Ông Putin không ngại khi Mỹ phát triển vũ khí siêu thanh: ‘Nga làm được điều nước khác không thể’
Quốc tế - Ngày đăng : 23:00, 17/12/2020
Theo trang RT, ông Putin đã sử dụng cuộc họp báo cuối năm thường niên của mình để nhấn mạnh rằng Nga sẽ đảm bảo duy trì vị thế là cường quốc quân sự toàn cầu. Ông được hỏi liệu nếu Moscow và Washington không gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược mới trước khi hết hạn vào tháng 2 tới thì điều đó có báo hiệu sự kết thúc của một thỏa thuận ngừng bắn giữa hai nước hay không.
“Cuộc chạy đua vũ trang đã bắt đầu. Sau khi Mỹ rút khỏi hiệp ước phòng thủ hạt nhân, đó chính xác là những gì đã xảy ra", Tổng thống Vladimir Putin trả lời.
Ông Putin nói thêm: “Mỹ đang xây dựng một chiếc ô để bảo vệ chính mình. Bạn phải có hệ thống phòng thủ tên lửa hoặc vũ khí không thể bị cản trở bởi phòng thủ tên lửa. Điều đó đã xảy ra với vũ khí siêu thanh, bao gồm cả tên lửa siêu thanh Avangard”.
Tổng thống Putin tiết lộ Avangard, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa - một trong những loại vũ khí tiên tiến nhất, vào năm 2018. Thời điểm đó, ông Putin nói với các nhà báo rằng tên lửa siêu thanh đã được phát triển “để đáp lại việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa chiến lược trong tương lai, có khả năng hầu như vô hiệu hóa, loại bỏ tất cả tiềm năng hạt nhân của Nga".
Năm 2001, Mỹ tuyên bố rút khỏi Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo dưới thời Tổng thống George W. Bush. Kể từ đó, các nhà phân tích đã bày tỏ lo ngại về những phát triển công nghệ của Mỹ, vì nếu thành công thì có thể tạo ra một tình huống mà Mỹ triển khai vũ khí của mình mà không sợ bị trả đũa.
Vào cuối sự kiện hôm 17.12, Tổng thống Putin cũng tiết lộ rằng tên lửa siêu thanh 3M22 Zircon, nhắm mục tiêu vào tàu bè, đã sẵn sàng cho nhiệm vụ chiến đấu đã được thử nghiệm.
“Với cuộc chạy đua vũ trang, Nga đứng ở vị trí thứ sáu về tài trợ cho quân đội và chúng tôi có thể làm được những điều mà những nước khác không thể. Điều đó chỉ có thể thực hiện được nhờ vào khối óc và tài năng của con người chúng ta", ông nói thêm.
Nga chi hơn 65 tỉ USD mỗi năm cho các lực lượng vũ trang của mình và phần lớn ngành công nghiệp quốc phòng, nơi xuất khẩu hàng sang các nước trên thế giới, đã được quốc hữu hóa một cách hiệu quả.
Quốc hữu hóa là việc đưa các tài sản từ sở hữu tư nhân thành sở hữu nhà nước. Đây là quyết định đơn phương quyền lực của nhà nước với các tài sản. Việc quốc hữu hóa có thể kèm theo đền bù kinh phí, hoặc không đền bù gì cả, lúc đó còn gọi là tịch thu hay sung công.
Trung Quốc lo ngại khi Mỹ và Úc hợp tác phát triển tên lửa siêu thanh
Hôm 1.12, Bộ trưởng Quốc phòng Úc - Linda Reynolds thông báo sẽ hợp tác với Mỹ phát triển tên lửa hành trình siêu thanh.
“Đầu tư nâng cao năng lực ngăn chặn những hành động chống lại Úc cũng mang lại lợi ích cho khu vực, cho đồng minh lẫn cho đối tác của chúng tôi. Chúng tôi cam kết giữ gìn hòa bình và ổn định trong khu vực cũng như một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cởi mở, hòa nhập và thịnh vượng”, bà Reynolds phát biểu nhưng không tiết lộ chi phí phát triển tên lửa hay lộ trình cụ thể.
Quyền Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ - Michael Kratsios đánh giá dự án hợp tác rất cần thiết với tương lai nghiên cứu và phát triển vũ khí siêu thanh, đảm bảo Mỹ cùng đồng minh dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực này.
Tên lửa siêu thanh có khả năng bay ở tốc độ gấp hơn 5 lần vận tốc âm thanh, tức hơn 6.100 km/h nên khó bị bị theo dõi và đánh chặn.
Úc trong năm nay dành ra đến 6,8 tỉ USD cho công tác phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa tầm xa tốc độ cao, gồm cả nghiên cứu vũ khí siêu thanh.
Vào tháng 7, Úc từng tuyên bố tăng chi tiêu quốc phòng lên 40% trong 10 năm tới nhằm đạt năng lực tấn công tầm xa trên biển, trên không lẫn trên bộ do trọng tâm quân sự mở rộng từ Thái Bình Dương lên Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Trong buổi họp báo hôm 3.12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc - Hoa Xuân Oánh nói Bắc Kinh lo ngại về tác động gây mất ổn định của Canberra với an ninh khu vực.
Bà Hoa Xuân Oánh trả lời các câu hỏi về mối quan hệ hợp tác mới giữa Mỹ với Úc để phát triển và thử nghiệm tên lửa hành trình siêu thanh phóng trên không.
Hai đồng minh đã công bố thỏa thuận trong chương trình thử nghiệm nghiên cứu chuyến bay tích hợp Southern Cross song phương (hay SCIFiRE) hôm 30.11.
Bà Hoa Xuân Oánh khẳng định Mỹ dẫn đầu việc phát triển vũ khí siêu thanh trong những năm gần đây và chịu trách nhiệm về việc gia tăng động lực của cuộc chạy đua vũ trang với Trung Quốc và Nga, có tác động nghiêm trọng đến sự ổn định chiến lược.
“Úc theo sát tốc độ của Mỹ, dựa vào cái gọi là 'lý thuyết mối đe dọa Trung Quốc' và 'lý thuyết mối đe dọa Nga' để bào chữa cho việc mở rộng vũ khí của mình, điều này đã gây thêm các yếu tố bất ổn cho an ninh của khu vực và thế giới. Trung Quốc lo ngại về điều này”, bà Hoa Xuân Oánh nói.
Bà Hoa Xuân Oánh tuyên bố Trung Quốc luôn theo đuổi chính sách phòng thủ an ninh quốc gia và không có bất kỳ ý định nhắm vào Úc hay tham gia vào cuộc chạy đua vũ trang với họ.
“Việc phát triển sức mạnh quân sự của chúng tôi không hướng vào bất kỳ quốc gia cụ thể nào. Chúng tôi không có chiến lược và kế hoạch tác chiến toàn cầu như Mỹ, cũng như không có ý định nhắm vào Úc, chưa nói đến cuộc chạy đua vũ trang với các nước khác”, Hoa Xuân Oánh lưu ý.
Hoa Xuân Oánh kết luận bằng cách thúc giục Úc xem xét lại các lợi ích an ninh của riêng mình và làm nhiều hơn nữa để tăng cường sự tin cậy lẫn nhau trong khu vực.