Biển Đông: ‘Véo von tiếng địch’ của Bắc Kinh chẳng ru ngủ được ai

Góc bình luận - Ngày đăng : 09:38, 23/07/2019

Từ Bắc Kinh, “véo von tiếng địch” như muốn ru ngủ các nước ASEAN. Trong buổi họp báo hôm qua, người phát ngôn Trung Quốc cũng trả lời đầy mê hoặc như “tiếng sáo của Mỹ nhân ngư” khi bị chất vấn về vấn đề Biển Đông. Nhưng lời véo von đó chẳng ru ngủ được ai trước sự thật rành rành.
Malaysia tập trận phóng tên lửa sau khi bị Trung Quốc làm khó ở biển gần nhà - Ảnh: Hải quân Hoàng gia Malaysia

‘Véo von tiếng địch’ là một tác phẩm của nhà văn Khái Hưng kể về câu chuyện một anh chàng vô danh có tài thổi địch khiến công chúa Li Nương của vua Hùng thứ 14 phải lòng. Tiếng địch hay quá khiến Li Nương ngày đêm thương nhớ, mất ăn mất ngủ, thập tử nhất sinh. Có thể nói tiếng địch vi diệu quá khiến người nghe có khi mất cả lý trí. Từ Bắc Kinh, “véo von tiếng địch” đang gắng cất lên nhưng sẽ chẳng ru ngủ được ai. Chúng ta hãy thử nghe "tiếng địch véo von" như thế nào.

Trong buổi họp báo hôm qua của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, phóng viên hỏi: “Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ trong tuyên bố vào ngày 20.7 nói rằng Mỹ quan tâm đến các báo cáo về sự can thiệp của Trung Quốc với các hoạt động dầu khí ở Biển Đông, bao gồm cả các hoạt động thăm dò và khai thác lâu dài của Việt Nam. Tuyên bố trích dẫn lời của Bộ trưởng Pompeo, nhận xét rằng Trung Quốc đang ngăn chặn sự phát triển ở Biển Đông thông qua các biện pháp áp bức. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Bolton đã tweet rằng hành vi áp bức của Trung Quốc đối với các nước láng giềng Đông Nam Á đe dọa hòa bình và ổn định khu vực. Tôi muốn ngài bình luận về điều đó?”

Người phát ngôn Trung Quốc nói như thể ở Biển Đông không có gì xảy ra: “Tình hình ở Biển Đông nói chung là ổn định. Trung Quốc và các nước ASEAN đang thực hiện hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông. Chúng tôi đang bảo vệ hòa bình và ổn định một cách hiệu quả ở Biển Đông bằng cách thúc đẩy hợp tác hàng hải thực tế và tham vấn Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Trong khi đó, Trung Quốc và các nước liên quan ở Biển Đông quản lý các tranh chấp liên quan thông qua tham vấn và đối thoại. Đây là một thực tế được chứng kiến ​​bởi tất cả”.

Sau đó, Trung Quốc đổ lỗi cho Mỹ: “Trong một thời gian dài, các lực lượng bên ngoài bao gồm cả Mỹ đã đưa ra những nhận xét bừa bãi về vấn đề này, khuấy động những rắc rối và gieo rắc bất hòa với những ý định xấu. Những hành vi như vậy sẽ chỉ làm gián đoạn tình hình ở Biển Đông và làm suy yếu hòa bình và ổn định khu vực. Tôi phải chỉ ra rằng những bình luận của ông Pompeo và ông Bolton là không quan tâm đến sự thật. Họ là những người vu khống chống lại ý chí và nỗ lực của Trung Quốc và các nước ASEAN để bảo vệ hòa bình và ổn định và quản lý tranh chấp hợp lý. Các quốc gia và người dân trong khu vực sẽ không bao giờ tin một từ nào về những gì họ nói”. Rồi Trung Quốc kêu gọi “Mỹ chấm dứt những hành vi vô trách nhiệm như vậy, tôn trọng sự thật và nỗ lực của Trung Quốc và các nước ASEAN để giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại và đóng góp tích cực cho hòa bình và ổn định ở Biển Đông thay vì làm ngược lại”.

Nhưng trên thực tế thì Biển Đông đâu có ổn định với các nước ASEAN. Tại Philippines, dư luận nước này rất giận dữ trước việc tàu Trung Quốc xuất hiện tại vùng biển gần Philippines và có hành vi xua đuổi ngư dân suốt thời gian đầu năm. Gần đây, căng thẳng Bắc Kinh - Manila được đẩy cao khi tàu Trung Quốc đâm chìm tàu ngư dân Philippines hồi 9.6 gần Bãi Cỏ Rong, rất may là các ngư dân gặp nạn được thuyền Việt Nam cứu thoát.

Con gium xéo lắm cũng oằn, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte - một người trước đó theo đuổi chính sách o bế Trung Quốc - ngày 17.7 phát biểu trên truyền hình quốc gia: "Tôi đang kêu gọi Mỹ. Tôi đang cầu khẩn hiệp ước Mỹ - Philippines. Tôi muốn Mỹ triển khai toàn bộ Hạm đội 7 để đối đầu Trung Quốc. Tôi đang yêu cầu họ. Tôi sẽ tham gia cùng họ, tôi sẽ ngồi cùng với đô đốc Mỹ trên tàu chiến".

Tại Malaysia, sau 5 năm không tập trận tên lửa thì giữa tháng 7 cũng tiến hành tập trận phóng tên lửa để đáp lại việc bị Trung Quốc làm khó ở đặc khu kinh tế. Theo SCMP, tàu Hải dương 35111 đã lởn vởn như muốn thăm dò xung quanh bãi cạn Luconia, một cụm rạn san hô ở cuối phía nam biển Đông vốn cách bờ biển Malaysia khoảng 100 km trong khi cách bờ biển Trung Quốc đến 2000 km, suốt từ ngày 10 đến 27.5. Khi Malaysia gửi hai tàu chở dầu và khí đốt đến khu vực này, tàu cảnh sát biển Trung Quốc đã vây tròn chúng một cách khiêu khích, có lúc chỉ cách gần 80 mét, SCMP cho biết.

Với Việt Nam, Trung Quốc đã có hành vi xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế ở Biển Đông và bị Bộ Ngoại giao nước ta lên án. "Trong những ngày qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông", bà Lê Thị Thu Hằng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết trong thông cáo hôm qua 19.7.

"Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên. Việt Nam đã tiếp xúc nhiều lần với phía Trung Quốc ở các kênh khác nhau, trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam vì quan hệ hai nước và ổn định, hòa bình ở khu vực.

Cả 3 nước ASEAN đều có phản ứng theo cách thể hiện khác nhau trước các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông. Như vậy mà phía Trung Quốc nói rằng: “Trung Quốc và các nước ASEAN đang thực hiện hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông” thì “ngọt ngào” quá. Nhưng lời nói ngọt ngào này chẳng khác gì tiếng mỹ nhân ngư “véo von tiếng địch” trong chuyện cổ tích chứ ngoài đời thực thì chẳng ai tin.

Anh Tú