Cựu Giám đốc CDC Hà Nội xin giảm nhẹ hình phạt cho các nhân viên

Sự kiện - Ngày đăng : 19:10, 11/12/2020

Bị cáo Nguyễn Nhật Cảm mong HĐXX xem xét giảm nhẹ cho bản thân và các cán bộ CDC Hà Nội.

Chiều muộn 11.12, 10 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) và các đơn vị liên quan đã nói lời sau cùng. Cụ thể, ông Nguyễn Nhật Cảm cho rằng bản thân thấy rõ vấn đề và với vai trò là giám đốc, bị cáo chịu trách nhiệm chính.

Trong vụ án này, bị cáo Cảm nhận thấy bản thân và các bị cáo còn lại đều không vì lợi ích vụ lợi nên mong HĐXX xem xét giảm nhẹ cho bị cáo và các cán bộ CDC Hà Nội.

Ngoài ra, bị cáo Cảm khẳng định không có động cơ mục đích nào, chỉ mong muốn có được máy xét nghiệm đạt chất lượng nhằm phục vụ việc phòng, chống dịch COVID-19.

Đặc biệt, bị cáo Cảm nhấn mạnh bản thân không hề có điều kiện để vụ lợi, không ấn định Công ty MST trúng thầu. Vì áp lực thời gian, lương tâm trách nhiệm của một bác sỹ và trong tình hình dịch bệnh cấp bách nên khó tránh khỏi những sai sót...

Trong phần nói lời sau cùng, các bị cáo còn lại đều mong HĐXX xem xét toàn diện bối cảnh sự việc, mong được giảm nhẹ hình phạt. 

Theo đó, tranh luận trước Tòa, đại diện CDC Hà Nội mong VKS, HĐXX xem xét toàn diện bối cảnh phạm tội của các bị cáo, đồng thời mong HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo nguyên là cán bộ CDC Hà Nội.

130276922_391844445474164_4550333388338391348_n.jpg
Các bị cáo tại phiên xét xử - Ảnh: T.A

Trong phần tranh luận chiều 11.12, đại diện VKS đã chia sẻ về những khó khăn, vất vả của cán bộ CDC Hà Nội trong thời gian chống dịch COVID-19 vừa qua, song dù có hoạt động trong giai đoạn khó khăn thì các bị cáo vẫn phải chấp hành nghiêm quy định của pháp luật.

Đáp lại quan điểm “không chứng minh được sự đồng phạm trong vụ án này” của luật sư, VKS phân tích: “Đồng phạm trong mỗi vụ án hình sự có tính chất khác nhau. Trong vụ án này, các bị cáo đều hoạt động trong 1 tổ chức, phối hợp hoạt động chặt chẽ với nhau; mỗi bộ phận có chức năng thực hiện 1 việc nhất định và hướng đến mục đích chung là chỉ định thầu theo quy định”.

Tuy nhiên, theo VKS, các bị cáo đều thừa nhận có vi phạm trong việc chỉ định thầu. Dù không thể hiện sự bàn bạc về giá cả, các bị cáo biết rằng quá trình thực hiện phải thực hiện theo quy định của pháp luật. VKS xác định hành vi của các bị cáo để lại hậu quả chung, gây thiệt hại cho Nhà nước. Vì vậy, các bị cáo cùng tiếp nhận ý chí với bị cáo Cảm – đây là dấu hiệu của hành vi đồng phạm.

130454584_222363605932975_8901130918190458893_n.jpg
Bị cáo Nguyễn Nhật Cảm - Ảnh: T.A

Một số bị cáo có động cơ vụ lợi

Trong phần đối đáp, theo VKS, các tài liệu điều tra và lời khai của các bị cáo đều thể hiện sự gặp gỡ, bàn bạc, thống nhất giá; sau đó Nguyễn Thanh Tuyền đã chỉ đạo nhân viên làm 3 báo giá, trong đó có 2 báo giá giả mạo. Bị cáo Nhất, Tuyền đều khai nhận có chi % cho Nguyễn Nhật Cảm; bản thân bị cáo Cảm cũng có nói Nhất có hứa chi % nhưng không nhớ giá trị. Ngoài ra, bị cáo Vinh cũng được hưởng lợi từ việc này.

“Rõ ràng, việc chỉ định thầu trái quy định của pháp luật này đã có lợi ích của các bị cáo nên VKS quy kết một số bị cáo cáo có động cơ vụ lợi, không phải tất cả”, VKS nhấn mạnh.

Trong phần bào chữa cho các thân chủ của mình, luật sư nhiều lần nhắc tới việc không có sự thông đồng, móc ngoặc nhưng VKS khẳng định các bị cáo đã thông đồng ngay từ đầu, bị cáo Cảm và Tuyền bàn bạc về giá mua máy xét nghiệm, ấn định giá ngay từ đầu... Một lần nữa, VKS nhấn mạnh đây chính là động cơ vụ lợi.

Liên quan đến việc các luật sư cho rằng không có việc gian lận, giả mạo hồ sơ trong việc chỉ định thầu, theo đối đáp của VKS, để hợp thức việc chỉ định thầu, cán bộ CDC đã ký lùi ngày tài liệu - đó là hành vi gian lận. Việc ghi lùi ngày chỉ là 1 trong những hành vi tiếp nhận ý chí từ bị cáo Cảm để hoàn tất bộ hồ sơ. Các bị cáo ở CDC Hà Nội đã tiếp nhận ý chí một cách tự nguyện, không có bất kỳ ai phản đối.

Khi đối đáp, VKS cũng cho biết trong quá trình nghiên cứu hồ sơ cũng như căn cứ vào lời khai tại phiên tòa của các bị cáo, VKS đã phân tích, đánh giá dựa trên tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, ghi nhận sự đóng góp của các bị cáo trong quá trình công tác nên đề nghị mức án thể hiện sự khoan hồng của pháp luật.

Trước đó, VKS đề nghị xử phạt bị cáo Nguyễn Nhật Cảm từ 10 – 11 năm tù. Các bị cáo nguyên là cán bộ CDC Hà Nội bị đề nghị xử phạt từ 2 – 8 năm tù với cùng tội danh “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

4 bị cáo còn lại, gồm Nguyễn Ngọc Nhất (nhân viên Công ty TNHH Phát triển khoa học Vitech), Đào Thế Vinh (Giám đốc Công ty TNHH Vật tư khoa học và Thương mại Việt Nam – MST), Nguyễn Trần Duy (nguyên Tổng giám đốc Công ty CP định giá và bán đấu giá Nhân Thành), Nguyễn Thanh Tuyền (nhân viên Công ty TNHH Thiết bị y tế Phương Đông), bị VKS đề nghị xử phạt từ 5 – 8 năm tù với cùng tội danh nêu trên.

Nhã Thanh