Bỏ quy định người đẹp đi thi quốc tế phải có danh hiệu trong nước

Văn hóa - Ngày đăng : 12:13, 18/12/2020

Điểm mới nhất của nghị định mà Thủ tướng ban hành thì các người đẹp đi thi quốc tế không còn cần danh hiệu trong nước và cũng không còn khái niệm "ca khúc trước năm 1975".

Theo Nghị định 144 về Nghệ thuật biểu diễn mới ban hành, từ ngày 1.2.2021, các thí sinh thi người đẹp, hoa hậu quốc tế sẽ không cần danh hiệu trong nước. Với nhiều điểm mới, được đánh giá là tiến bộ, nghị định 144 quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành hôm 14.12 vừa qua chính thức có hiệu lực từ 1.2.2021.

Nghị định mới bỏ hoàn toàn việc dùng từ "cấp phép" vốn gây dị ứng về sự kiểm duyệt của cơ quan nhà nước với hoạt động văn hóa văn nghệ, được thay bằng từ "văn bản chấp thuận". Cụ thể, tại Mục 5 - dự thi người đẹp, người mẫu ở nước ngoài, nghị định nêu rõ 3 điều kiện. Theo đó, cá nhân thi quốc tế phải có giấy mời của tổ chức, cá nhân tổ chức cuộc thi.

906-nguyent-hi-thanh-2-5951-14-7875-2955-1608205379.jpg
Người đẹp Nguyễn Thị Thành từng bị phạt vì đi thi nhan sắc ở Ai Cập không có giấy phép năm 2017

Người dự thi không trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, không có án tích hoặc không phải là người đang bị buộc tội theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự. Cuối cùng, cá nhân không trong thời gian bị đình chỉ hoạt động biểu diễn nghệ thuật theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Khi đã đáp ứng đủ 3 tiêu chuẩn trên, cá nhân phải làm hồ sơ và gửi đến cơ quan quản lý. Thành phần hồ sơ gồm, tờ khai về việc ra nước ngoài dự thi người đẹp, người mẫu, phiếu lý lịch tư pháp số 1, bản sao giấy mời dự thi kèm theo bản dịch tiếng Việt có chứng thực chữ ký người dịch.

Nghị định cũng nêu rõ cá nhân Việt Nam ra nước ngoài dự thi người đẹp, người mẫu phải thực hiện thủ tục đề nghị cơ quan chuyên môn về văn hóa thuộc Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh nơi cá nhân cư trú cấp văn bản xác nhận dự thi người đẹp, người mẫu ở nước ngoài. Nghị định mới yêu cầu những cá nhân không thực hiện đúng thủ tục thì không được sử dụng danh hiệu khi hoạt động nghệ thuật biểu diễn ở Việt Nam.

Các chương trình biểu diễn nghệ thuật sẽ tổ chức ở đâu thì xin giấy phép (trong dự thảo được thay bằng từ "văn bản chấp thuận") ở đó, gồm cả các chương trình có sự tham gia của nghệ sĩ Việt kiều đang cần xin cấp phép của Cục Nghệ thuật biểu diễn.

Một chương trình biểu diễn khi được diễn ở các tỉnh thành khác nhau sẽ phải xin phép địa phương đó, nên có khả năng tỉnh này cấp phép nhưng tỉnh khác lại từ chối. Ông Nguyễn Quang Vinh - Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn giải thích quy định "diễn ở đâu xin phép ở đó sẽ giúp tránh tình trạng địa phương phải bắt buộc tiếp nhận thứ không hợp với địa phương".

Như vậy, có thể thấy quy định thi sắc đẹp đã được nới lỏng hơn. Trước đây, để đủ điều kiện được cấp phép đi thi quốc tế, thí sinh cần phải đạt thành thích top 3 (có danh hiệu) của một cuộc thi trong nước. Trong quá khứ, nhiều cá nhân đã đi thi "chui" và sau đó phải nộp phạt khi về nước.

Cũng theo đó, đối với cuộc thi người đẹp, người mẫu quốc tế tổ chức tại Việt Nam, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch xem xét quyết định nhưng mỗi năm không quá 2 cuộc thi. Cục Nghệ thuật biểu diễn sẽ tổ chức lấy ý kiến nghệ sĩ, doanh nghiệp, nhà quản lý tại TP.HCM, tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo.

Bên cạnh đấy, điểm mới nữa được đông đảo dư luận hoan nghênh đó chính là sự thay đổi trong Nghị định 79 về các khái niệm tác phẩm âm nhạc sáng tác trước năm 1975 tại các tỉnh phía Nam (hay còn được gọi là các ca khúc trước 1975) sẽ không còn những quy định buộc cấp phép riêng đối với ca khúc trước năm 1975 nữa.

Cục Nghệ thuật biểu diễn sẽ không "ôm" quyền công bố danh sách bài hát được phép phổ biến nữa, mà tất cả ca khúc sáng tác ở các thời điểm khác nhau đều bình đẳng như nhau, quyền công bố tác phẩm thuộc về tác giả, chỉ cần tuân thủ các quy định như: không có nội dung chống phá nhà nước, xuyên tạc lịch sử, chủ quyền, xúc phạm vĩ nhân, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt chủng tộc, kích động bạo lực, trái thuần phong mỹ tục... ,

Theo quy định cũ, công dân muốn ra nước ngoài dự thi người đẹp, người mẫu phải đạt danh hiệu chính tại các cuộc thi sắc đẹp trong nước. Người đi thi phải có một tổ chức trong nước đại diện làm thủ tục đề nghị Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp giấy phép.
Trước đây, nhiều người ra nước ngoài dự thi và đoạt giải, nhưng khi về nước đều bị xử phạt. Nguyễn Thị Thành bị phạt 22,5 triệu vì thi nhan sắc ở Ai Cập năm 2017. Năm 2014, Diệu Linh không có giấy phép dự thi Hoa hậu Du lịch Quốc tế (tiền thân của Hoa hậu Đông Nam Á). Dù đoạt giải cao nhất, khi trở về, cô chịu phạt 22,5 triệu đồng. Người đẹp Phan Hoàng Thu cũng bị phạt 15 triệu đồng vì "thi chui" tại cuộc thi này.

Dạ Thảo