Di dời lò giết mổ ở Sóc Trăng: Trống đánh xuôi kèn thổi ngược

Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 13:01, 08/05/2016

UBND tỉnh Sóc Trăng đã có quyết định di dời cơ sở giết mổ ở Đại Tâm trong năm 2015 nhưng huyện Mỹ Xuyên lại có văn bản xin gia hạn thêm 1 năm khiến người dân bức xúc.

Ngày 7.5, bà Tiết Thị Tố Như, chủ DNTN Vựa heo Tý (TP.Sóc Trăng) cho biết, bà đã gửi đơn kiến nghị lần 5 đến Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng và các cơ quan chức năng về việc yêu cầu huyện Mỹ Xuyên, ngành thú y Sóc Trăng cùng cơ sở giết mổ gia súc Đại Tâm thực hiện nghiêm quyết định 841 của UBND tỉnh Sóc Trăng, ban hành ngày 12.8.2014.

Quyết định này có nội dung phê duyệt đề án Quy hoạch xây dựng hệ thống cơ sở giết mổ gia súc tập trung giai đoạn 2013-2020. Quyết định ra đời nhằm đảm bảo thực phẩm sạch đến tay người tiêu dùng, tránh ô nhiễm môi trường nên xóa bỏ và di dời các điểm giết mổ nhỏ lẻ ra khỏi khu dân cư, đồng thời mời gọi doanh nghiệp đầu tư.

Thế nhưng thời hạn đến hết năm 2015 đã trôi qua nhưng một số lò mổ theo quy hoạch bị xóa bỏ, di dời vẫn cứ ngang nhiên hoạt động, thậm chí chính quyền cấp huyện còn “ủng hộ” cho tồn tại.

Cụ thể, trong đề án quy hoạch các lò mổ của UBND tỉnh Sóc Trăng có nội dung di dời lò mổ Đại Tâm của huyện Mỹ Xuyên ra khỏi khu vực đông dân cư và xây dựng mới chỗ khác theo quy hoạch với quy mô 3.000m2, công suất giết mổ 50 con heo/ngày.

Hiện, thời gian theo quy định đã hết nhưng lò mổ Đại Tâm vẫn ngang nhiên hoạt động rầm rộ, thậm chí còn nâng công suất giết mổ lên gấp đôi khiến tình trạng ô nhiễm môi trường trong khu dân cư càng thêm nghiêm trọng, đe dọa an toàn vệ sinh thực phẩm và làm giảm sút lòng tin của nhà đầu tư khi tham gia xây dựng các lò mổ tập trung theo kêu gọi đầu tư của tỉnh.

Lò mổ Đại Tâm xây dựng từ năm 2006, nằm trong khu dân cư, công suất thiết kế từ 100-120 con heo/ngày. Tuy nhiên, lò mổ này tổ chức giết mổ mỗi ngày lên đến 220 con, vượt xa thiết kế.

Thấy được nguy cơ này và thực hiện nghiêm quyết định quy hoạch các lò mổ của UBND tỉnh đã ban hành nên đầu năm 2016, ông Nguyễn An Thanh, trưởng trạm Thú y huyện Mỹ Xuyên đã ký văn bản số 13 về việc chấp hành quyết định 841.

Theo văn bản này, công suất giết mổ tại lò mổ Đại Tâm (200-220 con) đã vượt xa dự án mở rộng cơ sở này (100-120 con/ngày đêm), làm ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường xung quanh. Từ đó, trạm Thú y Mỹ Xuyên đề nghị UBND huyện này chỉ đạo các phòng, ban có liên quan và UBND xã Đại Tâm phối hợp thực hiện đúng tinh thần quyết đinh 841.

Tuy nhiên, đến thời điểm này chủ lò mổ Đại Tâm là bà Diệp Thị Bảy vẫn cố tình không thực hiện cam kết di dời trong năm 2015 và phớt lờ quyết định của UBND tỉnh.

