Đâu rồi trách nhiệm cá nhân và tổ chức?

Góc bình luận - Ngày đăng : 11:50, 04/06/2020

Người lãnh đạo phải chịu trách nhiệm về thành quả kém trong việc đạt các mục tiêu đã được xác định. Cho dù người dưới quyền sai sót, người lãnh đạo vẫn phải chịu trách nhiệm về thành quả kém đó.
Thầy Nguyễn Vạn Phúc, Hiệu trưởng Trường Bạch Đằng nhận trách nhiệm về vụ tai nạn trong trường - Ảnh: Internet

Lời nhận lỗi

Cây phượng trong sân trường Bạch Đằng bật gốc đè chết một học sinh, làm bị thương hơn chục em. Thầy Nguyễn Vạn Phúc, hiệu trưởng, nhận lỗi: “Tôi là người chịu trách nhiệm chính!”.

Rất nhiều người ca tụng lời xin lỗi đó. Tờ Lao Động online, ngày 27.5.2020, gọi hành động của vị hiệu trưởng là nêu lên “một bài học liêm sỉ về sự tự trọng”.

Trong khi hoàn toàn đồng ý với nhận xét cho rằng đó là “Sự tự trọng, thái độ trách nhiệm và lòng dũng cảm”, tôi lại cảm thấy xót xa cho xã hội này! Việc nhận lỗi của thầy Nguyễn Vạn Phúc, ở một nơi mà tinh thần trách nhiệm, giềng mối đạo đức còn giữ vững, thật ra chỉ là một nét đẹp bình thường! Chỉ ở nơi tinh thần trách nhiệm quá sa sút thì sự nhận lỗi đó mới là của hiếm và được ngợi ca như vậy!

Trách nhiệm của người lãnh đạo

Người lãnh đạo cao nhất của một đơn vị có nhiều trách nhiệm, trong đó chắc chắn hai trách nhiệm lớn nhất là bảo vệ sự an toàn của nhân viên và bảo vệ đạo đức, giá trị cốt lõi.

Khi có sự cố xảy ra gây tổn hại cho một trong hai điều này, người lãnh đạo phải chịu trách nhiệm. Nếu sự việc xảy ra do sự yếu kém hay bất cẩn của một nhân viên cụ thể, của một phòng ban cụ thể, của một nhà thầu cụ thể, những nơi yếu kém đó phải chịu trách nhiệm, nhưng người lãnh đạo vẫn phải chịu trách nhiệm chung.

Ý thức về trách nhiệm như vậy sẽ đưa tới tinh thần trách nhiệm tương xứng.

Lập luận về trách nhiệm

Người lãnh đạo phải chịu trách nhiệm về năng lực yếu kém của nhân viên, của phòng ban, cũng phải chịu trách nhiệm vì đã ký hợp đồng với một nhà thầu không đủ năng lực. Đó là trách nhiệm tổng quát, trách nhiệm chung, general management, người chịu trách nhiệm đó gọi là general manager. Trong thực tế, các vị trí khác nhau có tên gọi khác nhau, nhưng người đứng đầu một ngành làm việc, một cơ sở, về thực chất, chính là một general manager.

Người lãnh đạo phải chịu trách nhiệm về thành quả kém trong việc đạt các mục tiêu đã được xác định. Cho dù người dưới quyền sai sót, người lãnh đạo vẫn phải chịu trách nhiệm về thành quả kém đó. Điều này xuất phát từ triết lý trách nhiệm trong quản trị: nếu người lãnh đạo không chịu trách nhiệm thì sẽ có sự đổ trách nhiệm cho cấp dưới, điều này không khó lắm với một người lãnh đạo thiếu trách nhiệm. Về lâu dài, sẽ dẫn tới không người lãnh đạo nào chịu trách nhiệm cho bất kỳ thiệt hại nào, kể cả các thiệt hại có tính sống còn của cơ quan, của xã hội vì tất cả mọi trách nhiệm sẽ được đổ cho cấp dưới!

