Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu lên phương án xử lý dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 09:08, 14/12/2020

Theo Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, việc xử lý chậm trễ dự án Nhà máy bột giất Phương Nam gây ra lãng phí nguồn lực rất lớn, đó là khoản tiền đầu tư trên 3.000 tỷ đồng và nguồn lực đất đai khoảng 43 ha.

Ngày 13.12, tại huyện Thạnh Hóa, Long An, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình có buổi làm việc với các đơn vị liên quan về dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam.

Buổi làm việc có sự tham dự của đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, Tổng Công ty Giấy Việt Nam và UBND tỉnh Long An.

Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho rằng, dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam được khởi công xây dựng cách đây 16 năm, năm 2012 cơ bản hoàn thành và tiến hành chạy thử, nhưng không thể cho sản phẩm, không đạt mục tiêu ban đầu đặt ra. Việc xử lý chậm trễ dự án này gây ra lãng phí nguồn lực rất lớn, đó là khoản tiền đầu tư trên 3.000 tỷ đồng và nguồn lực đất đai khoảng 43 ha. Đồng thời, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của Tổng công ty Giấy Việt Nam, ảnh hưởng đến công tác cơ cấu lại và cổ phần hóa Tổng công ty Giấy Việt Nam.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu các bộ, ngành nghiên cứu tính khả thi nếu thay đổi quy hoạch theo đề xuất mới của tỉnh Long An. Giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và UBND tỉnh Long An khẩn trương xây dựng báo cáo trình Chính phủ toàn diện các phương án đối với dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam, gồm cả phương án bán đấu giá dự án; phương án thực hiện cổ phần hóa Tổng công ty Giấy Việt Nam bao gồm cả dự án này và Phương án điều chỉnh quy hoạch gắn với đấu giá dự án trước ngày 31.12 tới. Trong đó lưu ý cơ sở pháp lý của từng phương án, vướng mắc cần xử lý, lộ trình xử lý…

4(1).jpg

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu các bộ, ngành nghiên cứu tính khả thi nếu thay đổi quy hoạch theo đề xuất mới của tỉnh Long An. Giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và UBND tỉnh Long An khẩn trương xây dựng báo cáo trình Chính phủ toàn diện các phương án đối với dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam, gồm cả phương án bán đấu giá dự án...

Trước đó, tại cuộc họp, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Giấy Việt Nam Nguyễn Việt Đức cho biết, dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam được Thủ tướng cho phép Công ty Đầu tư phát triển Giao thông vận tải (Tracodi) làm chủ đầu tư vào tháng 10.2003 với số vốn hơn 1.487 tỷ đồng, quy mô 100.000 tấn bột giấy/năm. Tháng 11.2007, Tracodi điều chỉnh tổng mức đầu tư lên gần 2.287 tỷ đồng (vốn ngân sách cấp 69,486 tỷ đồng; vay nước ngoài 1.322,35 tỷ đồng; vay ngân hàng thương mại 28,252 tỷ đồng; vay Công ty Tài chính Dầu khí 845,12 tỷ đồng và vốn tự có 21,519 tỷ đồng).

Do chủ đầu tư gặp khó khăn, tháng 6.2009, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chuyển giao chủ đầu tư dự án từ TRACODI sang Tổng công ty Giấy Việt Nam (VINAPACO). Tổng số vốn TRACODI đã thực hiện đầu tư vào dự án là 2.021,704 tỷ đồng.

Tháng 6.2012, VINAPACO cơ bản hoàn thành xây dựng, lắp đặt thiết bị và chạy thử không tải. Tuy nhiên, quá trình chạy thử có tải không thành công. VINAPACO tiếp tục điều chỉnh tổng mức đầu tư lên gần 3.410 tỷ đồng và tìm các phương án đưa dự án vào hoạt động nhưng nhà máy không vận hành được.

VINAPACO cũng đã 3 lần đàm phán để ký lại hợp đồng chạy thử với Nhà thầu ANDRITZ nhưng phía ANDRITZ không cam kết đảm bảo kết quả chạy thử ra được sản phẩm cuối cùng vì nghĩa vụ của nhà thầu với hợp đồng cung cấp thiết bị và dịch vụ kỹ thuật ký với TRACODI đã hết. Sau khi xem xét, đánh giá toàn diện hiện trạng dự án, các bộ, ngành và đơn vị có liên quan, Bộ Công Thương nhận thấy dự án đã không đạt được mục tiêu, việc đưa nhà máy vào vận hành không khả thi và đề xuất với Chính phủ cho phép dừng dự án. Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đồng ý đề nghị của Bộ Công Thương về việc dừng đầu tư dự án, đồng thời giao Bộ Công Thương khẩn trương xây dựng phương án xử lý đối với dự án, như thanh lý, nhượng bán...

