Mập mờ trong chia sẻ thông tin giữa các nước lưu vực sông Mê Kông
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 11:43, 21/07/2016
Bên lề buổi tọa đàm “Rủi ro tiềm ẩn từ các dự án chuyển nước sông Mê Kông tới ĐBSCL” diễn ra tại Hà Nội vào ngày 20.7 do Trung tâm Con người và thiên nhiên tổ chức, báo điện tử Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi cùng ông Nguyễn Hồng Toàn – chuyên gia Ủy ban Sông Mê Kông Việt Nam xoay quanh vấn đề này.
- Theo ông, các dự án về việc chuyển nước sông Mê Kông sẽ khiến ĐBSCL thời gian tới đây bị ảnh hưởng như thế nào?
- Ông Nguyễn Hồng Toàn: Việc chuyển nước sẽ làm thay đổi dòng chảy mùa khô đối với ĐBSCL và nếu việc chuyển nước này kết hợp với các dự án đập thủy điện thì sẽ gây tác động rất nghiêm trọng trong thời gian từ tháng 2 đến tháng 4, thời gian mà ĐBSCL đang bị thiếu nước và xâm nhập mặn. Ngoài ra, việc này còn ảnh hưởng trực tiếp đến những vấn đề dân sinh, phát triển nông nghiệp.
- Trong thời gian qua, trên sông Mê Kông đã có nhiều đập thủy điện của Trung Quốc, và nhiều công trình đang được xây dựng ở Lào, Thái Lan. Vậy điều này đã tác động đến tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại ĐBSCL ra sao, thưa ông?
- Việc phát triển thủy điện cùng hệ thống tưới ở thượng nguồn sẽ làm thay đổi dòng chảy khiến mùa khô tại ĐBSCL có nguy cơ đối diện với tình hình thiếu nước và chắc chắn tình trạng nhiễm mặn sẽ ngày càng xâm nhập sâu vào đất liền.
Trong khi chúng ta cần một lượng dòng chảy rất lớn thì nay lại đang đối diện với nguy cơ thiếu nước vào mùa khô, đương nhiên đây chính là điều kiện cho xâm nhập mặn ngày càng vào sâu.
Việc điều tiết dòng chảy ở các đập thượng nguồn sẽ tùy theo chế độ vận hành tại nhà máy thủy điện cũng như việc sử dụng lượng nước trữ trong hồ của từng quốc gia. Đối với Trung Quốc, khi đập thủy điện vận hành thì việc xả nước xuống hạ lưu là điều tất yếu. Đồng thời, việc xả nước của Trung Quốc còn phục vụ cho chính giao thông đường thủy của họ nên chắc chắn điều này sẽ làm thay đổi lượng nước ở hạ nguồn, có thể tăng lên hoặc điều tiết trong mùa lũ.
Nói sâu hơn, chế độ vận hành của các đập thủy điện đóng vai trò hết sức quan trọng. Các nước thượng nguồn và cả Việt Nam cùng sử dụng nguồn nước đó sẽ đều ảnh hưởng đến lưu lượng dòng chảy.
Ông Nguyễn Hồng Toàn, chuyên gia Ủy ban Sông Mê Kông Việt Nam chia sẻ về sự cần thiết phải trao đổi thông tin
- Hiện nay, các quốc gia có xu hướng không thông báo hoặc thông báo không đồng bộ, kịp thời về tình hình lấy nước chỉ trong mùa mưa hay cả trong mùa khô. Theo ông, trong trường hợp này, vai trò pháp lý trong việc tuân thủ Hiệp định Mê Kông cũng như trách nhiệm của Ban Thư ký MRC (Ủy hội Sông Mê Kông) thế nào?
- Việc thông báo đóng vai trò hết sức quan trọng nhưng một số nước có thể vì lợi ích riêng mà không muốn thông báo. Đó là quyền lợi của mỗi quốc gia nhưng nhiều khi quyền lợi quốc gia lại được đặt lên trên hết nên họ muốn hạn chế thông tin.
Tuy nhiên, Hiệp hội Sông Mê Kông cũng có những cơ chế với rất nhiều thủ tục được đặt ra, trong đó có thủ tục thông báo, trao đổi ý kiến trước thỏa thuận, chia sẻ thông tin… cho đến những thủ tục duy trì dòng chảy. Đây là thủ tục buộc các quốc gia trong khu vực phải tuân theo nhưng điều quan trọng là các quốc gia đó thực hiện như thế nào. Lúc đó, vai trò của Hiệp hội cũng như Ủy ban Sông Mê Kông Việt Nam sẽ thúc đẩy hợp tác và mạnh dạn, cởi mở hơn.
