Từng bị tố gây ô nhiễm, Công ty Giấy Lee & Man vẫn lọt top 100 DN phát triển bền vững

Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 16:40, 11/12/2020

Từng bị tố gây ô nhiễm môi trường, Công ty giấy Lee & Man vẫn đạt danh hiệu “DN phát triển bền vững” 3 năm liền.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vừa phối hợp với Bộ LĐ-TB-XH, Bộ TN-MT, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức “Chương trình Đánh giá, Công bố Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam”.

lee-man-222.gif
Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam được vinh danh

Tại chương trình này, Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam được vinh danh trong top 100 Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam năm 2020. Đặc biệt, đây là lần thứ 3 liên tiếp (từ năm 2018-2020) công ty này được vinh danh tại chương trình này.

Được biết, để được lựa chọn vào bảng xếp hạng 100 doanh nghiệp bền vững, các doanh nghiệp tham gia phải đáp ứng đầy đủ 98 tiêu chí sàng lọc của Bộ chỉ số CSI trong cả 3 lĩnh vực: kinh tế, môi trường và xã hội.

Nhưng điều đáng nói là, mới năm 2017, doanh nghiệp này bị người dân sống gần đó gửi đơn kêu cứu khắp nơi khi cuộc sống của họ bị đe dọa bởi tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng.

Cụ thể, các hộ dân sống tại ấp Phú Xuân (thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, Hậu Giang) rất lo lắng khi nhà họ sống cách Nhà máy giấy Lee & Man khoảng 200m.

“Một ngày chúng tôi phải hít vào cơ thể không biết bao nhiêu là mùi khác lạ, bụi than đá, mùi thối rất khó chịu phát ra từ nhà máy, tiếng ồn nhà máy 24/24 giờ... Ngoài ra chúng tôi cũng rất lo ngại về nguồn nước sinh hoạt”, người dân nói với báo chí thời điểm đó.

Được biết, Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam (Công ty Lee & Man) là doanh nghiệp sản xuất công nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, thuộc Tập đoàn Lee & Man Hong Kong, có tổng vốn đầu tư 300 triệu USD. Nhà máy sản xuất giấy Lee & Man đặt tại Cụm công nghiệp tập trung Phú Hữu A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang với công suất 420.000 tấn/năm.

Tháng 6.2007, UBND tỉnh Hậu Giang trao giấy chứng nhận đầu tư dự án nhà máy giấy và sản xuất bột giấy cho Công ty TNHH Lee & Man Việt Nam (Tập đoàn Lee & Man Paper Hong Kong - Trung Quốc) với số vốn 1,2 tỉ USD.

Dự án khởi công tháng 8.2007, dự kiến hoàn thành vào tháng 10.2009, tuy nhiên không hoàn thành đúng kế hoạch. Chủ đầu tư điều chỉnh giảm vốn đầu tư còn 628,7 triệu USD và dự án tạm ngưng.

may-giay.jpg
Bên trong nhà máy

Tháng 12.2010, UBND tỉnh Hậu Giang đã cấp hai giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam với tổng diện tích 82,8 ha.

Trong đó, một giấy cấp cho Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam để đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất giấy cứng bao bì cao cấp sản lượng 420.000 tấn/năm với diện tích 41,9 ha. Giấy còn lại cấp cho Công ty TNHH nhà máy bột giấy Lee & Man Việt Nam để đầu tư xây dựng nhà máy bột giấy sản lượng 330.000 tấn/năm với diện tích 40,8 ha.

Tháng 4.2011, UBND tỉnh Hậu Giang có công văn gửi Tập đoàn Lee & Man yêu cầu giải trình nhiều nội dung khiến dự án bất động, đồng thời gia hạn 3 lần trong khoảng thời gian này.

Đến tháng 4.2014, dự án khởi động lại rồi tiếp tục thi công trì trệ, UBND tỉnh Hậu Giang cho gia hạn lần thứ 4 đến cuối năm 2014. Tháng 3.2015, UBND tỉnh Hậu Giang tiếp tục cho gia hạn lần 5 đến ngày 31.12.2016 nhà máy phải hoạt động.

Giữa năm 2016, khi các hạng mục của dự án hoàn thành, chuẩn bị hoạt động thử nghiệm, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) có văn bản gửi Quốc hội, Thủ tướng do lo ngại Nhà máy giấy Lee & Man hoạt động có thể gây “bức tử sông Hậu”. Sau đó, Bộ TN-MT đã ban hành quyết định thanh tra toàn diện Nhà máy giấy Lee & Man từ ngày 1.7.2016.

Cũng trong khoảng thời gian này, Bộ Công Thương đã dự kiến đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét dừng Nhà máy bột giấy Lee & Man.

Phía Bộ Công Thương cho biết, khu vực Tây Nam Bộ có địa hình thấp, hệ thống sông ngòi đan xen nên không phù hợp với việc trồng cây nguyên liệu giấy và việc sản xuất bột giấy từ nguyên liệu gỗ sử dụng nhiều hóa chất nên dự án đầu tư Nhà máy bột giấy của Công ty TNHH Lee & Man có nguy cơ cao trong việc gây ô nhiễm môi trường.

Với dự án nhà máy bột giấy 330.000 tấn/năm, Bộ Công Thương cho biết, dự án này đã được UBND tỉnh Hậu Giang cấp chứng nhận đầu tư khi không có ý kiến của Bộ chuyên ngành là không đúng theo Nghị định 108/2006/NĐ-CP.

