Cây phượng chẳng biết nói năng
Góc bình luận - Ngày đăng : 06:04, 02/06/2020
Cây phượng, còn gọi là xoan tây, điệp tây hay phượng vĩ, tên tiếng Anh là Flamboyant. Có nguồn gốc từ Madagascar, là biểu tượng của quần đảo Mariana thuộc Mỹ; được người Pháp mang vào Việt Nam cuối thế kỷ 19 và nhanh chóng trở thành cây trồng phổ biến.
Ngoài giá trị cây cảnh, phương cho bóng râm tốt. Gỗ loại trung bình, dùng trong xây dựng, dân dụng. Quả sử dụng làm bộ gõ âm nhạc. Vỏ và rễ làm thuốc hạ nhiệt, chống sốt. Vỏ cây sắc nước uống trị sốt rét, đầy bụng, tê thấp, giảm huyết áp. Lá trị tê thấp và đầy hơi.
Không có loài cây nào gắn bó với tuổi học trò như phượng. Có lẽ do đặc tính sinh học, nở hoa vào mùa hè, thắm rực cả trời xanh. Tuổi học trò mơ mộng, ai chẳng thuộc nằm lòng bài Phượng Hồng (thơ Đỗ Trung Quân, nhạc Vũ Hoàng) với "Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng. Em chở mùa hè của tôi đi đâu? Chùm phượng vĩ em cầm là tuổi tôi 18, Thuở chẳng ai hay thầm lặng mối tình đầu”…
Từ nào tới giờ, phượng đáng yêu, hồn nhiên, rực rỡ, nồng nhiệt, nên thơ và đầy ắp kỷ niệm tuổi học trò; bỗng dưng thành tai họa. Liên tiếp một loạt sự cố bật gốc, toàn trong trường học. Mở đầu vào sáng sớm 26.5, cây phượng trong trường THCS Bạch Đằng (quận 3, TP.HCM) bật gốc làm chết 1 học sinh và bị thương mười mấy em khác.
Sáng sớm ngày 28.5, cây phượng trong trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên (TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lăk) bật gốc. May là sinh viên chưa tới trường. Trưa cùng ngày, trước trường đại học Văn hóa TP.HCM, cây phượng trên đường 297 bật gốc, đè xe tải, làm vỡ kính. Trưa ngày 29.5 cây phượng trong trường tiểu học Thái Hòa (thị xã Tân Uyên, Bình Phước) bật gốc vào giờ trưa vắng lặng nên không có thương vong, Sáng 31.5, cây phượng trong trường tiểu học Nguyễn Du (xã Bảo Bình, Cẩm Lệ, Đồng Nai) bật gốc vào ngày học sinh nghỉ học… Danh sách phượng bật gốc chắc chưa dừng lại.
Sau mấy sự cố liên tục, cứ như hẹn nhau vậy, ngành giáo dục hỏa tốc chỉ đạo rà soát cây xanh. Không ít cây xanh, nhất là phượng bị xử trảm oan ức. Nhiều người yêu phượng thảnh thốt “Sao thế, phượng ơi!”. Từ nào tới giờ, phượng hiền khô, có gây sự với người và cây khác bao giờ. Sao bỗng dưng đồng loạt trở chứng?
Phượng rễ chùm, rễ gốc yếu. Để cho đẹp sân, đẹp phố, các nhà quản lý đã tráng xi măng toàn bộ sân trường, làm đất ngộp thở. Gốc phượng bị tỉa rễ chùm, bó gọn như tóc đầu đinh. Đầu hè, mưa xuống, phượng trĩu hoa, tán cây nặng. Thêm vào đó đất ngộp, nhão; dồn vào gốc để thở nên có tác động như mưa gió, sức người chạy nhảy, là bật gốc đột quỵ hàng loạt, cứ như hẹn nhau. Phượng sân trường, sau 30 năm mới lão hóa, cần thay thế; nhưng có những cây đang tuổi thanh xuân, vẫn bật gốc tức tưởi. Người bị bó cỡ đó cũng khó sống nổi, nói chi cây. Người có thể kêu cứu, còn cây chỉ biết lặng im, chờ chết.
Trồng và chăm sóc cây, ngoài chuyên môn cũng cần có tấm lòng. Cây cũng như người, có sự sống và biết buồn vui. Nếu cứ tùy tiện và cực đoan như hiện nay, có khi trường học không còn xanh. Mùa hè Việt Nam mà thiếu bóng phượng, chắc là học trò buồn lắm lắm.
Nguyễn Văn Mỹ