Tâm sự của cha kẻ cầm đầu đường dây đưa người nhập cảnh trái phép

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 12:00, 13/12/2020

Ngày từ Cần Thơ ngược ra Hà Tĩnh thăm con trai trong tù, hơn 10 phút gặp nhau qua vách ngăn bằng kiếng, ông T. chỉ biết nhìn con khóc rồi tạm biệt ra về.

Hai chị em miền Tây trong đường dây đưa người vượt biên trái phép

Trong vụ 39 người Việt tử vong trong container ở Anh vào tháng 10.2019, TAND tỉnh Hà Tĩnh đã đưa 7 bị cáo ra xét xử vì liên quan đến đường dây tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài. Phiên xử diễn ra vào tháng 9 vừa qua nhằm làm rõ hành vi của các bị cáo đưa nạn nhân P.T.T.M. (ngụ H.Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) trốn sang Anh. M. là 1 trong 39 nạn nhân tử vong trong vụ án chấn động thế giới trên.

Trong 7 bị cáo bị TAND tỉnh Hà Tỉnh đưa ra xét xử, Nguyễn Quốc Thành, 26 tuổi, ngụ P.Ba Láng, Q.Cái Răng, TP.Cần Thơ là người bị tuyên mức án cao nhất với 90 tháng tù giam. HĐXX xác định Thành là kẻ cầm đầu đường dây trong nước. Chị gái của Thành là Nguyễn Thị Thúy Diễm, 30 tuổi, đã bỏ trốn ngay sau khi vụ việc vỡ lỡ. Cơ quan an ninh điều tra Công an Hà Tĩnh sau đó phát lệnh truy nã và đề nghị Bộ Công an phối hợp với Interpol ban hành thông báo đỏ (truy nã quốc tế) đối với bị cáo này. Đến nay Diễm vẫn đang bặt vô âm tín.

Hai chị em Diễm và Thành quê ở Cần Thơ, vậy họ làm thế nào để đưa nạn nhân ở tận Hà Tĩnh sang các nước khác nhau trước khi nhập cư bất hợp pháp vào Anh? Theo cáo trạng, nạn nhân M. có nhu cầu sang Anh lao động nên liên hệ với 1 trong 7 bị cáo trên để nhờ làm thủ tục. Chi phí khi qua tay nhiều bị cáo đội lên 22.000 USD/người.

Thành là người tập hợp hồ sơ của nạn nhân M. và nhiều người khác. Trong khi đó, Diễm ở Trung Quốc chỉ đạo, hướng dẫn cho em trai chuyển hồ sơ cho một số người để làm thủ tục xin cấp visa Trung Quốc cho những người có nhu cầu đi lao động, rồi từ đây tìm đường sang châu Âu. Đó là những bước đi đầu tiên dẫn đến thảm kịch 39 thi thể người Việt được phát hiện trong xe container khi tìm cách vượt biên vào Anh.

Nước mắt người cha

Ông N.V.T. (53 tuổi), cha của Diễm và Thành, là 1 người lao động chân tay, sống trong ngôi nhà được Diễm mua cho vào khoảng 3 năm trước. Là người chất phác, thật thà, tự nhận mình ít học, ông T. cũng không hiểu hết những tội mà 2 đứa con của mình đã phạm phải. Ông nói về người con gái đang trốn truy nã: “Gây ra chuyện gì thì cũng phải về, về để gia đình tôi biết nó còn sống, về để chịu tội, để khắc phục những gì mà nó gây ra. Chuyện gì cũng phải đối diện”.

1.jpg
Ông T., người cha đau khổ kể chuyện 2 đứa con bị tù và truy nã quốc tế trong vụ án 39 người Việt tử vong trong container ở Anh - Ảnh: Thanh Nguyên

Ông T. kể vợ chồng ông có 3 người con. Diễm là con gái lớn trong gia đình, học tới lớp 9 thì nghỉ phụ mẹ buôn gánh bán bưng. Năm 20 tuổi Diễm lấy chồng Hàn Quốc, đến khi mang thai thì bị chồng bỏ rơi nên về nhà sinh con rồi để lại cho ông bà ngoại nuôi dưỡng. Cuộc đời của cô gái này từ đó lênh đênh. Cô lấy thêm 2 người chồng Trung Quốc nữa và hành vi phạm tội cũng nhen nhóm trong thời gian này.

Còn Thành là con trai út, sau khi nghỉ học thì quanh quẩn ở nhà cho đến khi đi nghĩa vụ quân sự. Khi trở về Thành học lái xe tải và xin vào làm tài xế cho 1 công ty lớn. Tuy nhiên, thành quả chưa thấy đâu thì Thành theo chị sa chân vào con đường phi pháp.

Đứa con trai còn lại của ông thì ngoan ngoãn nhưng bị câm, phải chật vật kiếm sống. Ông T. và vợ cũng đã ly dị dù hiện vẫn sống chung 1 mái nhà. Người đàn ông này từng có thời gian đi giúp việc cho 1 gia đình khá giả rồi ở lại luôn nhà chủ trong 7 năm. Đó là khoảng thời gian mà ông T. ít khi liên hệ với con cái, khoảng cách tình thân cứ thế xa dần.

