Học sinh học hay nghỉ trong tháng 3: Đừng cứng nhắc
Góc bình luận - Ngày đăng : 09:11, 23/02/2020
Thực vậy, Covid-19 đang là chủ đề nóng hổi của Việt Nam và thế giới. Tại Việt Nam, nhiều ngày liên tiếp không ghi nhận thêm các ca nhiễm Covid-19 và đó là thành quả bước đầu của việc phòng chống dịch bệnh quyết liệt, trong đó có việc cho học sinh hoãn trở lại trường. Thế nhưng, các nước xung quanh khu vực, đặc biệt là Nhật Bản và Hàn Quốc lại ghi nhận nhiều ca nhiễm mới làm cả thế giới hoang mang về sự lây lan.
Sự yên ắng ở trong nước và nóng bỏng ở nước ngoài đã tạo nên sự tranh cãi trong xã hội về mốc thời gian cho học sinh đi học trở lại. Ban đầu lịch học sau kỳ nghỉ tết là 3.2 và liên tục lùi sang 10.2 rồi 17.2 và lần điều chỉnh gần nhất là nghỉ hết tháng 2 vì lo ngại lây lan Covid-19.
Đa phần phụ huynh cho rằng việc nghỉ hết tháng 2 là chưa đủ tạo an tâm và mong muốn con em của họ nghỉ hết tháng 3 để đảm bảo thật an toàn cho trẻ đi học. Nỗi lo lắng của các bậc phụ huynh này càng lớn khi tình hình lây lan dịch bệnh ở Đông bắc Á có vẻ leo thang. Tuy nhiên, một số phụ huynh lại cho rằng đi học từ đầu tháng 3 là hợp lý vì tình hình tại Việt Nam đã được kiểm soát tốt những ngày qua và e ngại việc nghỉ tiếp 1 tháng sẽ ảnh hưởng đến việc học của con em họ.
Trong cuộc họp hôm 22.2, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ GD-ĐT, Bộ LĐ-TB&XH, theo đúng trách nhiệm và thẩm quyền, sớm có quyết định chính thức về việc điều chỉnh kế hoạch, thời gian năm học 2019-2020. Trường hợp Bộ GD-ĐT, Bộ LĐ-TB&XH không quyết định thì Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định để làm căn cứ cho các tỉnh thực hiện thống nhất trên phạm vi toàn quốc.
Trước đây, việc cho học sinh nghỉ học được Bộ GD-ĐT đưa trách nhiệm về địa phương dựa theo tình hình thực tế để quyết định. Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, các địa phương chỉ có trách nhiệm và thẩm quyền điều chỉnh thời gian học của học sinh trong phạm vi khung thời gian năm học mà Bộ GD-ĐT đã ban hành. Hiện nay, thời gian nghỉ học của học sinh đã gần 1 tháng và nếu theo khung thời gian năm học cũ thì không đủ số thời lượng cho học sinh. Do đó, việc quyết định nghỉ học tiếp hay đi học lại được chuyền sang phạm vi thẩm quyền của Bộ GD-ĐT, đối với hệ thống giáo dục nghề nghiệp là thẩm quyền và trách nhiệm của Bộ LĐ-TB&XH.
Tuy nhiên, khi bóng đến chân thì Bộ GD-ĐT chưa dứt điểm mà "xử lý một nhịp" rồi chuyền trách nhiệm lại cho địa phương. Cụ thể, là Bộ ra công văn nêu khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020 đã được điều chỉnh: kết thúc năm học trước ngày 30.6; xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học, THCS trước 15.7; tuyển sinh lớp 10 hoàn thành trước ngày 15.8; thi THPT quốc gia từ 23 đến 26.7.
Còn về mốc thời gian đi học có ấn định là 2.3 không thì Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chưa quyết mà chỉ đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh thành cho học sinh đi học trở lại vào ngày 2.3.
