Hiện thực hóa khát vọng Chuyển đổi số của Việt Nam
Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 13:38, 16/12/2020
Tại Việt Nam, năm 2020 được coi là năm Chuyển đổi số quốc gia, là năm khởi động mạnh mẽ chuyển đổi số để tiến tới một Việt Nam số. Vào ngày 3.6.2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Quyết định nêu rõ, nhiệm vụ, giải pháp tạo nền móng chuyển đổi số là chuyển đổi nhận thức; kiến tạo thể chế; phát triển hạ tầng số; phát triển nền tảng số; tạo lập niềm tin, bảo đảm an toàn, an ninh mạng; hợp tác quốc tế, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số. Với chương trình chuyển đổi số quốc gia được Thủ tướng phê duyệt, Việt Nam là một trong những nước tiên phong trên thế giới và đi đầu ở Đông Nam Á có một chương trình chuyên đề về chuyển đổi số.
Phát biểu tại Internet Day 2020, Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Huy Dũng cho biết công nghệ số phát triển cho phép chúng ta đưa toàn bộ hoạt động của mình lên không gian mạng thay vì chỉ đơn giản là số hóa tài liệu, số hóa quy trình như trước đây. Cuộc dịch chuyển này sẽ diễn ra với tốc độ nhanh, tạo ra tác động lớn hơn bao giờ hết trên cả 3 trụ cột là Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
“Muốn hiện thực hoá khát vọng phát triển đất nước, Việt Nam phải nhanh chóng nắm bắt thời cơ, thực hiện công cuộc chuyển đổi số nhanh hơn nữa, mạnh hơn nữa, rộng hơn nữa”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Với cộng đồng Internet Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng tập trung nêu rõ một số nội dung lớn mang tính định hướng để cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng cùng nhau hành động. Cụ thể, theo Thứ trưởng, cần tiếp tục mở rộng hơn nữa khả năng tiếp cận Internet theo tinh thần Internet cho tất cả mọi người, hướng tới phổ cập Internet toàn dân. Thực hiện mục tiêu của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia - mỗi người dân có một điện thoại thông minh; mỗi hộ gia đình có một đường internet cáp quang tốc độ cao.
Phát triển hạ tầng số quốc gia đáp ứng các yêu cầu mới về bùng nổ thiết bị thông minh IoT và giao tiếp máy - máy. Chuyển đổi hoàn toàn Internet Việt Nam sang không gian địa chỉ IPv6. Đưa Việt Nam trở thành điểm trung chuyển, thành Hub Internet của khu vực.
Phát triển hệ sinh thái các nền tảng số đáp ứng nhu cầu của người dân Việt Nam và đi ra thế giới. Mở rộng không gian mạng quốc gia thông qua mở rộng phạm vi hoạt động của các nền tảng số “Make in Viet Nam”. Việt Nam cần nhiều hơn nữa các nền tảng số “Make in Viet Nam” có khả năng đi ra toàn cầu để chiếm lĩnh những không gian mới.
Ngoài ra, Thứ trưởng cũng nhấn mạnh tới việc đặt nhiệm vụ làm chủ hạ tầng số quốc gia, làm chủ không gian mạng quốc gia, bảo vệ chủ quyền số quốc gia là một nhiệm vụ cần được ưu tiên hàng đầu. Bản chất của Internet là mở, dựa trên công nghệ mở, giao thức mở. Doanh nghiệp Việt Nam cần làm chủ và ứng dụng công nghệ của thế giới, từ đó làm chủ hạ tầng Internet và không gian mạng Việt Nam.
Đặc biệt, bảo đảm an toàn, an ninh mạng, bao gồm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng và an ninh thông tin. Phổ cập dịch vụ số đi đôi với việc phổ cập dịch vụ an toàn, an ninh mạng cho xã hội.
Internet Day 2020 được diễn ra với 1 Phiên toàn thể với chủ đề “Hiện thực hóa Khát vọng Chuyển đổi số của Việt Nam”; 3 Phiên chuyên đề xoay quanh các chủ đề về Điện toán Đám mây (Cloud), Công nghệ 5G, Công nghệ Mã nguồn mở (FOSS), Công nghệ Make in Vietnam.
Bên cạnh đó là khu triển lãm ICT, triển lãm Startups; Kết nối Kinh doanh (kết nối Startups, SMEs và các Quỹ, Nhà đầu tư...); Cuộc thi lập trình cho giới trẻ “Code Challenge”...