Miền Bắc trở lạnh, bệnh nhân đột quỵ tăng cao

Thông tin Y học - Ngày đăng : 21:00, 16/12/2020

Đột quỵ là bệnh lý cấp tính nguy hiểm và là nguyên nhân phổ biến thứ 3 gây tử vong nhanh nhất tại Việt Nam. Đặc biệt khi mùa lạnh đến gần thì các bệnh nhân rất dễ bị đột quỵ nếu không chú ý phòng ngừa.

Khoảng một tháng trở lại đây, Trung tâm Đột quỵ của Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận khoảng 1.000 ca đột quỵ vào cấp cứu. PGS.TS Mai Duy Tôn, Giám đốc trung tâm cho biết, trong các ca này có khoảng 100 ca (chiếm 10%) là bệnh nhân trẻ dưới 44 tuổi, thậm chí có trẻ em 13, 14 tuổi.

Bác sĩ Mai Duy Tôn cho biết phần lớn bệnh nhân đến trung tâm đều muộn và hệ lụy là mất đi cơ hội hồi phục trong giờ vàng. "Lý do của việc đến viện muộn là do người trẻ thường chủ quan, không nhận diện rõ các dấu hiệu điển hình của đột quỵ và không nghĩ là đột quỵ có thể xảy ra ở người trẻ tuổi. Khi đến viện muộn, họ đã mất đi cơ hội vàng để phục hồi và để lại hệ lụy đáng tiếc về sức khỏe, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội".

09-11-2018-cuu-song-co-gai-22-tuoi-bi-dot-quy-do-nhoi-mau-nao-8cb35101.jpg
Bác sĩ kiểm tra bệnh nhân bị đột quỵ sau khi đã được phẫu thuật cấp cứu

Theo số liệu của Hội Tim mạch Việt Nam thì cứ 4 người từ 25-49 tuổi thì có một người tăng huyết áp và đây là nguyên nhân chính gây nên đột quỵ ở người trẻ. Ngoài ra, bệnh nhân đột quỵ trẻ còn liên quan đến các yếu tố di truyền, có bất thường về mạch máu hoặc tình trạng đông máu, dẫn đến nguy cơ vỡ mạch máu hoặc tắc mạch máu gia tăng. Chính vì những nguy hiểm và hệ lụy về sau nên việc tăng cường khả năng tiếp cận các thông tin về phòng ngừa và điều trị bệnh đột quỵ rất cần thiết và quan trọng.

Đột quỵ không có triệu chứng báo hiệu kéo dài nên không ai có thể biết trước mình sẽ bị đột quỵ. Tuy nhiên, bạn có thể nắm những dấu hiệu sau đây để phát hiện sớm chứng đột quỵ ở bản thân hay những người xung quanh để có thể cấp cứu kịp thời.

Dấu hiệu ở thị lực: Thị lực giảm, nhìn mờ dần cả hai mắt hoặc một mắt, tuy nhiên biểu hiện này không rõ ràng như các dấu hiệu yếu cơ mặt, yếu tay và các vấn đề về ngôn ngữ. Chỉ có người bệnh khi nhận thấy mình có dấu hiệu này thì nên yêu cầu được cấp cứu ngay.

Dấu hiệu ở mặt: Mặt có biểu hiện thiếu cân xứng, miệng méo, nhân trung hơi lệch qua một bên so với bình thường, nếp mũi má bên yếu bị rũ xuống. Đặc biệt khi người bệnh nói hoặc cười thì sẽ thấy rõ dấu hiệu méo miệng và thiếu cân xứng trên mặt.

Dấu hiệu yếu tay hoặc chân: Khi xảy ra đột quỵ, một triệu chứng hay gặp là một bên cánh tay hoặc chân (hoặc cả hai) đột ngột yếu đi, tê bì. Tình trạng này thường ảnh hưởng đến các chi ở bên đối diện vùng não xảy ra đột quỵ. Cảm giác của người bị đột quỵ là tay bị tê mỏi, khó cử động, khó thao tác, không nhấc chân lên được. Bạn có thể kiểm tra bằng cách mở rộng cả hai cánh tay trong 10 giây. Nếu một cánh tay bị rơi xuống thì có thể là chỉ báo yếu cơ - một dấu hiệu của bệnh.

