Vì sao hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam khó bán cho Mỹ, EU?

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 18:11, 15/12/2020

Rào cản lớn nhất đối với hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam tại thị trường nước ngoài chính là năng lực cạnh tranh.

Tiềm năng lớn

Ngành thủ công mỹ nghệ Việt Nam là một trong những ngành được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển lớn, đặc biệt ở thị trường quốc tế. Theo thống kê của Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam, cứ 1 triệu USD xuất khẩu của ngành thủ công mỹ nghệ mang lại lợi nhuận gấp 5-10 lần so với ngành khai thác, giải quyết việc làm từ 3.000 đến 5.000 lao động.

Đáng nói, nhóm hàng thủ công mỹ nghệ được xếp vào nhóm sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu lớn và có tỉ suất lợi nhuận cao. Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này mang lại giá trị gia tăng lớn và được coi là ngành hàng mũi nhọn để tập trung phát triển xuất khẩu trong các năm tới.

xuc-tien-thuong-mai-hang-thu-cong-my(1).jpg

Về ưu thế của ngành này, đại diện Cục Xúc tiến thương mại cho rằng việc sản xuất, xuất khẩu hàng thủ công phần lớn khai thác nguồn nguyên liệu tại chỗ và hầu như không phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu (ước tính chỉ chiếm từ 3-3,5% giá trị xuất khẩu) nên thuộc nguồn hàng hóa có tính nội lực cao, đồng thời là ngành có điều kiện phát triển ở nhiều khu vực, vùng miền, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế của những nơi này.

Bên cạnh đó, lực lượng lao động, có kỹ năng và khả năng tiếp thu công nghệ mới khá nhanh chóng, mức lương của lao động Việt Nam thấp so với các nước trong khu vực đó cũng là một ưu thế cho phát triển sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ một cách đa dạng và nâng cao sức cạnh tranh. Một số sản phẩm như: gốm sứ, sơn mài, đồ gỗ, hàng mây tre, dệt may, thêu... của Việt Nam được nhiều nước ưa dùng để làm đồ trang trí nội thất và quà tặng.

Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết các sản phẩm thủ công của Việt Nam đã có mặt tại 163 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam giai đoạn 2015-2019 tăng trung bình 9,5%/năm, từ 1,62 tỉ USD (2015) lên đến 2,23 tỉ USD (2019).

Trong đó, thị trường Mỹ là thị trường tiêu thụ lớn nhất cho các sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam (với doanh số chiếm 35% kim ngạch xuất khẩu hàng năm), bên cạnh đó là các thị trường như Nhật Bản, Liên minh Châu Âu (đặc biệt là Đức, Anh, Pháp, Hà Lan…), Úc, Hàn Quốc… Hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu chủ yếu bao gồm 5 nhóm: Túi xách, ví, vali, mũ, ô, dù; đồ chơi, dụng cụ thể thao và bộ phận; hàng gốm sứ; sản phẩm mây, tre, cói, thảm; gỗ mỹ nghệ.

Thị phần xuất khẩu nhỏ

Tuy nhiên, nếu so sánh với lượng tiêu thụ hàng nội thất và quà tặng trên thế giới thì lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam còn khá khiêm tốn, chỉ chiếm một phần nhỏ dung lượng thị trường.

Trên thị trường quốc tế, hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam đang bị tụt bậc do mẫu mã đơn điệu, giá thành cao hơn so với một số nước trong khu vực như: Indonesia, Philippines, Thái Lan, Trung Quốc... nên thường gặp khó khăn khi xuất khẩu vào các thị trường lớn như: Mỹ, Nhật Bản, EU... Đặc biệt, các hợp tác xã, doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ cũng thiếu trầm trọng nhân sự có năng lực chuyên môn sâu về marketing xuất khẩu.

882c3e24cad03b8e62c1.jpg

Chính phủ Việt Nam coi việc phát triển ngành nghề thủ công là một biện pháp chính sách hữu hiệu giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, phát triển kinh tế nông nghiệp. Vì vậy, nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu cho các hợp tác xã, doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ hiện là vấn đề cấp thiết, có tính sống còn đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung.

Theo đó, Bộ Công Thương đề xuất cần hợp lý hóa giữa các công đoạn để vừa giảm giá thành vừa nâng cao chất lượng sản phẩm bằng cách xây dựng cụm sản xuất hàng xuất khẩu có tính liên kết chặt chẽ, hợp lý hóa giữa các công đoạn. Bên cạnh đó là nâng cao năng lực cạnh tranh marketing xuất khẩu cho doanh nghiệp ngành thủ công mỹ nghệ chính là giải pháp quan trọng để xây dựng, phát triển ngành thủ công mỹ nghệ nói riêng và làng nghề Việt Nam nói chung theo hướng bền vững, đủ sức cạnh tranh trong xu thế hội nhập.

Để ngành hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam có thể mạnh mẽ vươn ra thế giới, Bộ Công Thương cho rằng ngành này cần xác định dịnh hướng chiến lược xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ giai đoạn 2021 – 2025 là Nâng cao năng lực xuất khẩu chuỗi giá trị hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam trên cơ sở tập trung vào các nhóm mặt hàng có lợi thế cạnh tranh, gia tăng giá trị sản phẩm, tăng cường hợp chuẩn quốc tế nhằm đáp ứng được nhiều phân khúc thị trường khác nhau, trong đó tập trung vào phân khúc thị trường trung và cao cấp.

Tăng cường tính gắn kết ngành và xây dựng thương hiệu ngành gắn với xúc tiến thương mại, phát triển bền vững nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh trên bình diện khu vực – Phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 5 tỉ USD vào năm 2025.

Bài và Ảnh: Tuyết Nhung