Cam kết di dời các điểm ô nhiễm nặng ở Q.12 trong năm nay
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 17:53, 21/06/2016
Theo đó, UBND TP giao UBND quận 12 vận động các cơ sở thực hiện việc di dời hoặc chuyển đổi ngành nghề theo đúng tiến độ và có phương án xử lý đất cũ của các cơ sở ở hai khu phố này sau khi di dời. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp giảm ô nhiễm môi trường của các cơ sở trong thời gian làm thủ tục di dời.
Hồi tháng 5.2016, UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường tại phường Đông Hưng Thuận, quận 12. Khu vực này tồn tại 42 cơ sở sản xuất, hoạt động chủ yếu là những ngành nghề gây ô nhiễm như dệt nhuộm, sản xuất giấy, bao bì...
Thực trạng này đã kéo dài từ năm 2008 nhưng cho đến nay mới chỉ có 50% số cơ sở ngưng hoạt động. Số còn lại vẫn đang tiếp tục sản xuất gây ô nhiễm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân sống ở khu vực lân cận.
Theo thống kê từ Sở Tài nguyên - Môi trường, dù đã tích cực xử lý nhưng tại khu vực trên mới có 21 cơ sở ngưng hoạt động, còn 21 cơ sở vẫn đang hoạt động. Đa số các cơ sở này đã trang bị hệ thống xử lý khí thải, nước thải, nhưng tình trạng máy móc thiết bị sản xuất quá lạc hậu nên vẫn gây ô nhiễm môi trường xung quanh.
Cùng ngày, UBND TP.HCM cũng yêu cầu UBND huyện Bình Chánh di dời các hộ chăn nuôi heo gây ô nhiễm môi trường tại địa bàn các xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B về vùng chăn nuôi tập trung để đảm bảo về hạ tầng kỹ thuật, vệ sinh môi trường, kiểm dịch thú y và phù hợp với định hướng sản xuất nông nghiệp của huyện.
Ngoài ra, UBND TP cũng vừa giao Sở Tài nguyên - Môi trường giám sát chặt chẽ chất lượng môi trường trong quá trình hoạt động của trạm xử lý chất thải nguy hại tại công trường xử lý rác Đông Thạnh và khu vực xung quanh. Song song đó, Sở hoàn chỉnh đề án di dời trạm xử lý này, trình UBND TP trong tháng 6.2016; đề xuất phương án cải tạo, phục hồi môi trường tại công trường xử lý rác (bao gồm bãi chôn lấp rác sinh hoạt đã đóng bãi) đảm bảo khả thi, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và bảo vệ môi trường của địa phương.
UBND huyện Hóc Môn được giao tiếp tục giám sát hoạt động của trạm xử lý; vận động các hộ dân tiếp tục đến khám sức khỏe; có chính sách hỗ trợ 100% người dân thuộc diện chính sách, diện nghèo, cận nghèo (theo danh sách đề xuất của xã Đông Thạnh và xã Nhị Bình) và hỗ trợ cấp miễn phí thẻ bảo hiểm y tế cho người dân sống xung quanh công trường xử lý rác Đông Thạnh.
Sở Y tế được phân công nhiệm vụ thường xuyên theo dõi tình trạng bệnh ung thư của người dân sống gần công trường xử lý rác Đông Thạnh để có biện pháp xử lý.
Tổng công ty TNHH MTV Cấp nước Sài Gòn cũng khẩn trương lắp đặt hệ thống cung cấp nước sạch đến những hộ dân sống trong khu vực có ảnh hưởng ô nhiễm môi trường.
Phan Diệu