Giải thích vì sao Bộ GD-ĐT không quyết định cho học sinh nghỉ học mà chỉ kiến nghị, trên VNE, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ phó Giáo dục trung học, cho biết theo Nghị định 127, UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm giải trình về hoạt động, chất lượng giáo dục, quản lý công chức, viên chức, người lao động và người học thuộc phạm vi quản lý. Quyết định 2071 của Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ, Bộ ban hành khung kế hoạch thời gian năm học đối với học sinh cả nước. Trên cơ sở đó, Chủ tịch UBND cấp tỉnh ban hành kế hoạch thời gian năm học đối với các cấp cho phù hợp với thực tiễn địa phương; thời gian nghỉ học và kéo dài năm học trong trường hợp đặc biệt.
Có thể thấy Bộ GD-ĐT khá thận trọng trước một quyết sách lớn ảnh hưởng tới cả triệu học sinh và trao trách nhiệm cho địa phương. Tuy nhiên, ngay chính các địa phương thì lại có cách nhìn nhận khác nhau.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch TP.HCM - nơi có nhiệt độ cao khó cho Covid-19 phát triển, gửi kiến nghị Chính phủ, Bộ GD-ĐT, Bộ LĐ-TB&XH các nội dung sau: Chỉ đạo thống nhất trong cả nước về việc cho phép kéo dài thời gian nghỉ học của học sinh, học viên, sinh viên các cơ sở giáo dục và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đến hết tháng 3.2020; điều chỉnh thời gian năm học 2019-2020, tiếp tục học kỳ 2 từ tháng 4 đến tháng 7 năm 2020; dời kỳ thi THPT quốc gia đến cuối tháng 7.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Hà Nội - nơi có nhiệt độ lạnh hơn và đang trong mùa nồm ẩm – lại cho rằng việc quyết định cho HS nghỉ học cần căn cứ vào những yếu tố cụ thể: địa bàn có nguy cơ lây nhiễm cao dịch Covid-19; diễn biến dịch bệnh vẫn phức tạp; căn cứ đề xuất của các Sở GD-ĐT, Sở LĐ-TB&XH; căn cứ nguyện vọng của phụ huynh, giáo viên các nhà trường... và ông Chung cũng nhấn mạnh: “Tinh thần là toàn bộ hệ thống chính trị chuẩn bị cho mọi người dân, các trường, kể cả các trường quốc tế sẽ đi học lại ngày 2.3”.
Thực ra, chuyện này phân tích kỹ thì có thể thấy đúng là không nên cứng nhắc trong việc ấn định mốc trở lại. Các ngành nước ta, nhất trong ngành giáo dục có thói quen hô hào làm cái gì cũng phải đồng loạt, toàn thể, tất cả 100% hưởng ứng. Nhưng trong chuyện dịch bệnh thì thói quen đó gây ra mâu thuẫn.
Đa phần những người muốn con em trở lại trường sớm là vì con họ đang học cuối cấp mà việc ôn học để chuẩn bị vào lớp 10 hay thi vào Đại học, thậm chí kế hoạch du học bị ảnh hưởng nặng nếu lùi ngày học lại. Cũng cần lưu ý rằng các em lớp 9 trở lên đã có thể chất, nhận thức trưởng thành, có thể tự ý thức tốt trong việc tuân thủ các quy trình phòng chống dịch bệnh khi đến trường. Việc cho các em đi học sớm có thể khiến phụ huynh yên tâm hơn.
Ngược lại, các em lớp dưới thì không chịu áp lực về thời điểm kết thúc năm học. Nếu năm học này kết thúc vào tháng 7 thì các em coi như được “nghỉ xuân” thay cho nghỉ hè mà nghỉ hè 1 tháng cũng là đủ. Quan trọng hơn, các em lớp dưới có thể chất chưa bằng các anh chị lớp trên và nhận thức hay độ tự giác trong thực hiện phòng dịch bệnh cũng thế. Do vậy, để các em lùi thời gian học lại sẽ giúp phụ huynh yên tâm hơn.
Hơn nữa, việc để các học sinh lớp cuối cấp đi học trước sẽ giúp trường thông thoáng đồng thời giúp trường có đủ nhân lực thực hiện các biện pháp phòng chống dịch mạnh mẽ, an toàn hơn. Đến khi học sinh lớp dưới đi học tiếp thì các trường đã thành thục việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch và không rơi vào cảnh lúng túng.
Không nên cái gì cũng đồng loạt, toàn thể một cách máy móc!
Anh Tú