Tăng trưởng 'bằng mọi giá' sẽ khiến ta sa lầy

Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 10:52, 04/05/2016

Chúng ta đã và đang cố gắng tăng trưởng kinh tế đôi khi “bằng mọi giá”, còn trách nhiệm bảo vệ môi trường thì lại thể hiện theo kiểu đối phó” – TS Nguyễn Thành Sơn.

Chuyên gia tư vấn độc lập, TS Nguyễn Thành Sơn đã có cuộc trò chuyện quanh câu hỏi, chọn môi trường hay tăng trưởng bằng mọi giá?

Thưa ông, mục tiêu tăng trưởng và trách nhiệm bảo vệ môi trường thường mâu thuẫn nhau. Sau hàng loạt vụ việc gây bức xúc như Vedan “bức tử”sông Thị Vải năm 2008 và hiện giờ là hiện tượng cá chết hàng loạt tại vùng biển miền Trung… nghi liên quan đến ô nhiễm nguồn nước, ông có chia sẻ gì?

TS Nguyễn Thành Sơn: Ở Việt Nam, những sự cố về môi trường cho thấy, tăng trưởng kinh tế chưa đi đôi với bảo vệ môi trường. Có lúc, có nơi, đã và đang tăng trưởng theo tư duy “bằng mọi giá”, còn trách nhiệm bảo vệ môi trường lại thể hiện theo kiểu đối phó.

Dự án kinh tế nào, dù lớn hay nhỏ, trước khi được triển khai đều phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) được phê duyệt, giống như các nước. Nhưng chúng ta khác thế giới ở chỗ: ĐTM chất lượng rất thấp, người phê duyệt các ĐTM trình độ càng thấp, và việc kiểm soát ĐTM thì hầu như không ai biết gì. Phê duyệt xong là xong.

Một dự án có dây truyền công nghệ (vận hành) liên tục ví dụ như sản xuất thép (cả khâu luyện kim, lẫn khâu phát điện), nhưng mới chỉ được cấp bộ phê duyệt các giải pháp giám sát như báo chí đã đưa tin (giám sát theo chu kỳ đứt quãng, mỗi tháng 1 lần) thì sẽ không dừng ở chuyện gây nguy cơ với sinh vật, hải sản. Ví dụ, nếu dự án mà có lưu lượng xả chất thải lỏng hàng ngày tới vài chục nghìn mét khối, thì chỉ cần vài giây có thể đổ ra sông, ra biển hàng tấn chất độc như cholorine, phosphorous, arsenic. Cấp sở vài tháng mới thanh kiểm tra một lần thì làm sao bao quát được.

Chúng ta từng có nhiều bài học đau đớn do“sập bẫy” đầu tư để rồi phải gánh chịu hệ lụy do xu thế các nước phát triển đang cố gắng “xuất khẩu ô nhiễm” ra nước ngoài. Từ thực tiễn trong ngành công nghiệp mà ông trực tiếp tham gia, ông có thể đưa ra bài học kinh nghiệm nào cho vấn đề này?

TS Nguyễn Thành Sơn: Ngoài việc trực tiếp tạo ra ô nhiễm môi trường (cái mà chúng ta đang thừa) kinh khủng, ngành thép đang gián tiếp làm trầm trọng hơn vấn đề phát thải do tiêu dùng nhiều điện năng (cái mà chúng ta đang thiếu). Trước đây, vào thời kỳ giữa của cuộc cách mạng công nghiệp, các nước thường có xu hướng nhập khẩu nhiều tài nguyên khoáng sản (TNKS) để chế biến sử dụng trong nước, gây ra ngày càng nhiều hệ lụy về môi trường.

Thực ra, trong quá khứ không có nhiều dự án gây ra sự cố môi trường như hiện nay. Có thể nhắc tới dự án lọc dầu Dung Quất, nhưng dự án này không hiệu quả, chứ không phải là gây ô nhiễm.

Trong ngành than, việc khai thác ồ ạt các lộ vỉa than để tăng nhanh sản lượng phục vụ xuất khẩu than trong 20 năm qua đã dẫn đến sự xâm hại nghiêm trọng về môi trường đất, và môi trường nước ở vùng Quảng Ninh. Việc trôi lấp bãi thải, ngập mỏ Mông Dương, lụt ngập Hạ Long gần đây thì ai cũng cảm nhận được. Các “long mạch” ở Quảng Ninh nay đã bị khô cạn. Từ hồ Phượng Hoàng ở Mạo Khê, suối Vàng Danh ở Uông Bí, vốn nổi tiếng với câu ca “nước Vàng Danh - canh Hải Phòng” ngày xưa, đến sông Mông Dương ở Cẩm Phả đều bị xâm hại do khai thác than lộ vỉa.

Có thể nói, nhà đầu tư thường láu cá, trong những vụ việc như thế này, nếu không có sự lên tiếng kịp thời của báo giới, của người dân thì sự việc dễ dàng bị ém nhẹm… Theo ông, chúng ta cần phải làm những gì để có thể theo sát các nhà đầu tư, để họ không dám không tuân thủ và buộc phải tuân thủ những điều khoản liên quan đến trách nhiệm bảo vệ môi trường?

