ, có thể so sánh với vụ kiện chống lại Microsoft vào năm 1998.
Nếu FTC và các bang thắng kiện
Nếu chính quyền Mỹ thắng, thẩm phán có thể phán quyết Facebook phải thoái vốn khỏi ứng dụng chia sẻ ảnh Instagram và ứng dụng nhắn tin WhatsApp.
Mặc dù “biện pháp khắc phục chia tay” là rất hiếm, Sam Weinstein, Phó giáo sư luật dạy tại trường Cardozo Law (Mỹ), cho biết đây là trường hợp có thể xảy ra và lưu ý rằng bằng chứng vụ kiện Facebook có từ các tài liệu của chính công ty, không như vụ kiện của Bộ Tư pháp chống lại Google.
Cụ thể là những tuyên bố gây tranh cãi của Zuckerberg được trích từ các tài liệu Facebook năm 2008, trong đó ông nói "mua lại tốt hơn là phải cạnh tranh".
Dù việc "thoái vốn khi đã mua" không phổ biến, ngay cả ở quy mô nhỏ, vào năm 2014, Bộ Tư pháp đã kiện BazaarVoice sau khi hãng này mua lại PowerReviews (trang web xếp hạng và đánh giá sản phẩm trực tuyến) và buộc thỏa thuận này phải hoàn tác. Nổi tiếng nhất là vụ kiện của Bộ Tư pháp năm 1974 chống lại AT&T, dẫn đến sự tan rã của Bell System.
Chính quyền sắp tới của Tổng thống đắc cử Joe Biden chưa đưa ra bình luận về hai vụ kiện Facebook.
Các ủy viên của FTC đã bỏ phiếu với 3 thuận - 2 chống để đệ đơn kiện của mình với 2 trong 3 phiếu thuận đến từ các đảng viên Dân chủ.
Nếu Facebook thắng
Một khó khăn mà FTC sẽ phải đối mặt là đã thông qua thương vụ Facebook mua lại ứng dụng chia sẻ ảnh Instagram với giá 1 tỉ USD vào năm 2012 và ứng dụng nhắn tin WhatsApp với giá 19 tỉ USD năm 2014. Đây là điểm mà Facebook đã đưa ra trong phản ứng với hai vụ kiện.
Cố vấn chiến lược Seth Bloom của công ty luật Bloom Strategic Counsel nhận định: “Rất khó để rút lui một cuộc hợp nhất hoàn chỉnh đã diễn ra trong nhiều năm. Một tòa án sẽ rất miễn cưỡng khi hủy bỏ việc sáp nhập".
Hơn nữa, Seth Bloom cho biết lập luận trong đơn kiện rằng Facebook yêu cầu các nhà phát triển phần mềm trên nền tảng của mình hạn chế cạnh tranh với Facebook có khả năng đã lỗi thời và chắc chắn dễ giải quyết.
Đơn kiện cho biết: “Cụ thể, từ năm 2011 đến 2018, Facebook đã làm cho Facebook Platform, bao gồm một số API có ý nghĩa thương mại nhất định, chỉ dành cho các nhà phát triển với điều kiện ứng dụng của họ không cạnh tranh với Facebook… cũng như không quảng bá các đối thủ cạnh tranh”.
Trong một bài đăng trên blog, Facebook lập luận rằng các hạn chế là tiêu chuẩn trong ngành.
“Các công ty được phép chọn đối tác kinh doanh và điều đó mang lại cho các nền tảng sự thoải mái rằng họ có thể mở quyền truy cập cho các nhà phát triển khác mà quyền truy cập đó không bị khai thác không công bằng”, Tổng cố vấn Facebook - Jennifer Newstead viết.
Facebook cũng tin rằng có thể thắng kiện trước tòa. Jennifer Newstead cho biết công ty tiếp tục “hoạt động trong một không gian cạnh tranh cao”.
“Chúng tôi mong đợi ngày ra tòa, khi chúng tôi tự tin bằng chứng sẽ cho thấy Facebook, Instagram và WhatsApp thuộc về nhau, cạnh tranh về giá trị bằng những sản phẩm tuyệt vời”, bà nói.
‘Mất nhiều năm kiện tụng’
George Hay, người dạy chống độc quyền tại trường luật của Đại học Cornell (Mỹ), lập luận rằng không có cáo buộc hình sự nào trong vụ kiện, không có động cơ nào để Facebook cắt giảm thỏa thuận. Ông cũng dự đoán vụ việc sẽ mất nhiều năm kiện tụng.
“Đó không phải là người chiến thắng hiển nhiên”, ông nói về lập luận của chính quyền. “Mọi thứ mà Facebook làm đều diễn ra công khai và nó đã hoạt động trong 15 năm. Họ chưa bao giờ làm bất cứ điều gì mà không tham khảo ý kiến của các nhóm luật sư chống độc quyền", George Hay cho hay.
Năm ngoái, Facebook đã đồng ý trả 5 tỉ USD để giải quyết một cuộc điều tra từ FTC về các hoạt động bảo mật của họ.
Đơn kiện Facebook của FTC
Theo CNBC, FTC cáo buộc Facebook tham gia vào chiến lược có tính hệ thống để loại bỏ nguy cơ với vị thế độc quyền của mình, trong đó có hai vụ mua lại Instagram và WhatsApp. Đơn kiện tố cáo Facebook độc quyền trên thị trường mạng xã hội cá nhân tại Mỹ.
