Điều Việt Nam cần làm để thành Ronaldo trong làng kinh tế thế giới

Góc bình luận - Ngày đăng : 20:18, 10/06/2020

So sánh kinh tế vĩ mô và thể thao là chuyện khó xâu chuỗi. Thế nhưng, ông Jacques Morisset - Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam lại có phân tích khá lý thú về kinh tế Việt Nam với ngôi sao Cristiano Ronaldo. Một Thế Giới xin dịch giới thiệu bài viết này.

Trong nhiều năm, Cristiano Ronaldo được biết đến với khả năng kỹ thuật và thể chất phi thường. Khi chơi cho Manchester United, cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp nổi tiếng này đã có thể chạy trên khắp sân, rê bóng qua nhiều cầu thủ và ghi bàn. Bây giờ, ở tuổi 35, anh vẫn có thể ghi ba bàn trong một trận đấu quyết định bởi vì anh đã học được cách xuất hiện đúng chỗ, đúng thời điểm. Ronaldo vẫn là một trong những cầu thủ bóng đá hàng đầu thế giới bằng cách thích nghi với khả năng của bản thân và thích nghi với các trận đấu.

Trong thế giới các nền kinh tế đang phát triển, Việt Nam cũng được coi là một ngôi sao. Đất nước này không chỉ là nền kinh tế tăng trưởng nhanh thứ hai trong thập kỷ qua, mà còn tìm cách xóa bỏ tình trạng nghèo đói quyết liệt, từ mức 53% năm 1992 xuống dưới 2% vào năm 2018. Nền kinh tế đang phát triển rất nhanh, giống như Ronaldo lkhi ở đỉnh cao thời trai trẻ. Dân số Việt Nam trẻ và năng động, ham học hỏi và chăm chỉ làm việc, đồng thời nền sản xuất đã được thúc đẩy bởi cơn gió toàn cầu hóa và chuyển đổi cơ cấu. Trong một bài gần đây, tôi giải thích rằng quản lý chính sách thông minh của Việt Nam đã giúp vượt qua đại dịch COVID-19, đến mức Việt Nam hiện đang được dự đoán là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới năm 2020.

Nhưng nhìn tiếp về phía trước, giống như Ronaldo ở tuổi 35, nền kinh tế Việt Nam có thể cảm thấy khó phát triển nhanh hơn. Nhiều động lực tăng trưởng truyền thống bắt đầu có dấu hiệu chậm lại và dự kiến ​​sẽ giảm hơn nữa trong tương lai. Cái gọi là lợi thế nhân khẩu đang mờ dần khi viễn cảnh dân số già đang thấp thoáng hiện trên đường chân trời. Duy trì động lực xuất khẩu có thể gặp khó khăn hơn trong một thế giới đang ngày càng hạn chế mở cửa, đang được phản ánh từ các trao đổi thương mại và dòng vốn toàn cầu thấp hơn trước. Việc tự động hóa trong công nghiệp có thể dẫn đến việc các nước đầu tư quay về sản xuất trong nước, ảnh hưởng đến sức hút từ lao động giá rẻ của Việt Nam. Do phát triển quá nhanh, Việt Nam đã trở nên dễ bị tổn thương hơn với các vấn đề môi trường và có thể thấy một số tài nguyên đáng giá đang bị xuống cấp, như đồng bằng sông Cửu Long và các khu rừng. Các thành phố ở Việt Nam cũng đang trở nên ô nhiễm nặng nề.

Vì tất cả những lý do này, báo cáo mới nhất của chúng tôi có tiêu đề “Vibrant Vietnam” kêu gọi Việt Nam đặt hiệu quả lên hàng đầu và là trung tâm của chiến lược phát triển. Việt Nam không chỉ học cách để phát triển nhanh mà còn phải phát triển chất lượng hơn. Điều này sẽ đòi hỏi sự quản lý thông minh của chính quyền. Vươn tới thịnh vượng bằng cách làm cho các công ty năng động hơn, cơ sở hạ tầng hiệu quả hơn, công nhân lành nghề hơn và môi trường ổn định hơn trước các hoạt động sinh kế và biến đổi khí hậu.

Đặt hiệu quả phía trước và coi nó là trung tâm, điều đó nói dễ hơn làm. Ngoài các khuyến nghị thông thường thì quan trọng hơn là cải thiện và phổ biến công nghệ, gồm cả phát triển nền kinh tế kỹ thuật số và tăng cường kỹ năng lao động, điều đó đòi hỏi phải thay đổi tư duy.

Đầu tiên, Việt Nam nên tập trung ít hơn vào việc tăng sản lượng mà đầu tư nhiều hơn vào việc phân bổ tối ưu nguồn lực và tài chính cho các công ty năng động nhất. Chính quyền nên giảm bớt rào cản gia nhập đối với các nhà đầu tư mới mà các rào cản đó vốn vẫn còn cao trong một số lĩnh vực, đặc biệt là những người sẵn sàng mang đến kiến ​​thức và công nghệ mới. Việt Nam cũng nên cho phép các doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả nhất giải thể bằng cách hiện đại hóa khung mất khả năng thanh toán hiện tại (Việt Nam chỉ xếp thứ 133 trên 190 nền kinh tế theo báo cáo Kinh doanh năm 2020).

Thứ hai, chính phủ nên chuyển việc khuyến khích đầu tư vào các dịch vụ cơ sở hạ tầng sang việc thúc đẩy phát triển ý thức trách nhiệm. Vì hầu hết người Việt Nam hiện đều sử dụng các dịch vụ này (liên quan cơ sở hạng tầng), chiến lược giá phải điều chỉnh thuế với chi phí cung ứng để tăng hiệu quả cũng như giảm lãng phí và ô nhiễm. Tất nhiên, một chính sách như vậy nên được thực hiện theo cách linh hoạt để từng bước bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương và kiểm soát các nhóm lợi ích. Chuyển đổi chính sách này sẽ tạo ra các khoản công quỹ dư đáng kể mà có thể được chuyển sang cho các ưu tiên khác, gồm giáo dục sau phổ thông, một lĩnh vực mà Việt Nam cần phải bắt kịp với các đối thủ cạnh tranh.

Vài năm trước, Cristiano Ronaldo đã nhắc nhở thế giới thể thao rằng: "Tôi muốn thường xuyên chơi tốt và giành các danh hiệu. Tôi chỉ mới bắt đầu”. Ngay từ đầu, ngôi sao bóng đá Bồ Đào nha đã cố gắng đạt được mục tiêu của mình bằng cách điều chỉnh cách tiếp cận trận đấu. Tham vọng của Việt Nam đang trở thành một nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045 và nếu nước này bắt đầu điều chỉnh chiến lược phát triển theo hướng hiệu quả cao hơn, Việt Nam sẽ tiếp tục chơi tốt và giành được nhiều danh hiệu hơn trong thế giới các nền kinh tế đang phát triển.

Anh Tú (dịch)