Vài suy nghĩ sau tấm huy chương vàng SEA Games 30 của đội U.22 Việt Nam
Góc bình luận - Ngày đăng : 12:58, 13/12/2019
1) Ông Park Hang-seo yêu Việt Nam
Nhìn cách ông chào mừng chiến thắng, cách cầm lá cờ, cách đưa tay vỗ vỗ vào huy hiệu cờ Việt Nam, tôi tin ông yêu thực sự nước Việt Nam.
Lòng tôi đồng cảm với tình yêu và niềm phấn khích của ông. Sao không yêu nước Việt Nam này được khi đó là nơi ông được thi thố tài năng, được khẳng định mình qua 2 năm miệt mài đồng cam công khổ với các cầu thủ, được hưởng nhiều hương vị thành công ngất ngây… Đối với chuyên môn bóng đá của ông Park, Việt Nam là nơi đất lành, ông yêu nó là rất hợp lẽ tự nhiên.
Tình yêu đó được thể hiện thật hồn nhiên. Hồn nhiên bởi ông xuất thân từ một đất nước tôn trọng giá trị Trung Thực, trung thực trong mọi hoàn cảnh, với mọi đối tượng. Có lẽ cũng vì với ông, cờ nào cũng vậy, miễn nó đại diện cho Việt Nam. Bởi, cờ chỉ là biểu tượng của Tổ Quốc, cờ không là Tổ Quốc. Trái tim để dành cho Tổ Quốc!
Thưa các anh chị, niềm vui của tôi bùng lên với trận thắng vì bản lĩnh đội Việt Nam hơn hẳn đối thủ, và lòng tôi dâng niềm xúc động thấy ông Park Hang-seo vỗ tay lên ngực nơi ông đeo huy hiệu Tổ Quốc tôi! Cũng xin thành thực rằng nhiều khi ngó một số đồng bào hôn lá cờ Tổ Quốc mà lòng tôi dửng dưng vì cảm nhận trái tim họ đang để nơi khác…
2) Ông Đoàn Nguyên Đức
Không ít người nhắc công lao và tấm lòng của ông Đoàn Nguyên Đức với bóng đá. Chắc nhiều người biết ông tâm huyết với bóng đá như thế nào. Ông lập đội bóng Hoàng Anh Gia Lại. Ông liên kết với đội bóng lừng danh Arsenal lập học viện bóng đá đào tạo lứa cầu thủ tương lai. Những việc này thúc đẩy phong trào bóng đá, cách làm bóng đá, tình yêu bóng đá thực sự. Ông cũng là người giới thiệu, hay đúng hơn là bảo lãnh huấn luyện viên Park Hang-seo làm huấn luyện viên trưởng cho Việt Nam, là người trả lương cho vị huấn luyện viên giàu thành tích nhất Việt Nam này… Chức vô địch mà Việt Nam mong đợi từ 60 năm chính do ông Park Hang-seo làm huấn luyện viên trưởng. Tóm lại, ông Đức đã tốn rất nhiều tiền riêng trong khi góp công rất nhiều cho chiến thắng hôm nay và cho nền bóng đá lâu dài của Việt Nam.
Vậy mà giờ đây, khi khi đội U.22 Việt Nam đoạt giải vô địch được cả nước đón mừng, thì tên ông chìm sâu trong lễ hội tưng bừng!
Ông Đức có thể không cần được công nhận, vinh danh. Nhưng người nhận những đóng góp của ông thì cần công nhận sự đóng góp đó. Công nhận vì lẽ công bằng, vì các giá trị tự thân và đương nhiên của xã hội. Hình như cụm từ “đền ơn đáp nghĩa” được nhắc rất nhiều trong xã hội Việt hiện nay? Công nhận để bảo vệ các giá trị đó, để trân trọng xiển dương và mời gọi các đóng góp tiếp theo… Để xã hội ấm áp hơn, vì việc công hơn, để giảm bớt hiềm thù riêng. Và điều đó có giúp nền bóng đá Việt Nam phát triển lâu dài hơn là một vài chiếc cúp không?
3) Vô địch lần đầu hay lần thứ hai?
Có người cho rằng thật là thiếu kiến thức khi nói chức vô địch lần này là lần đầu tiên. Tôi thì không tin rằng đây là chuyện thiếu kiến thức!
Việc đội túc cầu Việt Nam Cộng Hòa vô địch năm 1959 được nhắc trên báo chí, trên các trang mạng nhiều lần, các nhà hoạt động, nhà chuyên môn trong lãnh vực bóng đá không thể không biết. Mà đó lại là giải vô địch do chỉ một nửa nước Việt Nam đoạt được, nếu có tinh thần dân tộc hẳn phải thấy tự hào biết bao! Đây không phải là một vài người không biết, cũng không chỉ trong một thời gian ngắn, mà là nhiều người không biết trong khoảng thời gian dài vài chục năm, thì hẵn phải có nguyên nhân ngoài kiến thức, ngoài tinh thần dân tộc!
Năm nay, vẫn còn những tớ báo chạy tít đại loại như Lần Đầu Việt Nam Vô Địch, và bình luận trên đài truyền hình cũng vậy! Đây chỉ là một lãnh vực thể thao, cho dù là môn thể thao vua, vậy mà lòng đố kỵ, dìm ghét vẫn còn được cảm nhận rõ rệt! Có phải chăng, với một số người, chẳng thà Thái Lan, Miến Điện đoạt giải vô địch còn dễ chịu hơn khi người anh em ruột thịt Miền Nam đoạt giải?
Tôi nhớ tới thời tôi còn dính líu tới ngành đại học nước nhà, trường đại học tổ chức mừng ngày thành lập là ngày tiếp quản, chứ không phải là ngày nó được thành lập thực sự. Phải chăng quá khứ mấy chục năm trước đó, di sản tinh thần, văn hóa của trường bị quên sạch?
Tôi nhớ tới những công chức tận tụy, suốt đời phụng sự xã hội Miền Nam thời đất nước phân đôi, sau ngày thống nhất mất sạch lương hưu do chính mình đóng góp thời gian còn sức làm việc…
Xã hội Miền Nam dường như chỉ mới được tạo dựng từ mấy chục năm nay, mấy người công nhận, tưởng nhớ công lao những người tạo dựng nên nó cho tới ngày nó được tiếp quản?
Một xã hội bị đứt gãy với quá khứ đồng nghĩa với sự phát xã hội đó bị đứt gãy! Chỉ mong các hiện tượng nêu trên là tàn dư sót lại trong khi xã hội đang tự mình sửa chữa lỗi đó. Một vùng nào, miền nào của đất nước phát triển, thành công, một khoảng thời gian nào của đất nước phát triển, thành công, cũng góp phần vào sự phát triển, thành công của cả nước. Đọc trên các trang mạng thấy lòng vui hơn vì khuynh hướng lành mạnh này ngày càng được nhiều người ủng hộ.
Lê Học Lãnh Vân (ngày 12 tháng 12 năm 2019)