Dứt khoát loại bỏ những doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 14:50, 16/06/2016
Trong lễ trao giải “Khởi nghiệp sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu” được tổ chức bởi Trung tâm Đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam (VCIC) ngày 14.6 vừa qua, Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân đã có buổi chia sẻ cùng báo giới xung quanh vấn đề đổi mới sáng tạo trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.
- Được biết, COP 21 thông qua Hiệp định Paris với nội dung quan trọng là chuyển đổi dần từ công nghệ lạc hậu sang những công nghệ thân thiện với môi trường. Vậy ở góc độ của Chính phủ Việt Nam, cụ thể là Bộ TN-MT, theo ông chúng ta đã những có chuẩn bị gì cho sự chuyển đổi công nghệ này?
- Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân: Chính phủ Việt Nam đang tích cực xây dựng chương trình tổng thể ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh. Đây là chương trình mang tầm mục tiêu quốc gia nhằm mục đích giảm thiểu các đơn vị sản xuất gây ra ô nhiễm môi trường nói chung và phát thải khí nhà kính nói riêng. Đây là chương trình có sự quan tâm đặc biệt từ phía Việt Nam và có sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế.
Hiện nay, chúng tôi đang triển khai chương trình này với mục đích giảm dần những công nghệ lạc hậu gây ra ô nhiễm môi trường. Chính phủ cũng đã có những quyết định nhằm làm giảm những cơ sở gây ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và đặc biệt khuyến khích trong lĩnh vực giảm carbon, giảm khí nhà kính, và có những chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực này. Đặc biệt, chúng ta cần tranh thủ hợp tác quốc tế để tận dụng những cơ hội, những công nghệ tiên tiến và hiện đại để làm sao ứng dụng vào nước ta nhiều hơn.
Việc đổi mới sáng tạo ứng phó biến đổi khí hậu là lĩnh vực mới đòi hỏi sức sáng tạo của nhiều doanh nghiệp tham gia. Sức sáng tạo trong Khởi nghiệp sáng tạo luôn dành cho những doanh nghiệp mới, doanh nghiệp trẻ, dành sức sáng tạo cho việc ứng phó với biến đổi khí hậu để tạo nên một nền kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của đất nước. Vì vậy việc tham gia của các doanh nghiệp cùng các dự án, các mô hình nhằm đáp ứng chủ đề môi trường như vậy là rất đáng hoan nghênh và cần được nhân rộng để giúp Việt Nam có thể chủ động hơn trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bãi đổ phế liệu tại Hà Nội (ảnh: Báo Người đưa tin)
- Với những doanh nghiệp sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu thì chúng ta đã có những chính sách cụ thể, kiên quyết như thế nào để giảm thiểu, loại bỏ những công nghệ đó? Lộ trình loại bỏ cụ thể như thế nào đối với doanh nghiệp gây ô nhiễm nghiêm trọng, và những doanh nghiệp đó đến bao giờ thì bị loại bỏ, thưa Thứ trưởng?
- Hiện nay, chúng ta đã có những chính sách, chủ trương cụ thể như trong lĩnh vực năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng tái tạo, đó là những chính sách được ưu tiên về nhiều mặt trong đó có sự hỗ trợ của các quỹ đầu tư, đặc biệt là Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam.
Những đơn vị còn công nghệ lạc hậu gây ra ô nhiễm môi trường đã được Bộ TN-MT có lộ trình loại bỏ cụ thể. Đồng thời chúng ta cũng đã có những chính sách khuyến khích đổi mới công nghệ thân thiện với môi trường.
Theo quyết định của Chính phủ thì từ nay cho đến cuối năm 2020 chúng ta sẽ loại bỏ tất cả những cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và chúng ta cũng cố gắng nhanh hơn, tốt hơn trong mục tiêu này.
- Vậy Thứ trưởng đánh giá như thế nào về sự sẵn sàng của các doanh nghiệp Việt Nam trong vấn đề chuyển đổi công nghệ? Hiện nay họ đang gặp những khó khăn gì về chuyển đổi sang công nghệ xanh, thưa ông?
- Các doanh nghiệp đã đầu tư trước đây đã có những giai đoạn chạy theo tăng trưởng mà coi nhẹ môi trường, ít chú ý tới những công nghệ xanh. Sắp tới, những doanh nghiệp này sẽ tiến hành thay đổi công nghệ, thay đổi quy trình sản xuất và đặc biệt sẽ phải thay đổi hệ thống xử lý nước thải, khí thải và rác thải để đảm bảo việc bảo vệ môi trường.
Còn những doanh nghiệp mới thành lập, đang triển khai thì chúng tôi đang tăng cường việc đánh giá tác động đến môi trường với tiêu chí đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến với sản xuất và đời sống. Tôi hy vọng trong những năm tới, những doanh nghiệp mới sẽ có ý thức hơn và xem trách nhiệm đối với môi trường như trách nhiệm chính của doanh nghiệp. Xu thế toàn cầu cũng như xu thế tiêu dùng ngày nay sẽ chú trọng và sử dụng nhiều hơn những vật dụng thân thiện với môi trường và cộng đồng người tiêu dùng quốc tế cũng như Việt Nam hiện nay cũng rất ủng hộ và xem đó như một thương hiệu.
- Hiện nay những cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng còn đang tồn tại rất nhiều, thậm chí còn có những cơ sở tái gây ô nhiễm dù đã bị xử lý. Vậy theo đánh giá của ông thì lộ trình đến năm 2020 liệu có thực hiện được hay không?
- Chủ trương của Chính phủ đặt ra là năm 2020 nhất quyết phải loại bỏ những doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường bằng việc thay đổi công nghệ, thậm chí nhiều doanh nghiệp phải di dời ra khỏi khu vực sản xuất. Với quyết tâm như vậy, tôi hy vọng các địa phương cần rà soát lại những cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng để phấn đấu đến năm 2020 sẽ không còn tình trạng này xảy ra.
- Xin cảm ơn ông.
Thu Anh (ghi)