Cối xay nước thời Trung cổ là tội đồ phá hủy cân bằng sinh thái
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 13:07, 30/07/2016
Cá hồi Đại Tây Dương thường đẻ trứng ở các dòng sông và là nguồn thực phẩm phổ biến. Nhưng ngày nay, cá hồi hiếm khi vào đẻ trứng ở sông Rheine và các dòng sông Bắc Âu.
Cho đến tận thời gian gần đây, người ta thường cho rằng cá hồi biến mất là do các chất gây ô nhiễm thải thẳng xuống sông hồ khi các ngành sản xuất công nghiệp phát triển vào cuối thế kỷ XIX.
Nhưng nhà nghiên cứu Rob Lenders khẳng định cá hồi hoàn toàn ngừng đẻ trứng ở sông Rheine ngay từ thời Trung cổ. Và nguyên nhân là các cối xay nước.
Dựa trên các số liệu về sản lượng đánh bắt của ngư dân Đức và Hà Lan, các tác giả của công trình nghiên cứu đã xác định được rằng sản lượng cá hồi giảm giữa các năm 1200 và 1400. Đây chính là thời kỳ các cối xay nước được xây dựng ồ ạt. Đồng thời lại xuất hiện những con đập ngăn cản sự di chuyển của cá hồi.
Điều quan trọng hơn là các con đập đã thay đổi dòng chảy, ở thượng lưu sông tích tụ nhiều bùn và cát trong khi cá hồi thường trẻ trứng trên nền đất có đá.
Các nhà khoa học tin chắc rằng chính các cối xay nước đã làm cá hồi biến mất, chứ không phải là do săn bắt quá mức. Ở các vùng khác như Xcôtlen và các nước vùng Xcandinavia, nghề săn bắt cũng phát triển mạnh nhưng không ảnh hưởng đến đàn cá hồi.
Còn việc thiết kế các cối xay nước với bánh quay kiểu khác, không đòi hỏi phải đắp đập, vì thế, không ảnh hưởng nhiều đến hệ sinh thái của các dòng sông như đã từng xảy ra ở Hà Lan và Đức.
Nhà sinh thái học Rob Lenders khẳng định rằng cá hồi hàng năm bơi vào các dòng sông mang theo hàng trăm tấn dinh dưỡng từ đại dương cho các vùng quanh sông vốn là đồi núi. Cũng chính vì không còn cá hồi nên số đầu sói, gấu và đại bàng cũng giảm theo.
Vũ Trung Hương