Đứng 1 chân dưới 20 giây có nguy cơ bị đột quỵ là chưa có cơ sở khoa học

Thông tin Y học - Ngày đăng : 20:33, 17/12/2020

Thông tin trên được các chuyên gia y tế đưa ra trong buổi tọa đàm “Đột quỵ gia tăng ở người trẻ - giải pháp nào để phòng tránh” diễn ra tại TP.HCM vào hôm nay (17.12) và khẳng định phương pháp này chưa được đưa vào sàng lọc bệnh đột quỵ.

Thế giới không ai sàng lọc bằng phương pháp này

Các chuyên gia y tế cho biết sau khi danh hài Chí Tài bị đột quỵ tử vong, nhiều thông tin trên mạng xã hội nói rằng nếu 1 người đứng 1 chân, giơ thẳng 2 tay, nhắm mắt, giữ tư thế này dưới 20 giây thì có nguy cơ đột quỵ. Điều này là chưa có cơ sở khoa học và trên thế giới không quốc gia nào đưa phương pháp này vào sàng lọc bệnh đột quỵ.

dung-1-chan-duoi-20-giay-co-nguy-co-bi-dot-quy-la-chua-co-co-so-khoa-hoc-hinh-anh(1).png
Bệnh nhân có nguy cơ bị đột quỵ  - Ảnh: Internet

Theo bác sĩ Huỳnh Thanh Ân - Viện Y dược học dân tộc TP.HCM, phương pháp nói trên xuất phát từ một nghiên cứu của Đại học Y khoa Tokyo, được công bố hồi năm 2014. Nghiên cứu được thực hiện đối với hơn 1.500 người, thực hành cách “đứng một chân”. Kết quả cho thấy, với một số người đứng dưới 20 giây, các kết quả cận lâm sàng cho thấy có một số tổn thương mao mạch... Những thương tổn này cũng có thể hình thành nguyên nhân gây đột quỵ.

“Đó chỉ là nghiên cứu bước đầu chưa hoàn toàn xác thực đầy đủ về mặt khoa học để ứng dụng thực tế. Những người đứng 1 chân không được 20 giây, nhiều khi họ bị vấn đề về cơ xương khớp, không thể nói người ấy có nguy cơ đột quỵ. Ngoài ra, đứng 1 chân quá 20 giây còn phụ thuộc hàng loạt yếu tố khác của cơ thể như tâm lý, hệ cân bằng... Đó là lý do đến nay phương pháp đứng một chân chưa được giới y khoa chính thức xem là phương thức sàng lọc đột quỵ, tại Việt Nam cũng như trên thế giới”, bác sĩ Ân khẳng định.

Bác sĩ Ân tỏ ra băn khoăn về hệ lụy của phương pháp này, nếu ăn vào suy nghĩ của nhiều người dân sẽ khiến không ít người bị đột quỵ vì quá lo lắng, chứ không phải vì bệnh tật. “Nếu một người vì một lý do nào đó không đứng 1 chân được quá 20 giây mà không phải nguy cơ đột quỵ thì người ấy sẽ cảm thấy lo lắng. Sự lo lắng ấy, với một người tâm lý không vững vàng, sẽ bào mòn tinh thần sống vui sống khỏe của họ. Khi đó, sự lo lắng ấy đôi khi giúp hình thành nguyên nhân gây đột quỵ”, bác sĩ Ân nói.

 Cứ 100 người bị đột quỵ có 10 người dưới 18 tuổi

Đột quỵ đang ngày càng trẻ hóa, không chỉ những người trẻ 30 hay 40 tuổi mà cả những người vị thanh niên đột quỵ cũng ngày càng nhiều.

Theo các chuyên gia y tế, cứ 100 người không may bị đột quỵ, chỉ 10 người được cứu sống và bình phục hoàn toàn, 40 người được cứu sống nhưng để lại nhiều di chứng, 50 người còn lại không qua khỏi. Điều đáng nói, trong số 100 người không may bị đột quỵ ấy có đến 10 người dưới 18 tuổi.

TS.BS Trần Chí Cường - Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đột quỵ tim mạch Cần Thơ (S.I.S), cho rằng đột quỵ không chừa một ai và xảy ra vào bất kỳ lúc nào. Đặc biệt, với những người trong độ tuổi trẻ từ 18 đến 40 đang trong độ tuổi lao động sung sức sẽ là một mất mát lớn cho gia đình và xã hội.

Phân tích của bác sĩ Cường cho thấy, nguyên nhân đột quỵ hàng đầu ở người trẻ là do dị dạng mạch máu. Đặc biệt là với những người trẻ có nguy cơ qua những biểu hiện dễ nhận thấy như cơn mất ý thức thoáng qua, động kinh kéo dài, nhức đầu kéo dài; đột ngột yếu tay chân thoáng qua...

TS.BS Nguyễn Bá Thắng - Trưởng khoa Thần kinh, Trưởng Đơn vị Đột quỵ Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết đột quỵ ở người trẻ cũng có một số nguyên nhân giống người lớn tuổi như: tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, có các bệnh tim, đặc biệt là rung nhĩ… Tuy nhiên, nhiều trường hợp người trẻ đột quỵ là do các nguyên nhân khác như dị dạng mạch máu não, túi phình động mạch não, bóc tách động mạch, viêm mạch máu, do các thuốc kích thích…

“Người trẻ dễ bị đột quỵ hơn nếu có các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, thừa cân, rối loạn chuyển hóa mỡ, lối sống ít vận động, hút thuốc lá…”, bác sĩ Thắng nói.

Bên cạnh đó, các chuyên gia y tế cũng nhấn mạnh nếp sinh hoạt tác động rất lớn đến việc hình thành nguyên nhân gây đột quỵ, đặc biệt ở người trẻ. Đáng chú ý là hút thuốc nhiều, uống rượu bia nhiều, ăn không đúng giờ và ăn muộn, lười vận động... Do đó, mọi người, kể cả người trẻ, cần hết sức chú ý theo dõi chỉ số đường huyết của cơ thể.

Theo bác sĩ Thắng để phòng tránh nguy cơ đột quỵ, người trẻ cần phải có lối sống lành mạnh, không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia, tăng cường vận động và tập thể dục thể thao, giảm ăn mặn, giảm mỡ béo, tăng cường rau xanh và trái cây. Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần khám sức khỏe định kỳ, phát hiện các bệnh lý nguy cơ như: tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim, xơ vữa động mạch… để chữa trị kịp thời. Người đã từng bị đột quỵ cần phải uống các thuốc phòng ngừa và điều trị bệnh căn nguyên.

Hồ Quang