Tìm ra nguồn gốc của 100 chiếc ngà voi từ xác tàu đắm thế kỷ 16
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 16:45, 18/12/2020
Gần 500 năm trước, một tàu buôn Bồ Đào Nha mang tên Bom Jesus, chở 40 tấn hàng bao gồm vàng, bạc, đồng và hơn 100 chiếc ngà voi, đã bị chìm ngoài khơi bờ biển châu Phi gần Namibia ngày nay. Con tàu được tìm thấy năm 2008 ở một mỏ kim cương ven biển. Số ngà voi được phát hiện trong khoang ở tầng thấp hơn của con tàu, phía dưới số hàng hóa nặng bằng đồng.
Nhà nghiên cứu Alida de Flamingh tại Đại học Illinois cho biết: “Khi con tàu bị chìm, các thỏi kim loại đẩy ngà voi xuống đáy biển, ngăn chặn rất nhiều sự xói mòn vật lý do dòng nước. Ngoài ra, dòng nước cực lạnh ở khu vực ven biển Namibia có thể cũng giúp bảo tồn DNA trong những chiếc ngà voi”.
Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Current Biology, các nhà khoa học đã xác định được nguồn gốc của phần lớn ngà voi thu được từ con tàu. Họ đã sử dụng nhiều kỹ thuật khác nhau để xác định loài voi, nguồn gốc địa lý và môi trường sống của chúng trước khi bị giết để lấy ngà.
Nhóm nghiên cứu ở Namibia, Nam Phi, Mỹ và Anh đã chiết xuất DNA từ 44 chiếc ngà. Bằng cách phân tích trình tự gien khác nhau giữa voi rừng châu Phi và voi xavan, các nhà khoa học xác định rằng tất cả số ngà mà họ phân tích đều thuộc về voi rừng.
Một cuộc kiểm tra sâu hơn về DNA ty thể, vốn chỉ được truyền từ mẹ sang con, đã đưa ra nguồn gốc địa lý chính xác hơn của chúng. Theo đó, 44 chiếc ngà đều của voi sống ở Tây Phi và không có chiếc nào có nguồn gốc từ Trung Phi.
Kết quả kiểm tra này đã hé lộ tác động tàn phá mà nạn buôn bán ngà voi gây ra đối với quần thể voi. Trên xác tàu đắm, nhóm nghiên cứu quốc tế cũng tìm thấy bằng chứng di truyền của 17 đàn voi riêng biệt. Ngày nay, chỉ có 4 đàn voi trong số đó còn sống sót ở châu Phi.
Alfred Roca, giáo sư khoa học động vật tại Đại học Illinois, nói: “Các đàn voi khác đã biến mất vì Tây Phi đã mất hơn 95% số voi trong những thế kỷ tiếp theo do nạn săn bắn và phá hủy môi trường sống”.
Để tìm hiểu thêm về môi trường sinh sống của loài voi, nhà khảo cổ Ashley Coutu của Bảo tàng Oxford Pitt Rivers đã phân tích các đồng vị cacbon và nitơ của 97 ngà voi. Phân tích này cho thấy rằng những con voi sống trong môi trường sống hỗn hợp, chuyển từ khu vực rừng sang xavan vào các mùa khác nhau nhằm để thích nghi với nguồn nước sẵn có.
“Dữ liệu này giúp chúng tôi hiểu được hệ sinh thái của loài voi rừng Tây Phi trong lịch sử và hữu ích trong việc bảo tồn động vật hoang dã ngày nay”, Ashley Coutu nhận định.