Lần đầu tiên các bác sĩ Việt Nam thay van động mạch chủ không cần mở xương ức

Thông tin Y học - Ngày đăng : 20:50, 15/12/2020

Thay vì phải mở ngực, mở xương ức dài để thay van động mạch chủ, thay động mạch chủ, các bác sĩ đã sử dụng kỹ thuật xâm lấn tối thiểu, chỉ mở ngực tối thiểu và không cần mở xương ức.

Chiều 15.12, Bệnh viện Chợ Rẫy cho hay các bác sĩ ở đây vừa thực hiện thành công 2 ca thay van động mạch chủ, thay động mạch chủ bằng kỹ thuật xâm lấn tối thiểu, không cần mở xương ức. Đây là một kỹ thuật mới lần đầu tiên được ứng dụng tại Việt Nam.

BS.CK2 Nguyễn Thái An - Trưởng khoa Hồi sức phẫu thuật tim, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, 2 bệnh nhân may mắn được thực hiện thành công bằng kỹ thuật này là ông N.V.T. (67 tuổi) và bà N.T.N. (66 tuổi). Trong đó, ông T. được chẩn đoán hẹp van động mạch chủ, van động mạch chủ 2 mảnh, phình động mạch chủ ngực lên; còn bà N. bị hẹp van động mạch chủ, van động mạch chủ 3 mảnh và phình động mạch chủ ngực lên.

lan-dau-tien-cac-bac-si-viet-nam-thay-van-dong-mach-chu-khong-can-mo-xuong-uc-hinh-anh-1.png
Bằng kỹ thuật mổ xâm lấn tối thiểu, vết mổ ở bệnh nhân chưa đến 5cm, bệnh nhân mau chóng hồi phục - Ảnh: PV

Sau khi hội chẩn, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật thay van động mạch chủ và động mạch chủ bằng kỹ thuật xâm lấn tối thiểu.

Trong quá trình thực hiện kỹ thuật này có sự hỗ trợ của nội soi, nhất là những góc mà bác sĩ không thể nhìn được cần phải nhìn qua camera. Đối với bệnh nhân T., ê kíp phẫu thuật tiến hành thay van động mạch chủ sinh học số 25, thay đoạn lên và một phần quai động mạch chủ bằng ống thép nhân tạo số 26 qua đường mở ngực bên phải.

Riêng bệnh nhân N. được thay van động mạch chủ sinh học số 24, thay động mạch chủ ngực lên bằng ống thép nhân tạo số 24. “Chúng tôi chỉ rạch cân cơ, không phá xương nên việc mất máu rất ít. Sau phẫu thuật cả 2 bệnh nhân đều không có biến chứng, sức khỏe ổn định và đã được xuất viện”, bác sĩ An cho hay.

Theo bác sĩ An, vết mổ kinh điển trước đây để thay van động mạch chủ là một đường mổ rạch da rất dài. Bệnh nhân phải mở toàn xương ức, cưa xương ức nên đòi hỏi cần thời gian dài để hồi phục xương ức. Đường mổ càng rộng, cưa càng nhiều sẽ gây ra nhiều tổn hại cho bệnh nhân, nhất là mất máu lớn và những nguy cơ khác.

Trong khi đó, mổ xâm lấn tối thiểu đường mổ rất ngắn, chỉ khoảng 5cm, giúp bệnh nhân hồi phục rất nhanh, chưa đầy 1 tháng có thể đi lại tự do.

lan-dau-tien-cac-bac-si-viet-nam-thay-van-dong-mach-chu-khong-can-mo-xuong-uc-hinh-anh(2).png
Bệnh nhân N.V.T. (67 tuổi) và bệnh nhân  N.T.N.(66 tuổi) - thứ 2 và 3 từ trái sang - vui mừng trong ngày xuất viện - Ảnh: P.V

Bác sĩ An cho rằng đường mổ xâm lấn tối thiểu không chỉ đơn thuần có giá trị về mặt thẩm mỹ bên ngoài so với mổ kinh điển mà còn có sự khác nhau rất nhiều về bản chất. Một cuộc mổ xâm lấn càng ít thì bệnh nhân thương tổn càng ít, mất ít máu, không phải truyền máu. Điều này giúp bệnh nhân mau hồi phục, tiên lượng lâu dài sẽ rất tốt.

“Tuổi thọ của con người ngày càng cao, bệnh nhân hẹp van động mạch chủ cần phải thay ngày càng lớn tuổi. Trước đây, bệnh nhân thay van động mạch chủ phần lớn là 40 đến 50 tuổi, giờ thường là những bệnh nhân trên 60 tuổi và sau này là ngoài 70 tuổi. Nếu mổ theo kỹ thuật kinh điển trước đây, những bệnh nhân lớn tuổi này thường kèm theo những bệnh nền khác thì sẽ không chịu nổi. Viêc nghiên cứu, thay đổi kỹ thuật mổ hiện đại làm sao cho bệnh nhân ít đau, ít mất máu, nhanh hồi phục để cứu được những bệnh nhân lớn tuổi là trách nhiệm của chúng tôi”, bác sĩ An phân trần.

Bên cạnh đó, bác sĩ An cũng cho biết hiện nay chưa thể thực hiện mổ robot đối với thay động mạch chủ, thay van động mạch chủ, vì phẫu thuật này không có khoảng trống để quan sát bằng robot.

Hồ Quang