Với chức năng của mình, thay vì quan tâm đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, sức khỏe của người dân, ngăn chặn ô nhiễm môi trường và đôn đốc chủ lò mổ Đại Tâm chấp hành nghiêm quyết định của UBND tỉnh, ngược lại ông Đào Đắc Hùng, Phó chủ tịch UBND huyện Mỹ Xuyên xin cho lò mổ này “ân huệ” hoạt động đến hết năm 2016.

Trong công văn gửi Sở NN&PTNT, ông Hùng cho rằng số heo giết mổ hiện tại đã lên đến 220 con/ngày nhưng quy hoạch lại chỉ còn 50 con/ngày là chưa hợp lý.

Tuy nhiên cần phải nhìn nhận rằng công suất giết mổ thực tế hiện nay mà ông Hùng nhắc tới là công suất “lụi”, không được cấp có thẩm quyền phê duyệt và nó đang dẫn đến hậu quả không đảm bảo vệ sinh môi trường ở khu vực đông dân cư sinh sống.

Ông Hùng cũng kiến nghị Sở NN&PTNT “góp ý” để UBND tỉnh Sóc Trăng điều chỉnh lại quy hoạch theo hướng có lợi cho lò mổ Đại Tâm, đảm bảo giữ nguyên công suất giết mổ thực tế 220 con heo/ngày.

Bên cạnh đó, ông Hùng cũng kiến nghị gia hạn việc di dời lò mổ này đến hết năm 2016 và UBND tỉnh phải có chính sách hỗ trợ di dời lò mổ khỏi khu dân cư.

Do lò mổ Đại Tâm chưa được đầu tư đúng mức, suất đầu tư thấp nên chào giá giết mổ gia súc rất thấp, khiến các lò mổ khác đầu tư theo lời kêu gọi của UBND tỉnh Sóc Trăng không thể cạnh tranh nổi.

“Thấy tỉnh nhà kêu gọi đầu tư, là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nên chúng tôi đã đầu tư trên 30 tỷ đồng xây dựng cơ sở giết mổ động vật tập trung theo qui hoạch tại phường 8, TP.Sóc Trăng. Cơ sở được xây dựng hiện đại trên diện tích 13.000m2, công suất thiết kế giết mổ 800 heo, 300 trâu bò và 3.000 con gia cầm khác, đưa vào hoạt động từ năm 2016.

Đầu tư lớn như vậy nhưng hiện tại cơ sở giết mổ rất ít, không cạnh tranh được giá vì mỗi khi chúng tôi hạ giá thì họ lại hạ giá thấp hơn, trong khi lò mổ của họ giết mổ vượt công suất, gây ô nhiễm môi trường, thuộc diện di dời, giải công suất... nhưng không nghiêm chỉnh chấp hành”, bà Tiết Thị Tố Như bức xúc.

Tỉnh Sóc Trăng qui hoạch lại các lò mổ trên địa bàn, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư xây dựng lò mổ gia súc tập trung để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, khắc phục tình trạng ô nhiễm, dịch bệnh, an toàn dịch tễ, bảo vệ sức khỏe cộng đồng... nhưng cấp dưới lại thực thi không nghiêm.

Một chủ trương, quyết định lớn như vậy khi đưa vào cuộc sống đã bị một số người, ngành vô tình hay hữu ý “lờ” đi thì thử hỏi việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người dân, sự kêu gọi đầu tư, cạnh tranh lành mạnh có còn ý nghĩa.

Qua vụ việc này cho thấy, nếu cứ “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” như thế này thì sẽ tạo tiền lệ cho các lò giết mổ khác, nguy cơ phá vỡ đề án mà UBND tỉnh Sóc Trăng ban hành kèm theo quyết định 841.

Câu trả lời xin được nhường lại cho Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng.

Hàm Yên

Trong ảnh: Lò giết mổ Đại Tâm vẫn còn hoạt động trong khi theo quyết định 841 của UBND tỉnh Sóc Trăng thì lò này buộc phải di dời từ năm 2015.