Tuy nhiên những hợp tác đó phải dựa trên tiêu chí cùng có lợi cho các quốc gia trong khu vực, còn nếu chỉ phục vụ lợi ích của một vài quốc gia thì khó có thể thực hiện được.
Theo tôi, chúng ta cần xây dựng một cơ chế hợp tác về mọi mặt như nguồn nước, an ninh năng lượng, lương thực và cùng chia sẻ những khó khăn cũng như chia sẻ lợi ích thì mới mong thúc đẩy sự hợp tác.
- Vậy có phải những chế tài pháp lý hiện nay chưa đủ mạnh mà dẫn tới việc có quốc gia né tránh chia sẻ thông tin hay không? Và đó có phải là sự chia sẻ phi lợi nhuận không, thưa ông?
- Tôi cho rằng hiệp định về sông Mê Kông hiện nay rất mạnh và được nước ngoài đánh giá cao, có tầm quan trọng, có tính toàn diện. Còn về cơ chế hợp tác ở bất kỳ quốc gia nào đều không phải là cơ chế quyền lực. Vì vậy, nếu các quốc gia trong khu vực hợp tác tốt thì đó là điều rất đáng duy trì và phát huy; còn nếu thiếu cam kết thì chắc chắn sẽ gây ra những khó khăn, bất lợi không đáng có cho các quốc gia thành viên.
Chính vì thế hướng tiếp cận phải thật mềm dẻo, hợp tác trên tinh thần đôi bên cùng có lợi. Đồng thời, việc chia sẻ lợi ích cũng đóng vai trò hết sức quan trọng và cần thiết, nó không phải chia sẻ với nhau bằng tài chính mà là sự chia sẻ về thông tin, về nguồn lực, đảm bảo an ninh nguồn nước, an ninh lương thực… cho các quốc gia thành viên.
Bản thân tôi cho rằng Hiệp định Mê Kông mất 4 năm xây dựng và nay cơ chế hợp tác đang được triển khai hiện nay khá tốt; nhưng quan trọng nhất vẫn là cam kết giữa các nước thành viên. Tuy nhiên, muốn cam kết trước hết cần phải có lợi ích, lợi ích chung của cả 4 quốc gia thì mới mong hiệp định với những cơ chế được duy trì bền chặt.
Vấn đề chia sẻ thông tin giữa các quốc gia thành viên là hoàn toàn phi lợi nhuận. Trong hiệp định có khẳng định các nước có quyền chia sẻ, được quyền tiếp cận thông tin mà không mất bất kỳ chi phí nào.
- Theo ông, trước tình trạng chuyển nước sông Mê Kông như hiện nay thì Nhà nước Việt Nam nói chung, vùng ĐBSCL nói riêng cần có những biện pháp đối phó cũng như thích ứng như thế nào để không rơi vào thế bị động?
- Trước hết, chúng ta cần biện pháp quy hoạch tổng thể, tổng hợp các ngành cùng hợp tác nhưng điều này vẫn còn khá yếu. Ngoài những vấn đề kỹ thuật thì những cơ chế hợp tác, phối hợp giữa các bộ ngành, các địa phương với nhau là việc làm hết sức cần thiết.
Thứ hai, chúng ta cần tìm ra giải pháp tối ưu cho việc tích nước trong mùa mưa kèm theo hệ thống cơ sở hạ tầng tốt, chống xâm nhập mặn, nhằm trữ nước được trong mùa lũ để phục vụ cho mùa khô.
Thứ ba, cần chuyển đổi cơ cấu canh tác nông nghiệp để thích ứng được với những tác động của biến đổi khí hậu và sự phát triển trên thượng nguồn.
Đồng thời, người dân cũng cần chủ động thích ứng bằng việc tự trang bị thông tin cũng như nâng cao nhận thức. Trong hoàn cảnh này, các bộ ngành cần có khuyến cáo cho người dân, hướng dẫn cũng như hỗ trợ họ trong việc làm thế nào để thích ứng được với những biến đổi đó.
- Xin cảm ơn ông.
Thu Anh (thực hiện)