Cổng chào và tượng đài để làm gì?

Góc bình luận - Ngày đăng : 17:15, 08/07/2020

Báo chí và dư luận đang bức xúc việc xây dựng tượng đài 48 tỉ đồng ở huyện nghèo miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định) và cổng chào 4,8 tỉ ở thành phố Long Xuyên, An Giang.
Khải hoàn môn tại Lào - Ảnh: TG

Chẳng biết từ bao giờ, cổng chào và tượng đài trở thành đặc trưng của nhiều tỉnh thành ở Việt Nam, cùng với bảng hiệu đủ thứ danh xưng văn hóa và nông thôn mới. So với những tượng đài hàng ngàn tỉ và cổng chào ở Quảng Ninh 200 tỉ đồng, hai loại trên chỉ là hạng ruồi.

Bạn tôi, một người Việt Nam – nước ngoài, anh tự nhận như vậy vì đã ở Việt Nam hơn hai chục năm, có hai quốc tịch, có lần cắc cớ hỏi “Việt Nam xây cổng chào và tượng đài nhiều thế để làm gì?”. Tôi bí rị, đành lảng qua chuyện khác. Hỏi người dân, đa phần cười khó hiểu, không trả lời và bảo tôi đi hỏi nhà chức trách vì họ có biết gì đâu, dù xây dựng từ tiền thuế họ đóng. Hỏi cán bộ thì mỗi người nói một kiểu. Tượng đài là để giáo dục truyền thống, ghi nhớ công trạng, đền ơn đáp nghĩa… Cổng chào thể hiện sự hiếu khách, khẳng định, tự hào về địa phương, thi đua với nhau, cái sau phải to và hoành tráng hơn cái trước.

Hiệu quả của cổng chào và tượng đài thế nào, xin để bạn đọc tự trả lời. Bạn bè tôi làm du lịch, họ kể là đi khắp thiên hạ, chẳng nước nào có lắm cổng chào và nhiều tượng đài như Việt Nam. Đã có cổng chào tự ngã làm bị thương và chết người, hư hỏng xe cộ. Có tượng đài xuống cấp, nghiêng, lún. Nhìn chung chẳng có mấy cổng chào và tượng đài phát huy tác dụng phục vụ du lịch, góp phần phát triển kinh tế.

Các cổng chào và tượng đài Việt Nam không lẫn vào đâu được, cứ như đồng phục, từ ý tưởng đến thể hiện. Thế giới có các cổng chào ấn tượng như Khải Hoàn Môn (Paris, Pháp); Siegestor (Munchen, Đức); Constantine (Rome, Italia); Patuxai (Vientienne, Lào); Brandenburg (Berlin, Đức); India (Mumbai, Ấn Độ)… Các nước không làm cổng chào đại trà và tùy hứng như Việt Nam.

Tượng đài nổi tiếng thế giới rất nhiều và không tượng nào giống tượng nào. Có tượng biểu tượng quốc gia, vùng lãnh thổ, đặc trưng văn hóa, lịch sử, kinh tế…Nhìn tượng là biết ở đâu. Nhiều tượng còn là thương hiệu du lịch, kinh tế; dù quy mô khiêm tốn như Nàng Tiên Cá, cao 1m25, nặng 175kg (Copenhagen, Đan Mạch); Chú Bé Tè chỉ cao 61cm (Brussel, Bỉ)…

Campuchia có tượng đài Sầu Riêng và các lọai trái cây tiêu biểu ở Campot, tượng đài Ghẹ ở Kep. Thái Lan có tượng Đom Đóm ở Saphawa. Singapore có tượng Sư Tư Biển. Malaysia có nhiều tượng Mèo ở Kuching… Nhiều người nước ngoài hỏi “Việt Nam có cổng chào và tượng đài nào tiêu biểu? Sao không thấy đưa và các tour”. Nghe vậy, anh em hướng dẫn viên đều ấm ớ, không trả lời được. Ai biết xin chỉ dùm.

Tự thân cổng chào và tượng đài không có lỗi. Sau dịch COVID-19, cả nước còn muôn vàn khó khăn, kinh tế chưa biết bao giờ hồi phục hoàn toàn. Làm gì cũng phải cân nhắc, tính toán hiệu quả vì cộng đồng chứ không phải cho vài nhóm lợi ích, hay để tự sướng.

Thay cho những tượng đài hoành tráng, những cổng chào bề thế, làm ơn thực hiện các bảng giới thiệu, chỉ dẫn du lịch địa phương, nhất là ở giao lộ các điểm đến. Cả trên đường đi thực tế lẫn trên mạng. Làm ơn bổ sung và cập nhật thông tin về địa phương mình vốn rất nghèo nàn trên Google. Chắc chắn tốn ít tiền hơn nhưng hiệu quả hơn và mọi người sẽ ủng hộ.

Cứ vài ngày, giao diện màn hình laptop của tôi lại thay đổi hình ảnh về những danh thắng của các nước với thông tin vắn tắt và câu hỏi “Like what you see?”. Tuyệt nhiên không thấy Việt Nam. Thế giới này theo thống kê có trên 500.000.000 laptop. Nếu tận dụng được, sức lan tỏa và PR sẽ rất lớn.

“Khoan thư sức dân”, lời nhắn nhủ của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (1228 - 1300) vẫn còn nguyên giá trị. Cổng chào và tượng đài hoành tráng và bền vững nhất, chính là LÒNG DÂN.

Nguyễn Vũ Mộc Thiêng