Tham kinh tế, mất môi trường

Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 10:57, 11/05/2016

Chúng ta tham về kinh tế quá. Ham, nóng vội về lợi nhuận kinh tế mà quên mất môi trường. Có thể nói đây chính là cái bẫy", TS Trần Hiếu Nhuệ, Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật Nước và Công nghệ Môi trường chua xót nói.

Tham kinh tế nên mất môi trường

Những câu nói đầy tâm huyết đã được TS Trần Hiếu Nhuệ - Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật Nước và Công nghệ Môi trường chia sẻ tại tọa đàm "Chất thải công nghiệp: Hạn chế trong quản lý và khuyến nghị chính sách" do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) tổ chức ngày 10.5 tại Hà Nội.

Theo đó, vấn đề quản lý chất thải công nghiệp tại Việt Nam đang được đặc biệt quan tâm, nhất là từ sau sự cố cá chết hàng loạt tại vùng biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế.

"Việc tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn về chất thải công nghiệp của Việt Nam, của các doanh nghiệp còn hạn chế và chủ dự án bao giờ cũng bảo vệ lợi nhuận của mình là chính. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay thì doanh nghiệp muốn phát triển phải tuân thủ các quy định về xả thải, quy định về môi trường. Đây mới là tính bền vững, đảm bảo lợi nhuận kinh tế và bền vững môi trường", TS Nhuệ nhận định.

Theo ông Nhuệ, nếu nói về việc tuân thủ các quy chuẩn liên quan đến chất thải công nghiệp thì các doanh nghiệp Nhật Bản, EU là tuân thủ cao nhất. Doanh nghiệp Trung Quốc, Đài Loan xếp sau. Riêng tại Việt Nam, xét theo vùng miền thì miền Nam có tính tuân thủ cao hơn miền Bắc. Doanh nghiệp miền Bắc thường "chai lì" hơn.

"Chúng ta tham về kinh tế quá. Ham, nóng vội về lợi nhuận kinh tế mà quên mất môi trường. Có thể nói đây chính là cái bẫy", TS Nhuệ nói.

Ông Nhuệ cũng cho rằng, vấn đề chính ở đây là nhận thức. Trước tiên, chủ đầu tư cần tuân thủ các vấn đề liên quan đến môi trường, nếu chủ đầu tư không tuân thủ thì không thể đủ nhân lực, thời gian, thiết bị để theo dõi họ ngày đêm.

“Con người, chủ sở hữu vẫn là cơ bản. Tất nhiên, cùng với việc khuyến khích các doanh nghiệp tuân thủ quy định về môi trường thì cũng cần tăng cường xử phạt về mặt hành chính nếu có sai phạm”, ông Nhuệ nhận định.

Từ câu chuyện cá chết, có quyền đặt nghi vấn cho Formosa

Một trong những ví dụ điển hình trong câu chuyện quản lý chất thải công nghiệp chính là các dự án ở khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh, trong đó có Formosa.

Ví dụ này đã được GS Đặng Hùng Võ đề cập đến tại buổi tọa đàm, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vấn đề quản lý, giám sát việc xả thải của Formosa ra môi trường đã được tỉnh Hà Tĩnh tiến hành như thế nào?

"Theo kế hoạch ban đầu, nước thải dự án Formosa sẽ xả ra sông Quyền nhưng khi đi vào vận hành lại đổ ra biển. Vậy Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tĩnh ở đâu trong quá trình xây dựng dự án?", ông Võ đặt câu hỏi.

GS Đặng Hùng Võ cũng cho rằng, một dự án có quy mô lớn như Formosa mà các cơ quan quản lý môi trường ở Hà Tĩnh lại không giám sát thường xuyên, không kết nối giữa trung ương và địa phương để nắm tình hình là điều không thể chấp nhận được.

"Hay nói cách khác, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh thiếu trách nhiệm trong quản lý", GS Võ nhận định.

Ông Võ cũng đồng quan điểm với TS Trần Hiếu Nhuệ và cho rằng, Việt Nam đừng nên nóng lòng tăng trưởng kinh tế mà hy sinh môi trường.

“Chúng ta quy hoạch công nghiệp thép, nhiệt điện đều để ở ven biển, làm ảnh hưởng trực tiếp đến nước biển, nước sông. Chúng ta quy hoạch chưa cân nhắc một cách đầy đủ, mới chỉ cân nhắc về lợi ích kinh tế, nóng lòng với tăng trưởng kinh tế nhiều hơn mà chưa cân đối với môi trường”, ông Võ nói.

Riêng với câu chuyện xả thải của Formosa, GS Đặng Hùng Võ cho biết, tuy chưa có kết luận chính thức nguyên nhân cá chết hàng loạt nhưng dư luận có quyền đặt nghi vấn cho Formosa. Trong đó, có câu chuyện tham nhũng, cơ quan quản lý nhận tiền lót tay hay không để làm ngơ cho chủ đầu tư thì cần phải được làm rõ.

Duyên Duyên

Ảnh minh họa (Nguồn Internet)