Như một phần của vụ kiện, FTC muốn xin lệnh cấm vĩnh viễn, có thể dẫn đến việc Facebook thoái vốn khỏi Instagram và WhatsApp. Ngoài ra, FTC muốn cấm Facebook áp đặt những điều kiện phi cạnh tranh với các nhà phát triển phần mềm bên thứ ba.
“Từ khi vượt qua đối thủ ban đầu MySpace và đạt quyền lực độc quyền, Facebook chuyển sang phòng thủ thông qua các biện pháp phi cạnh tranh. Sau khi xác định hai nguy cơ cạnh tranh lớn với vị trí độc quyền của mình là Instagram và WhatsApp, Facebook quyết định loại bỏ bằng cách mua lại hai công ty này, phản ánh quan điểm của CEO Mark Zuckerberg, thể hiện trong email năm 2008, đó là mua tốt hơn là cạnh tranh”, FTC viết trong đơn kiện.
Đơn kiện của FTC cũng nhắc lại Facebook từng thử mua Twitter và Snapchat nhưng thất bại.
Thông qua kiểm soát Instagram và WhatsApp, công ty của Zuckerberg đã ngăn hai ứng dụng này chiếm thị phần ứng dụng Facebook chính.
Facebook vẫn buộc WhatsApp chỉ cung cấp dịch vụ nhắn tin cá nhân thay vì trở thành nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội cá nhân, hạn chế quảng bá WhatsApp tại Mỹ.
Đơn kiện Facebook của Washington D.C, Guam cùng 46 bang
Liên minh 48 bang và vùng lãnh thổ dẫn đầu bởi Tổng chưởng lý New York - Letitia James quyết định nộp đơn kiện Facebook riêng. Số bang cùng tham gia kiện Facebook lớn hơn so với vụ kiện chống lại Google (chỉ 11) hôm 20.10.
“Trong gần một thập kỷ, Facebook đã sử dụng sự thống trị và sức mạnh độc quyền của mình để đè bẹp các đối thủ nhỏ hơn, loại bỏ sự cạnh tranh, gây tổn hại cho người dùng hàng ngày. Facebook tận dụng sức mạnh của mình ngăn chặn cạnh tranh để có thể tận dụng lợi thế về người dùng và kiếm hàng tỉ USD bằng cách chuyển đổi dữ liệu cá nhân thành con gà đẻ trứng vàng”, ông Letitia James thay mặt cho liên minh 46 bang, Washington D.C và Guam, nhận xét.
Tương tự FTC, đơn kiện này tố cáo Facebook nắm sức mạnh độc quyền trên thị trường mạng xã hội cá nhân Mỹ và duy trì bất hợp pháp bằng cách triển khai chiến lược “mua hoặc chôn vùi” đối thủ, làm ảnh hưởng đến cả người dùng và nhà quảng cáo. Theo đơn kiện, động cơ của Facebook một phần do lo sợ công ty sẽ bị tụt hậu trong những phân khúc mới quan trọng và “các hãng mới nổi xây dựng mạng lưới cạnh tranh với Facebook, có khả năng phá vỡ sự thống trị của công ty”.
Các bang khẳng định Facebook duy trì Instagram và WhatsApp như thương hiệu độc lập để “lấp đầy khoảng trống, để họ không bị thay thế bằng ứng dụng khác có tiềm năng xói mòn sự thống trị của mình”.
Các bang cáo buộc Facebook sử dụng chiến thuật loại trừ cùng chiến lược mua lại để xác định nguy cơ cạnh tranh theo cách làm “cản trở cạnh tranh, ngăn cản đầu tư”.
Facebook bắt đầu thâu tóm với mục tiêu loại bỏ cạnh tranh và đối thủ trước cả vụ Instagram và WhatsApp.
Năm 2009, Facebook mua lại FriendFeed sau khi Giám đốc sản phẩm Chris Cox báo với Zuckerberg rằng sẽ nguy hiểm cho họ nếu Twitter thâu tóm FriendFeed.
Năm 2010, Facebook mua Octazen sau khi một quan chức gợi ý làm như vậy sẽ tước đi khả năng tiếp cận dịch vụ nhập danh bạ quan trọng của đối thủ, giúp mạng xã hội phát triển.
Vụ kiện cũng tập trung vào việc Facebook thu thập dữ liệu để duy trì độc quyền. Đơn kiện mô tả sức mạnh của Facebook giúp công ty tạo ra những điều khoản để thu thập và sử dụng thông tin từ người dùng. Dữ liệu thu thập được cho phép Facebook tạo ra trải nghiệm để giữ chân người dùng, không chuyển sang dịch vụ khác.
Theo đơn kiện, Facebook gây tổn hại đến người dùng và nhà quảng cáo, doanh nghiệp cạnh tranh thông qua hành vi của mình. Chẳng hạn, nhà quảng cáo không được nhận thông tin minh bạch về giá trị mà họ nhận được từ quảng cáo cũng như thiệt hại hình ảnh từ nội dung xấu độc trên các dịch vụ Facebook.
Các bang muốn xin một loạt biện pháp xử lý khác nhau, trong đó có ngăn chặn Facebook thực hiện vụ mua bán trên 10 triệu USD mà không thông báo cho các bang khiếu nại.