Dấu hiệu qua giọng nói: Người bị đột quỵ có thể gặp triệu chứng khó nói hoặc nói ngọng bất thường, môi lưỡi bị tê cứng, miệng mở khó, phải gắng sức thì mới nói được. Hãy tự kiểm tra bằng cách lặp đi lặp lại một cụm từ. Bạn có bị nói líu, dùng từ sai hoặc không thể nói? Nếu điều này xảy ra thì nhiều khả năng bạn bị đột quỵ.

Dấu hiệu qua nhận thức: Người bệnh có biểu hiện rối loạn trí nhớ, không nhận thức được, mắt mờ, tai ù không nghe rõ.

Dấu hiệu ở thần kinh: Người bệnh cảm thấy nhức đầu dữ dội. Đây là triệu chứng nặng và khá phổ biến của bệnh đột quỵ, nhất là người bệnh có tiền sử bị đau nửa đầu.

Ngoài ra con một số dấu hiệu khác:

Tự nhiên chóng mặt: Hệ thống tuần hoàn sẽ gặp nhiều khó khăn nếu tim quá yếu, bộ não không nhận đủ oxy cần thiết. Điều đó sẽ làm bạn luôn cảm thấy chóng mặt, thậm chí đau đầu. Do đó bạn cần chú ý và đi chẩn đoán bệnh ngay khi có biểu hiện trên thường xuyên. Nếu bạn bị chóng mặt, buồn nôn hoặc gặp khó khăn về đi lại thì bạn có thể nghĩ rằng mình bị say, song thực tế đó có thể là dấu hiệu của đột quỵ.

Đau đầu nặng: Cơn đau đầu nặng, đột ngột là một triệu chứng hay gặp ở người bị đột quỵ.

Yếu một bên cơ mặt: Yếu một bên cơ mặt, đột ngột có thể là dấu hiệu của đột quỵ. Để kiểm tra, các nhân viên cấp cứu có thể yêu cầu bạn cười hoặc nhe răng. Nếu một bên mặt của bạn chùng xuống hoặc không cử động thì có thể bạn bị tình trạng này.

Khó thở hoặc tim đập nhanh: Một nghiên cứu về những khác biệt giới trong đột quỵ cho thấy phụ nữ dễ bị các triệu chứng khó thở hoặc tim đập nhanh khi đột quỵ.

Nếu bất cứ ai có biểu hiện bất cứ triệu chứng nào như trên, thậm chí không rõ ràng, ngay lập tức gọi cấp cứu 115, vận chuyển an toàn tới bệnh viện gần nhất tìm cơ hội điều trị trong giờ vàng để "cứu não".

Bác sĩ Tôn khuyến cáo: "Với người trẻ, để giảm nguy cơ đột quỵ cần khám sức khỏe định kỳ để tầm soát các yếu tố nguy cơ, nếu có cần điều trị sớm. Chẳng hạn điều trị tăng huyết áp, các bệnh lý chuyển hóa, béo phì… và nên sinh hoạt khoa học, bỏ thuốc lá, rượu bia. Với bệnh nhân trong gia đình có người từng bất thường mạch máu, tăng đông nên được tư vấn bởi các bác sĩ chuyên khoa để được sàng lọc loại trừ yếu tố nguy cơ".

Ông Tôn cũng chia sẻ thêm, khoảng 1/3 các ca đột quỵ xuất hiện sau khi có một hoặc nhiều cơn đột quỵ nhẹ hay còn gọi là cơn thiếu máu não thoáng qua. Cơn thiếu máu não thoáng qua xảy ra do tình trạng ngừng tạm thời việc cung cấp máu lên não. Các dấu hiệu như mất thị lực đột ngột, yếu một cánh tay hoặc chân trong ít phút có thể xuất hiện do các cơn thiếu máu não thoáng qua. Sau đó khả nặng vận động có thể sớm trở lại, điều này tạo nên cảm giác chủ quan cho người bệnh, tuy nhiên sẽ rất nguy hiểm nếu bỏ qua. Đây thường là dấu hiệu cảnh báo sớm của bệnh lý đột quỵ não.

Dạ Thảo