IoT, BigData đã xuất hiện trong hầu hết các lĩnh vực của ngành nông nghiệp
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 10:17, 16/12/2020
Ngày 3.6.2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nêu rõ 8 lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số, trong đó có ngành nông nghiệp.
Mới đây, Hội nghị Chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp được tổ chức trong khuôn khổ Ngày Chuyển đổi số Việt Nam 2020 là hoạt động thiết thực đồng hành cùng Chính phủ để đạt được các mục tiêu đề ra của Chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Việt Nam hiện là đất nước nông nghiệp với khu vực nông thôn chiếm tới 63% dân cư, 66% số hộ, 68% người làm việc; nông nghiệp chiếm tỷ trọng 13.96% trong GDP. Phát biểu tại Hội nghị Chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho biết trong 5 năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu không ngừng phát triển, mỗi năm tăng bình quân 2 tỉ USD, và đạt kỷ lục 43 tỉ USD năm 2019. Trong đó có 10 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD. Hiện nay, nông sản Việt Nam đã xuất khẩu đi 200 nước trên thế giới và đã tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo ông Lê Quốc Doanh, trong những năm gần đây, ngành nông nghiệp đã bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến nhiều các giải pháp chuyển đổi số và ứng dụng trong hầu hết các lĩnh vực. Cụ thể, trong ngành trồng trọt, công nghệ IoT, Big Data bắt đầu được ứng dụng thông qua các sản phẩm công nghệ số như phần mềm cho phép phân tích các dữ liệu về môi trường, loại cây và giai đoạn sinh trưởng của cây, người tiêu dùng có thể truy suất và theo dõi các thông số này theo thời gian thực…
Trong ngành chăn nuôi, công nghệ IoT, Blockchain, công nghệ sinh học được áp dụng rộng ở trang trại chăn nuôi quy mô lớn. Trong lâm nghiệp, công nghệ GIS và ảnh viễn thám để xây dựng các phần mềm phát hiện sớm và cảnh báo cháy rừng từ ảnh vệ tinh, phần mềm giám sát và phát hiện sớm mất rừng, suy thoái rừng...
Ngành nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ sinh học chọn lọc, lai tạo các giống có năng suất, chất lượng cao, có khả năng kháng bệnh, chịu đựng tốt với môi trường, công nghệ nuôi thủy sản tuần hoàn (RAS)... Công nghệ trí tuệ nhân tạo đã được sử dụng trong nuôi tôm nhằm phân tích các dữ liệu về chất lượng nước; quản lý thức ăn và sức khỏe của tôm nuôi. Công nghệ tự động hóa đã được áp dụng khá rộng rãi trong khâu chế biến thủy sản từ phân loại, hấp, đóng gói, dây chuyền sản xuất..., giúp giảm chi phí sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm thủy sản...
Ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đề xuất các chính sách cần phù hợp với thực tiễn sản xuất, có “tính sống cao” nhằm huy động các nguồn lực để phát triển đồng bộ, toàn diện nông nghiệp thông minh 4.0, từ đó chủ động đầu tư công nghệ phù hợp với từng vùng sinh thái và quy mô sản xuất để tạo ra một luồng sinh khí mới.
Ngoài ra, ông Phạm S cũng nhấn mạnh Việt Nam có nhiều doanh nghiệp ứng dụng chuyển đổi số phát triển nông nghiệp thông minh với quy mô lớn, tạo ra nhiều nông sản có chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, để khai thác lợi thế tiềm năng thế mạnh của địa phương; sản xuất nông sản an toàn, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.