Nguyên nhân thiếu chip toàn cầu đe dọa việc sản xuất smartphone, laptop, ô tô, tivi

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 20:34, 17/12/2020

Các hãng ô tô và thiết bị điện tử từ tivi, laptop đến smartphone đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng thiếu chip trên toàn cầu, gây ra sự chậm trễ trong sản xuất khi nhu cầu của người tiêu dùng tăng trở lại sau cuộc khủng hoảng do coronavirus.

Các nhà lãnh đạo và phân tích trong ngành cho rằng vấn đề thiếu chip do một số nguyên nhân, bao gồm cả các lệnh trừng phạt của Mỹ với Huawei, vụ cháy nhà máy chip ở Nhật Bản, phong tỏa thời COVID-19 ở Đông Nam Á và một cuộc đình công tại Pháp. Song cơ bản đã có sự đầu tư ít hơn vào các nhà máy sản xuất chip 8 inch ở châu Á, có nghĩa là họ phải vật lộn để tăng cường sản xuất khi nhu cầu về smartphone, laptop và ô tô 5G tăng nhanh hơn dự kiến.

Donny Zhang, Giám đốc điều hành của công ty tìm nguồn cung ứng Sand and Wave có trụ sở tại Thâm Quyến (Trung Quốc), cho biết: “Với toàn bộ ngành công nghiệp điện tử, chúng tôi đang gặp phải tình trạng thiếu linh kiện quan trọng với tai nghe thông minh. Ban đầu chúng tôi dự định hoàn thành quá trình sản xuất trong 1 tháng, nhưng bây giờ có vẻ như chúng tôi sẽ phải làm điều đó sau hai lần”.

Một nhà cung cấp linh kiện điện tử Nhật Bản cho biết đang thiếu chip Wi-Fi, Bluetooth và dự kiến ​​sẽ có thời gian trì hoãn hơn 10 tuần.

Dự đoán việc sản xuất tại một số hãng ô tô Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng trong quý đầu tiên năm tới.

Nhu cầu của người tiêu dùng ở Trung Quốc, đặc biệt với ô tô, đã bất ngờ tăng trở lại nhanh chóng sau cuộc khủng hoảng do COVID-19. Các đơn đặt hàng cho các sản phẩm như laptop, ĐTDĐ ở các khu vực đang phải vật lộn với các hạn chế của đại dịch COVID-19, chẳng hạn như châu Âu và Mỹ, cũng tăng lên.

Vì các sản phẩm này đều phải lấy nguồn chip từ nhà máy chế tạo chất bán dẫn nên sự thiếu hụt xảy ra ở tất cả lĩnh vực”, Kevin Anderson, nhà phân tích cấp cao tại công ty Omdia (Anh), nói.

Theo Reuters, nhà cung cấp chip ô tô Hà Lan - NXP Semiconductors nói với khách hàng rằng họ phải tăng giá tất cả sản phẩm do chi phí nguyên liệu tăng đáng kể và thiếu hụt trầm trọng chip.

Giám đốc điều hành NXP Semiconductors - Kurt Sievers nói với nhật báo kinh doanh Handelsblatt (Đức) trong một cuộc phỏng vấn vào ngày 11.12: “Nhiều khách đã đặt hàng quá muộn. Kết quả là chúng tôi không thể theo kịp ở một số khu vực”.

Hôm 11.12, nhà phân tích Huang Leping của China International Capital Corporation (CICC) thông báo nguyên nhân ngắn hạn khác gây ra sự thiếu hụt chip do Huawei phải dự trữ chip trước giữa tháng 9 khi các nhà cung cấp của họ tuân thủ lệnh trừng phạt từ Mỹ.

Điều này càng trở nên trầm trọng hơn khi các đối thủ của Huawei như Xiaomi đang tìm cách giành thị phần bằng cách đẩy mạnh các đơn đặt hàng linh kiện, Huang Leping nói thêm.

Xiaomi và Huawei từ chối bình luận về chuyện này.

nguyen-nhan-thieu-chip-toan-cau1.jpg
Huawei phải dự trữ chip trước giữa tháng 9 vì các lệnh trừng phạt của Mỹ

Các nhà sản xuất điện tử như Panasonic và Yamaha cũng thông báo họ phải đối mặt với tình trạng thiếu chip làm chậm quá trình sản xuất thiết bị âm thanh và máy quay video sau vụ hỏa hoạn lớn vào tháng 10 gây hư hại một nhà máy chip thuộc sở hữu của Asahi Kasei Microdevices (AKM), đơn vị của Asahi Kasei Corp ở miền nam Nhật Bản.

Lo ngại xuất hiện nhiều hơn khi xảy ra các cuộc đình công tại nhà sản xuất chip STMicroelectronics ở Pháp.

Eric Potard, lãnh đạo Liên đoàn Lao động Dân chủ Pháp, cho biết cuộc đình công khiến hoạt động sản xuất của STMicroelectronics giảm khoảng 8%. Tuy nhiên, STMicroelectronics khẳng định việc đó không ảnh hưởng đến sản xuất.

Các nhà phân tích và các nguồn tin trong ngành nói nhu cầu tăng cao đồng nghĩa với việc các nhà máy 8 inch, có xu hướng sản xuất chip cũ hơn và kém tinh vi hơn, đang căng thẳng.

Theo dữ liệu của Trendforce, TSMC (Đài Loan) thống trị thị trường sản xuất chip theo hợp đồng, Samsung đứng thứ hai, tiếp theo là SMIC (Trung Quốc), GlobalFoundries (Mỹ) và UMC (Đài Loan).

Vấn đề chủ yếu nằm ở các xưởng đúc”, một nguồn tin ngành bán dẫn châu Âu cho biết, trong đó TSMC và GlobalFoundries có vẻ đang phải chịu áp lực.

Có vẻ như họ đang ở mức giới hạn khá nhiều”, nguồn tin cho hay.

Có khách hàng là Apple và Qualcomm, TSMC từ chối bình luận nhưng đề cập đến các nhận xét mà Chủ tịch Trương Trung Mưu đưa ra trong tuần này, mô tả năng lực sản xuất của họ là "eo hẹp".

Một phát ngôn viên của GlobalFoundries cho biết nhu cầu về chip đang tăng lên trên diện rộng và được đẩy nhanh bởi đại dịch coronavirus.

Một quan chức tại DB Hitek, công ty Hàn Quốc sản xuất chip cho Apple sử dụng trong iPad, tiết lộ các nhà máy 8 inch của họ đã hoạt động hết công suất ít nhất trong 6 tháng tới, với nguồn cung khan hiếm dự kiến ​​cho đến nửa năm tới.

Mỹ đã đưa SMIC vào danh sách đen quốc phòng, làm trầm trọng thêm tình trạng khan hiếm nguồn cung chip. SMIC là hãng sản xuất chip lớn nhất của Trung Quốc nhưng phụ thuộc nhiều vào thiết bị từ các nhà cung cấp của Mỹ. Một số công ty Mỹ cần phải có giấy phép trước khi cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho SMIC.

DB Hitek, UMC và SMIC cho biết trong các tuyên bố gần đây rằng các nhà máy của họ hoạt động hết công suất trong quý 3/2020.

DB Hitek nói với Reuters: “Chúng tôi hy vọng hoạt động sản xuất của chúng tôi sẽ duy trì ổn định trong thời gian này”.

Nhân Hoàng