Luật sư, nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt qua đời vì đột qụy

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 09:30, 16/12/2020

Luật sư, nhà nghiên cứu, doanh nhân Nguyễn Trần Bạt, sinh năm 1946, đã qua đời sau cơn đột quỵ vào tối 15.12.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt sinh năm 1946, tại huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.

ntb.jpg
Nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt - Ảnh: Cafef

Năm 1963, ông tham gia quân đội, đến năm 1973, ông tốt nghiệp kỹ sư xây dựng cầu đường trường Đại học Xây dựng. Ông còn có bằng cử nhân luật của Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Năm 1975 - 1984, ông từng giữ quyền chủ nhiệm một bộ môn nghiên cứu khoa học tại Viện Khoa học Công nghệ giao thông vận tải.

Năm 1987 ông khởi xướng việc thành lập Văn phòng Xúc tiến các hoạt động sở hữu công nghiệp Việt Nam, tiền thân của Công ty Sở hữu Công nghiệp INVESTIP thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Năm 1989 dưới sự bảo trợ của Viện Khoa học Việt Nam, ông cùng với một số đồng nghiệp đã thành lập Công ty Tư vấn Đầu tư và Chuyển giao Công nghệ (có tên giao dịch là InvestConsult Ltd). Kể từ đó, InvestConsult Ltd. chuyển hướng sang cung cấp dịch vụ tư vấn cho các nhà đầu tư nước ngoài và trở thành một trong những tổ chức đầu tiên của Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực này.

Ông Nguyễn Trần Bạt được nêu danh trong cuốn Barons Who's Who in Vietnam và Barons Who's Who in Asia Pacific như một luật sư và nhà tư vấn xuất sắc.

Ông cũng là tác giả của rất nhiều bài báo, sách và các công trình nghiên cứu tập trung vào nội dung làm thế nào Việt Nam phát triển trong bối cảnh toàn cầu hoá.

Trong 10 năm, Nguyễn Trần Bạt cho ra đời hàng loạt tác phẩm như: Văn hóa và con người (2005), Cải cách và sự phát triển (2005), Suy tưởng (2005), Cội nguồn cảm hứng (2008), Đối thoại với tương lai (2010), Vượt qua những giới hạn (2013), Con người là tinh hoa của nhau (2014)…

Ông từng chia sẻ về quan điểm của mình rằng: “Công việc sắp tới của tôi là thuyết phục các nhà lãnh đạo về những vấn đề sống còn của đất nước. Tôi không phải là người đối lập, nhưng đem những ý kiến của mình thuyết phục người khác thì tôi làm không mệt mỏi.

Tôi yêu cuộc đời một cách chân thật, yêu cả khuyết tật, nhược điểm của nó. Cuộc sống đối với tôi có những khía cạnh khó khăn, khổ sở nhưng cũng có cả những khía cạnh trìu mến, chứa đựng rất nhiều kỷ niệm tinh thần của tôi. Tôi viết sách là để thể hiện tình yêu của tôi đối với cuộc sống, để góp một phần nho nhỏ của tôi vào sự hợp lý hóa đời sống tinh thần của con người và tôi làm việc ấy một cách yên lặng, một cách âm thầm”.

Lam Thanh