Ứng dụng công nghệ hiện đại, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số ngành Y tế
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 21:30, 15/12/2020
Trong phần giới thiệu về “Chương trình Chuyển đổi số Y tế giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030”, tại sự kiện Ngày chuyển đổi số Việt Nam 2020 (diễn ra ngày 15.12), ông Nguyễn Trường Nam, Phó Cục trưởng Cục CNTT (Bộ Y tế) cho biết Chương trình đặt ra những mục tiêu trong giai đoạn trước mắt một cách rất cụ thể.
Theo đó, mục tiêu tới năm 2025, có 100% Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, tích hợp lên cổng quốc gia, triển khai trên thiết bị di động; 90% người dân được định danh y tế; 100% cán bộ y tế được định danh; 80% Hệ thống thông tin y tế kết nối, chia sẻ qua nền tảng tích hợp dữ liệu y tế...
Có thể thấy, chuyển đổi số đang và sẽ tác động tới ngành y tế một cách toàn diện, từ cách thức quản lý, chỉ đạo điều hành của các cơ quan quản lý, cho đến cách thức quản lý công việc và ra quyết định trên nền tảng công nghệ số tại các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh...
Thời gian qua, việc chuyển đổi và triển khai nhanh chóng các ứng dụng công nghệ trong phòng, chống dịch COVID-19 như Bluezone, khám chữa bệnh từ xa… đã giúp đem lại hiệu quả tích cực trong giai đoạn phòng, chống dịch.
Theo ông Đặng Thanh Hùng - Trưởng phòng CNTT, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM), bệnh viện đã bắt tay vào quá trình ứng dụng CNTT, số hóa các hoạt động từ tương đối sớm. Năm 1994-2003, số hóa thông tin người bệnh, các kho; năm 2004 bắt đầu số hóa chi phí khám bệnh nội trú; năm 2006 số hóa việc kê đơn và từ 2014 đã số hóa một số bệnh án mãn tính, chuyên môn. Từ đó đến nay, bệnh viện liên tục có sự cập nhật để dần số hóa các hồ sơ chuyên môn.
Một số sản phẩm tiêu biểu trong quá trình ứng dụng số hóa tại Bệnh viện Nhi đồng 1 có thể kể đến như kho dữ liệu cảnh báo và ứng dụng nguyên lý máy học trong hệ thống nhắc kê đơn an toàn, giúp giảm tỷ lệ sai sót trong kê đơn ngoại trú từ 15,5% xuống còn 9,2% (đạt được mục tiêu đề ra ban đầu dưới 10%).
Hay việc ứng dụng công nghệ thông minh và thiết bị IoT trong quản lý môi trường kho thuốc, giúp quản lý tập trung, giảm nguồn lực bảo trì, giải quyết sự cố nhanh hơn; đồng thời tiết kiệm điện năng hơn 25 lần so với máy tính bình thường.
Bổ sung thêm cho sự lựa chọn về công nghệ của các Bệnh viện và cơ sở khám chữa bệnh, các chuyên gia đến từ các doanh nghiệp công nghệ đã chia sẻ những giải pháp - dịch vụ cho lĩnh vực này. Trong đó phải kể đến giải pháp số hóa quản lý và điều khiển thông minh cho bệnh viện, hệ thống khám chữa bệnh từ xa cho bệnh viện, cơ sở y tế; mô hình lưu trữ dữ liệu trên nền tảng số phục vụ chuyển đổi số ngành y tế...
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, các khó khăn thách thức của việc chuyển đổi số trong ngành y tế đã được nhận diện, như vấn đề về nguồn vốn đầu tư; nguồn nhân lực CNTT trong môi trường y tế; các cơ chế chính sách hay những thách thức do công nghệ mang lại khi đưa hoạt động chuyên môn lên vận hành trên nền tảng số...
Để tháo gỡ những khó khăn đó, ngoài việc tạo môi trường, cơ chế để các công nghệ mới nói chung và CNTT nói riêng tiếp cận môi trường y tế, còn cần đến nỗ lực nội tại của các Bệnh viện và cơ sở khám chữa bệnh, với quyết tâm xây dựng nền tảng số, đầu tư các sản phẩm công nghệ... và đặc biệt là xây dựng lộ trình chuyển đổi số, lựa chọn nền tảng công nghệ và lựa chọn đối tác.