Cơ sở hạt nhân của Iran 'có động tĩnh'

Chuyển động - Ngày đăng : 15:26, 18/12/2020

Ảnh vệ tinh đăng tải bởi hãng tin AP cho thấy tại cơ sở hạt nhân Fordo của Iran đang diễn ra hoạt động xây dựng.

Hoạt động xây dựng bắt đầu từ cuối tháng 9 ở phía tây bắc cơ sở Fordo – cách thành phố Qom 90 km về hướng tây nam. Ảnh vệ tinh do Maxar Technologies cung cấp hiển thị phần móng công trình với hàng chục cây cột. Công trình được xây sâu bên trong núi nhằm tránh bị không kích, nằm gần hàng loạt tòa nghiên cứu - phát triển và hỗ trợ khác.

Đầu tuần qua đã có tài khoản tên Observer IL đăng một bức ảnh công trình xây dựng tại cơ sở Fordo, dẫn nguồn là Viện nghiên cứu Hàng không vũ trụ Hàn Quốc.

Khi hãng AP liên hệ xác minh, Observer IL tự nhận là quân nhân Israel về hưu. Viện nghiên cứu Hàng không vũ trụ Hàn Quốc xác nhận ảnh do họ chụp.

1000.jpeg
Ảnh chụp cơ sở hạt nhân Fordo ngày 11.12 - Ảnh: Maxar

Dù chưa rõ công trình đang xây phục vụ mục đích gì, nhưng bất cứ động tĩnh nào tại cơ sở Fordo cũng sẽ bị xem như dấu hiệu chứng minh Iran vẫn tiếp tục triển khai chương trình hạt nhân. Phái đoàn Iran tại Liên hợp quốc và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đều chưa đưa ra bình luận gì về thông tin của hãng AP.

Iran có 2 cơ sở làm giàu nhiên liệu uranium ở Natanz (xây ngầm) và Fordow (nằm trong núi).

Thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 cho phép cơ sở Natanz tiếp tục hoạt động một cách hạn chế, còn Fordow chuyển thành “trung tâm hạt nhân, vật lý và công nghệ” phục vụ chức năng khác chẳng hạn như sản xuất đồng vị ổn định.

Kể từ lúc quan hệ với phương Tây xấu đi do Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận vào năm 2018, chính quyền Tehran lần lượt phá bỏ từng giới hạn. Giữa tháng 11 năm nay IAEA phát hiện Iran lắp đặt thêm máy ly tâm tân tiến tại cơ sở Natanz.

Tới đầu tháng 12 thì xảy ra vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân Mohsen Fakhrizadeh. Hội đồng Giám hộ Iran thông qua đạo luật yêu cầu chính quyền nước này ngừng hoạt động thanh sát của Liên hợp quốc và đẩy mạnh nỗ lực làm giàu uranium nếu các cường quốc châu Âu ký thỏa thuận hạt nhân 2015 (Anh, Pháp, Đức) không tìm cách nới lỏng trừng phạt trong vòng 2 tháng.