2.jpg
Ngôi nhà mà Diễm bỏ hơn 2 tỉ đồng để mua hiện cha mẹ cô đang ở - Ảnh: Thanh Nguyên

Ngày Thành bị Công an Hà Tĩnh bắt, ông T. bàng hoàng tột độ. Rồi khi biết con liên quan đến vụ 39 người Việt tử vong ở Anh, cảm xúc của ông hỗn độn vô cùng. Tình cảm cha con tưởng nhạt nhòa bao năm như lại thức tỉnh. Được Công an Hà Tĩnh và Công an TP.Cần Thơ tạo điều kiện, ông T. khăn gói vượt hàng ngàn cây số ra thăm con trai.

Ông kể quá trình đi thăm con, ngồi máy bay đến TP.Vinh ở Nghệ An, liên hệ Công an Hà Tĩnh rồi được cán bộ chở đến trại giam có chút hào hứng. Nhưng khi đến lúc gặp được con thì sự hào hứng đó lập tức bị dập tắt. “Gặp nó được hơn 10 phút à mà có nói gì được đâu. Thấy nó là tôi khóc rồi, nó cũng khóc. Hai cha con cứ ngồi đó khóc. Có tấm kiếng cao cao ở trước mặt tôi và nó, có mấy cái lỗ nhỏ để nói chuyện được với nhau. Sau lưng tôi và nó có cán bộ công an trực”, ông T. xúc động kể lại.

Một cán bộ ấp ở P.Ba Láng, nơi ông T. sống cho biết, cuộc sống ông T. hiện đang rất khó khăn. Hai vợ chồng ông cùng nuôi đứa cháu ngoại 9 tuổi là con của Diễm. Vợ ông T. buôn bán thêm vì nhà ở gần chợ, còn ông thì mượn đất hoang của người khác để trồng hoa màu. “Đất thì nhiều lắm mà tôi làm một mình không nổi. Với thời tiết năm nay thất thường quá. Đợt rồi tôi phải đốn bỏ cả tấn đu đủ, mất cả chục triệu bạc, tiếc đứt ruột”, ông T. thở dài.

Ông T. nói lúc con gái đi lấy chồng nước ngoài ít liên lạc với ông mà chủ yếu là nói chuyện với mẹ. Hơn 3 năm trước, Diễm về quê rồi mua 1 ngôi nhà ở gần chợ số 10 (thuộc P.Ba Láng) với giá hơn 2 tỉ đồng. Ngôi nhà này do Diễm đứng tên, giờ không rõ cô ở đâu, số phận của ngôi nhà này cũng khiến ông T. lo lắng.

Nói thêm về con gái, ông T. cho biết: “Tôi nghe tình hình dịch bệnh phức tạp thì cũng lo cho nó. Nó về trình diện thì mình mới biết chắc là nó còn sống. Chẳng lẽ trốn cả đời”. Người dân địa phương cho biết hầu hết hàng xóm đều biết chuyện Thành bị ở tù, Diễm bị truy nã quốc tế, nhưng do gia đình của ông T. trước nay ít giao du với người khác nên ai cũng ngại, không dám bàn tán.

Tháng 10.2019, 39 người Việt Nam được phát hiện chết trong container tại khu công nghiệp Waterglade thuộc hạt Essex, phía đông London, Anh. Điều tra của cảnh sát Anh cho thấy họ được đưa lên xe ở phía bắc Pháp và nộp cho những kẻ buôn người tới 20.000 Euro (hơn 23.000 USD) để vượt biên từ Pháp sang Anh. Container chở họ được chuyển bằng phà từ cảng Zeebrugge ở Bỉ tới cảng Purfleet, Anh, trong đêm.
Các nạn nhân sau đó tử vong vì thiếu oxy và quá nóng trong không gian kín. Sau khi thảm kịch xảy ra, tài xế lái container bị cảnh sát Anh bắt giữ và thẩm vấn. Tài xế này khai ra thêm chân rết trong đường dây đưa người vượt biên trái phép. Những kẻ tình nghi bị tạm giữ, thẩm vấn ngay sau đó.
Tháng 5.2020, hơn 20 nghi phạm khác liên quan đến thảm kịch đã bị bắt ở Pháp, Bỉ và Đức. Một kẻ được cho là đóng vai trò then chốt trong đường dây, có biệt danh "Công tước Hói", 29 tuổi, cũng bị bắt ở vùng Upper Rhine, Đức. 13 nghi phạm bị cảnh sát Pháp bắt đã bị truy tố tội buôn người, trong khi 6 kẻ thuộc nhóm này, chủ yếu là người Việt và người Pháp phải đối mặt tội ngộ sát. Vụ việc chấn động này hiện vẫn đang được tòa án các nước liên quan tiếp tục xét xử, mở rộng điều tra.

Thanh Nguyên