Cụ thể, vào thời điểm cấp phép, Bộ Công Thương đã không nhận được đề nghị của UBND tỉnh Hậu Giang nên không có ý kiến về dự án này trước khi địa phương cấp Giấy chứng nhận đầu tư theo thẩm quyền được phân cấp.

Theo đó, cả dự án Nhà máy giấy và bột giấy đều được UBND tỉnh Hậu Giang cấp giấy chứng nhận đầu tư khi chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt thiết kế cơ sở là không đúng Nghị định 16/2005/NĐ-CP.

Cụ thể, Nghị định 16/2005/NĐ-CP quy định, việc thẩm định thiết kế cơ sở với Dự án nhóm A thuộc thẩm quyền của Bộ chuyên ngành (ở đây khi đó là Bộ Công nghiệp). Tuy nhiên, trên thực tế, Bộ Công nghiệp đã không nhận được hồ sơ của chủ đầu tư đề nghị thẩm định thiết kế cơ sở của 2 dự án này.

Đến tháng 12.2016, Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) đã cho phép vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải dự án sản xuất giấy của Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam. Tuy nhiên, 1 tháng sau, việc vận hành thử nghiệm của nhà máy tạm ngừng để thực hiện các yêu cầu theo kết luận thanh tra của Bộ TN-MT.

Tới tháng 3.2017, nhà máy vận hành thử nghiệm trở lại. Tuy nhiên, kể từ khi vận hành thử nghiệm trở lại, nhà máy này liên tiếp bị người dân gửi đơn khiếu nại, phản ánh về việc gây ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng tới đời sống cư dân.

Theo ghi nhận của UBND Thị trấn Mái Dầm, có khoảng 60 hộ dân phản ánh bị ảnh hưởng bởi mùi hôi từ Nhà máy giấy Lee & Man. Ngay sau đó, UBND tỉnh Hậu Giang cũng đã cử nhóm kỹ thuật giám sát quá trình chạy thử nghiệm của Nhà máy giấy Lee & Man. Theo đó, nguyên nhân ô nhiễm là ở các điểm như trạm xử lý nước thải, bể thiếu khí, kho chứa bùn khô, bể chứa bùn, hệ thống bể khí và hệ thống biogas.

Mới đây, gần 2 năm sau khi Bộ TN-MT bác bỏ đề nghị xin nâng công suất của Nhà máy giấy Lee & Man Việt Nam, nhà máy này lại tiếp tục xin nâng công suất lên 1,2 triệu tấn giấy/năm, gấp 2,6 lần so với công suất trước đây. Trước đề xuất này, người dân cũng như các chuyên gia bày tỏ lo ngại về vấn đề ô nhiễm môi trường và cho rằng cần phải minh bạch và cẩn trọng.

Trong đó, UBND TP Cần Thơ đề nghị phải có phân tích, đánh giá sự phù hợp của dự án so với hành lang an toàn bảo vệ nguồn nước phục vụ nước sinh hoạt. Mặc khác, chủ dự án phải đưa ra phương án thu gom, quản lý, xử lý bùn thải phát sinh trong quá trình hoạt động.

Nhu cầu sử dụng hóa chất của dự án khá lớn, cần mô tả chi tiết việc lưu trữ, quản lý sử dụng hóa chất, đồng thời bổ sung phương án phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất.

may-giay-2.jpg
Công ty giấy Lee & Man từng bị tố cáo gây ô nhiễm

Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường, hoạt động sản xuất của dự án có lưu lượng xả thải rất lớn. Hiện tại lưu lượng xả thải của nhà máy là 20.000m3/ngày đêm; khi nâng công suất, lưu lượng xả thải sẽ tăng lên 55.000m3/ngày đêm.

Trong đó, đáng quan tâm là nguồn tiếp nhận nước thải là sông Hậu, con sông lớn nhất và là nguồn cung nước ngọt chính của các tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam Bộ. Do đó, đề nghị chủ dự án hết sức quan tâm, nghiên cứu, bổ sung đánh giá chi tiết các tác động trong suốt quá trình hoạt động của dự án đối với khu vực.

Từ các phân tích về báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án nhà máy giấy Lee & Man, UBND TP.Cần Thơ đề nghị UBND tỉnh Hậu Giang cần cẩn trọng, cân nhắc việc cấp chủ trương đầu tư dự án nâng công suất nhà máy giấy Lee & Man Việt Nam từ 420.000 lên 1,1 triệu tấn giấy/năm.

Năm 2009, Công ty cổ phần hữu hạn Vedan cũng được tuyên dương "Doanh nghiệp ứng dụng hệ thống quản lý chất lượng xuất sắc năm 2009" trao giấy chứng nhận "Top 100 sản phẩm an toàn vì sức khoẻ cộng đồng".

Việc trao tặng chứng nhận này cho Vedan đã gây ra làn sóng phản ứng mạnh mẽ của dư luận lúc bấy giờ. Nguyên nhân là trong nhiều năm, Công ty Vedan đã có hành vi xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Thị Vải, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Bộ Khoa học và Công nghệ sau đó đã phải thừa nhận đây là một sai sót lớn của ban tổ chức chương trình và hạ lệnh khẩn trương thu hồi giấy chứng nhận của Công ty Vedan.

Hoài Lam