Đáng chú ý, việc dự án dừng thực hiện, một số nhà thầu đã khởi kiện để đòi nợ, VINAPACO thua kiện và phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Nhiều dự án lớn của đơn vị những năm qua không thể triển khai, đặc biệt là việc Ngân hàng PVcomBank khởi kiện ra tòa gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh, và có thể khiến đình trệ sản xuất, thậm chí phá sản bởi số tiền mà ngân hàng này yêu cầu phải trả lên đến 592 tỷ đồng, gần bằng nửa vốn điều lệ của VINAPACO.

Và mặc dù đã 2 lần thực hiện công tác xác định giá trị doanh nghiệp vào năm 2009 và 2014 để cổ phần hóa theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công Thương nhưng do vướng mắc của dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam nên vẫn chưa thể cổ phần hóa được. Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ năm 2017, VINAPACO thực hiện cổ phần hóa trong năm 2020 nhưng đến nay cũng vẫn không thực hiện được.

Đến nay, nhiều phương án đưa ra như thành lập Công ty Cổ phần Bột giấy Phương Nam với các cổ đông gồm: SCIC là cổ đông chính, BIDV Long An, Ngân hàng PVComBank; thành lập Công ty TNHH một thành viên 100% vốn Nhà nước, trên cơ sở toàn bộ vốn Nhà nước đã bố trí cho dự án; cho phép tách dự án ra khỏi giá trị doanh nghiệp khi tiến hành cổ phần hóa VINAPACO, tuy nhiên, các phương án này đều không khả thi.

Về giải pháp tới đây, Tổng Công ty Giấy Việt Nam kiến nghị Chính phủ xem xét, có ý kiến với cấp có thẩm quyền giải quyết dứt điểm đối với vụ kiện của PVcomBank; có giải pháp về lãi suất, khoanh nợ và dừng công tác bán đấu giá dự án để tiến hành cổ phần hóa VINAPACO bao gồm cả dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam…

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND tỉnh Long An đã chỉ ra hàng loạt yếu tố cần được đánh giá khách quan, như dự án bị đình trệ quá lâu, gần 20 năm từ khi bắt đầu triển khai nhưng chưa thể đi vào hoạt động, đội vốn lớn, tính toán đầu vào và sản phẩm đầu ra đều không hiệu quả, công nghệ không phù hợp với nguyên liệu trong khi quy hoạch vùng nguyên liệu vẫn phải giữ lại vì nhà máy vẫn còn, lãng phí đất đai trong thời gian dài gây bức xúc trong nhân dân vùng dự án.

Ngoài những bất cập trên, theo ông Nguyễn Văn Út, dự án hiện không còn phù hợp với quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn. Theo quy hoạch, huyện Thạnh Hóa được quy hoạch là đô thị sinh thái gắn với du lịch, nông nghiệp công nghệ cao. Đối với dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam, tỉnh có thể chuyển đổi quy hoạch thành khu đô thị sinh thái với quy mô mở rộng lên hơn 100 ha. Ngoài ra, việc nhà máy bột giấy nằm ở đầu nguồn sông Vàm Cỏ luôn tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến nguồn nước cho người dân Long  An, TPHCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tiền Giang.

Đại diện các bộ, ngành tham dự phát biểu đều cho rằng, sau khi ngừng đầu tư dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam, đã có rất nhiều chỉ đạo liên quan đến việc tách dự án ra khỏi VINAPACO để thực hiện cổ phần hóa, bán đấu giá tài sản, khoanh nợ, giãn nợ cho dự án… Tuy nhiên các giải pháp đều không thể triển khai thực hiện do vướng quy định, mức giá và tính hiệu quả để nhà đầu tư quan tâm.

Gần nhất, tháng 4.2020, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo Tổng Công ty Giấy khẩn trương hoàn thành sớm nhất việc thẩm định giá đối với toàn bộ tài sản cố định và hàng tồn kho dự án theo quy định của pháp luật, chuyển kết quả định giá cho Kiểm toán nhà nước để kiểm toán, làm căn cứ tổ chức triển khai bán đấu giá lần thứ 2; Thông báo ngày 18.6.2020, Phó Thủ tướng tiếp tục giao Bộ Công Thương khẩn trương báo cáo Trưởng ban Chỉ đạo xử lý các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương về phương án xử lý đối với dự án Nhà máy Bột giấy; hay trong văn bản của Vụ Kinh tế tổng hợp thuộc Văn phòng Chính phủ ngày 9.9.2020 về chương trình họp Ban Chỉ đạo 4 tháng cuối năm, Phó Thủ tướng đã giao Bộ Công Thương khẩn trương báo cáo Ban chỉ đạo về Phương án xử lý đối với dự án.

Về đề xuất phía tỉnh Long An, các đại biểu cho rằng đây là giải pháp mới, phù hợp với quy hoạch, và nhất là đảm bảo về môi trường hơn so với việc tiếp tục tìm biện pháp để đưa Nhà máy Bột giấy đi vào hoạt động, trong khi tính hiệu quả không đảm bảo.

VGP