Suy nghĩ về trách nhiệm từ một phiên tòa

Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm 15 bị cáo trong vụ án gian lận điểm thi THPT quốc gia năm 2018 tại tỉnh Hòa Bình, thái độ các bị cáo khiến những người còn tư cách phải phẫn nộ hoặc ngao ngán. Một bị cáo biện bạch “ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật”. Các bị cáo còn lại khi bị dẫn ra khỏi phòng xử đã cười tươi, vẫy chào mọi người trong tư thế thắng trận, coi như họ là anh hùng trở về từ chiến trận chứ không phải vừa từ một phiên tòa vì phạm tội đáng xấu hổ.

Tạm không bàn về những bị cáo đó, đã có nhiếu tiếng nói cất lên rồi. Ta chỉ bàng hoàng vì mức độ suy thoái đạo đức, tư cách thấp kém của nhiều thành viên trong xã hội hiện nay.

Vụ việc gian lận thi cử đâu chỉ xảy ra tại Hòa Bình, còn Sơn La, còn Hà Giang nữa… Và không ít người nghi rằng sự gian lận có thể xảy ra ở rất nhiều tỉnh khác, mà Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang chỉ là những tỉnh bị lộ.

Nhiều thí sinh được nâng điểm là con cháu các vị có máu mặt trong tỉnh. Trong đó có con ông Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh, người nổi tiếng về chuyện vợ ông và nhiều người thân trong gia tộc nắm các chức vụ quan trọng của tỉnh.

Nhưng việc kinh khủng không kém là các vị máu mặt này tuyên bố họ bị người ta bày mưu nâng điểm để bôi xấu cán bộ. Thí dụ ông Triệu Tài Vinh, có con được nâng điểm, tuyên bố: “Tôi không biết thế nào. Có thể họ lợi dụng việc đó để đưa con lãnh đạo vào tròng thì sao?”. Cũng có người tuyên bố tương tự như ông.

Chúng ta tự hỏi còn mức độ trâng tráo nào cao hơn mức độ của những tuyên bố đó không?

Phải chăng xã hội Việt Nam hiện nay không còn một chuẩn mực gì nữa hết?

Những việc kinh khủng như thế cho thấy một điều kinh khủng hơn: không có một ai chịu trách nhiệm gì về một việc gì hết.

Ông Triệu Tài Vinh là người lẽ ra phải chịu trách nhiệm về tình trạng gian lận xảy ra trong địa phương mình. Vị trí đó, quyền lực đó, trong một xã hội được tổ chức và quản trị tử tế, ông phải là người ra đi sớm nhất khi sự việc được lôi ra công chúng! Không, ông vẫn tại vị thêm một thời gian dài trước khi được bổ nhiệm một vị trí cũng thuộc loại “ghế cao tót vời”. Lẽ ra ông phải chịu trách nhiệm về việc con cháu ruột của mình được nâng điểm. Không, ông vẫn mở miệng tuyên bố những câu khiến người đời ngao ngán.

Người được gọi là tư lệnh ngành giáo dục có tự thấy chính ông cần phải ra đi sớm không? Người trong ngành giáo dục của ông sai phạm đạo đức của ngành tới mức đó, vi phạm đạo đức nghề nghiệp tới mức đó, trên một phạm vi lãnh thổ rộng tới mức đó mà ông không chịu trách nhiệm sao?

Người ở vị trí trách nhiệm không biết từ chức, cũng không bị cách chức. Vậy thì đây không còn là tinh thần trách nhiệm ở mức độ cá nhân, mà đã ở tầm vóc xã hội, ở sự tổ chức xã hội!

Một quốc gia mà nhiều vị ăn trên ngồi trốc thiếu tinh thần trách nhiệm tới mức đó, tương lai quốc gia đó sẽ như thế nào?

Lê Học Lãnh Vân