TS Nguyễn Thành Sơn: Trong những vụ như thế này, báo chí cách mạng của Việt Nam đang thực hiện đúng nguyện vọng của V.I. Lenin về một xã hội dân sự - tiền đề của dân chủ. Qua các thông tin của báo chí, chúng ta thấy, chẳng có nhà đầu tư nước ngoài nào tự giác coi việc bảo vệ môi trường là trách nhiệm cả.

Các dự án kinh doanh của các nhà đầu tư nước ngoài ở VN trước hết là do lợi nhuận, không phải vì tình hữu nghị.

Để các doanh nghiệp không dám không tuân thủ những điều khoản liên quan đến trách nhiệm bảo vệ môi trường thì chúng ta đã có quy định về “ký quĩ bảo vệ môi trường”. Nhưng họ vẫn sẵn sàng không tuân thủ vì việc triển khai Luật bảo vệ môi trường của chúng ta đang còn có nhiều vấn đề. “Để mắt” đến các doanh nghiệp là cần thiết, nhưng phải biết cách.

Ví dụ, các doanh ngiệp xây dựng các dự án thủy điện được yêu cầu phải trồng rừng bù lại diện tích rừng đã bị ngập dưới lòng hồ. Các doanh nghiệp sẵn sàng chi tiền để trồng, nhưng chính quyền địa phương thì chỉ muốn “thu” nguồn tiền đó, chứ không giao đất cho họ. Trong khi, họ là doanh nghiệp, họ còn xây dựng được cả nhà máy điện, thì họ phải giỏi hơn chính quyền trong việc trồng rừng chứ.

Hay phí bảo vệ môi trường cũng vậy. Ngành than phải tính phí bảo vệ môi trường vào giá thành, thì các mỏ phải được sử dụng nguồn kinh phí đó để xây dựng các công trình bảo vệ môi trường (hoàn thổ, nạo vét sông suối, xử lý nước thải v.v.). Nhưng có thời, chính quyền địa phương tỉnh Quảng Ninh lại muốn “thu”.

Lấy đâu ra mà thu. Về mặt quản trị doanh nghiệp thì “phí trồng rừng” của ngành điện, hay “phí bảo vệ môi trường” của ngành than là nguồn tiền ảo (giống như khấu hao). Các doanh nghiệp phải tự triển khai thì mới tạo ra dòng tiền trong hạch toán. Việc chính quyền địa phương cứ yêu cầu “nộp” những khoản phải “trích” trước thuế đó đồng nghĩa với việc khuyến khích doanh nghiệp vi phạm luật. Những điều vô lý như vậy đã làm cho các doanh nghiệp sẵn sàng không tôn trọng.

Tóm lại, để các nhà đầu tư tuân thủ pháp luật thì các nhà quản lý phải giỏi hơn trong việc tuân thủ luật, và để những sự việc không bị “ém nhẹm” thì chúng ta phải có luật về công khai minh bạch thay cho luật về cung cấp thông tin.

Hệ thống pháp luật của chúng ta liệu đã đủ mạnh chưa, hay có cần bổ sung điều chỉnh gì để có thể đảm bảo mục tiêu tăng trưởng không mâu thuẫn với mục tiêu môi trường?

TS Nguyễn Thành Sơn: Nhìn chung, hệ thống pháp luật của chúng ta gần đây đã được hoàn thiện, có nhiều luật về nhiều lĩnh vực, mặc dù chưa đủ. Nhưng như chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã có lần nói, chúng ta chưa đưa được cuộc sống vào luật, thay vì cứ cố gắng đưa luật vào cuộc sống.

Không những thế, ngay trong việc “đưa luật vào cuộc sống”, các cơ quan quản lý đôi khi ngay lập tức vô hiệu hóa luật bằng việc ban hành những nghị định và thông tư theo hướng “củng cố quyền lực” gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng không “đá” mục tiêu bảo vệ môi trường chúng ta phải thay đổi tư duy trong thực thi pháp luật và thực thi những chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của nhà nước. Tôi thấy, chưa cần “bổ sung, điều chỉnh” gì nhiều về luật.

Trước hết, về phát triển kinh tế: ta thường lấy tiêu chí (số đo) “tốc độ phát triển kinh tế” tôi cho là sai lầm. Trong lý thuyết và trên thực tế, người ta coi trọng “hiệu quả” hơn “tốc độ”. Vấn đề là một đồng bỏ ra ta thu lợi được mấy đồng, chứ không phải bỏ ra càng nhiều càng “giỏi” (trong khi chỉ thu được vài xu).

Ngoài ra, cách đánh giá/so sánh của chúng ta cũng lại theo kiểu so với chính bản thân mình năm nay và năm ngoái, chứ không so với thế giới, hay khu vực, không sánh bằng con số tuyệt đối.

Thứ hai, về trách nhiệm bảo vệ môi trường: Để có tốc độ phát triển kinh tế lớn nên ta phải hy sinh về môi trường. Vì bảo vệ môi trường với tăng trưởng kinh tế không phải lúc nào cũng đồng hành với nhau.

Phúc Anh – Thu Hà - Vietnamnet

Ảnh: ​TS Nguyễn Thành Sơn. Ảnh: Baogiaothong.