Chuyển đổi số ngành tài chính ngân hàng cần tăng cường an ninh mạng
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 13:52, 17/12/2020
Ngày 3.6.2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trong đó nêu rõ 8 lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số, trong đó có ngành tài chính ngân hàng.
Tại Hội thảo chuyên đề “Chuyển đổi số trong ngành Tài chính – Ngân hàng” nằm trong sự kiện Ngày chuyển đổi số Việt Nam - DX Day 2020 (diễn ra ngày 15.12), TS. Nguyễn Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính (Bộ Tài chính) đã có báo cáo chính về “Kế hoạch chuyển đổi số ngành Tài chính”, nêu bật các tác động chính của CMCN 4.0 với ngành; những bước chuẩn bị của ngành đối với CMCN 4.0 và chuyển đổi số.
Cụ thể, mục tiêu đến năm 2025, thiết lập hệ sinh thái ngành tài chính số, trong đó Chính phủ đóng vai trò kiến tạo và kết nối với các bên thông qua việc mở, chia sẻ dữ liệu và các nền tảng số hóa để cho phép nhiều bên tạo ra các dịch vụ tài chính thông minh. Đến năm 2030, Chính phủ thông qua một ngành tài chính hiện đại và vững mạnh dẫn dắt sự phát triển của kinh tế số dựa trên việc đẩy nhanh các giá trị gia tăng của dịch vụ tài chính, chuyển đổi mô hình kinh tế bao hàm kinh tế số…
Theo bà Nguyễn Thuỳ Dương - Chủ tịch EY Consulting Việt Nam, đến năm 2025 dự đoán khoảng 1/3 doanh thu ngân hàng truyền thống sẽ chuyển sang các mô hình kinh doanh mới. 34% các khoản cho doanh nghiệp SME vay, các khoản thanh toán sẽ chuyển sang thanh toán bằng ví điện tử hoặc trực tiếp từ tài khoản đến tài khoản, hoặc cho vay ngang hàng, 34% mảng quản lý tài sản sẽ sử dụng các nền tảng môi giới tự động với mức phí rẻ hơn…
Theo đó các ngân hàng cần tham gia vào hệ sinh thái cùng với các doanh nghiệp FinTech để cùng phát huy thế mạnh của các bên để cùng nhau phát triển; tham gia nền tảng tài chính ngân hàng mở, lấy các khách hàng làm tâm, giúp khách hàng tiếp cạnh nhiều tổ chức tài chính – ngân hàng khác nhau thông qua 1 kênh duy nhất.
Ngoài ra, bà Dương cho rằng các ngân hàng cần sử dụng các công nghệ mới để thực hiện hoá các ý tưởng sáng tạo đột phá, đáp ứng nhu cầu ngày càng phức tạp của khách hàng. Để chuyển đổi số, các ngân hàng truyền thống cần số hóa toàn ngân hàng, xây dựng mô hình ngân hàng số chuyên biệt.
Lấy ví dụ từ chính MISA BankHub, ông Nguyễn Thanh Tùng -Viện trưởng Viện Đào tạo và Nghiên cứu công nghệ MISA cho biết việc sử dụng MISA BankHub có thể rút ngắn thời gian giao dịch, hay việc BankHub sử dụng đánh giá tín dụng bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) giúp giảm thiểu thủ tục vay vốn ngân hàng qua B2B Lending Platform…
Ngoài ra, “Giải pháp chăm sóc khách hàng tự động bằng công nghệ AI” đến từ Viettel do ông Phạm Quang Vinh - Giám đốc Sản phẩm, Trung tâm không gian mạng Viettel chia sẻ đã cho thấy có đến 40% khách hàng Châu Á cho biết họ thích sử dụng Digital Banking, trong đó 50% ở độ tuổi dưới 40. Trong bối cảnh đó, các ngân hàng phải đối mặt với câu chuyện càng đơn giản hóa quy trình cung cấp dịch vụ thì vai trò giám sát càng trở nên quan trọng.
Theo các chuyên gia, các ngân hàng, tổ chức tín dụng cần định hướng phát triển sản phẩm, dịch vụ để thích ứng với công nghệ 4.0, trong đó phải đặt khách hàng làm trung tâm; tối ưu hóa các kênh phân phối sản phẩm, phát triển các kênh phân phối hiện đại với chiến lược phù hợp.
Về công nghệ, cần có sự đầu tư bài bản cho hạ tầng CNTT, ứng dụng các công nghệ mới từ cuộc CMCN 4.0 như Data Analytics, AI, open API… để gia tăng trải nghiệm khách hàng, nâng cao hiệu quả đầu tư, đẩy nhanh thời gian thiết kế sản phẩm tùy biến và đưa ra thị trường; đồng thời phải đảm bảo tăng cường quản trị rủi ro an ninh mạng, bảo vệ bí mật khách hàng…