Vì sao cần thêm một cấp 'chính quyền vùng' ở Đồng bằng sông Cửu Long?

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 11:23, 19/12/2020

Cần có một cấp chính quyền vùng (dưới cấp quốc gia nhưng trên cấp tỉnh), có quyền lực về tài khóa, quy hoạch, nhân sự, theo đuổi lợi ích chung cho toàn vùng, không bị chi phối bởi lợi ích cục bộ.

Tụt hậu ngày càng xa

Báo cáo kinh tế thường niên về Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright (Đại học Fulbright Việt Nam) thực hiện, nhận định vùng này đang trải qua một loạt những thách thức lớn nhất trong lịch sử hình thành và phát triển của mình.

Nhóm thách thức thứ nhất liên quan tới đất, nước và môi trường. Hiện nay, tài nguyên nước ở ĐBSCL đối diện với năm thử thách thường xuyên, trong đó có hai vấn đề về số lượng nước (ngập lụt, hạn hán) và ba vấn đề về chất lượng nước (suy giảm phù sa, nhiễm mặn, ô nhiễm nước).

Tình trạng khó khăn này đang có xu thế gia tăng do tác động đồng thời của biến đổi khí hậu, vận hành hồ chứa - thủy điện ở thượng nguồn, gia tăng tình trạng phá rừng, thay đổi sử dụng đất, đô thị hoá, thu hẹp các khu đất ngập nước tự nhiên…

dbscl-2.jpg
ĐBSCL đối mặt với nhiều thách thức từ tự nhiên

Với sản xuất lúa, cần phải có những điều chỉnh lịch thời vụ kịp thời, nghiên cứu tìm ra các giống lúa mới. Các biện pháp như ngăn mặn, giữ ngọt, khai thác nước ngầm, khai thác các nguồn năng lượng tái tạo… cần được thực hiện theo nguyên tắc “không hối tiếc”.

Về cơ sở hạ tầng, giao thông là nhân tố quan trọng nhất trong động lực phát triển của các địa phương kém phát triển. Tuy nhiên, cả ĐBSCL chỉ có 45km đường cao tốc, chiếm khoảng 3% chiều dài đường cao tốc của cả nước.

Thách thức lớn nữa là về nhân khẩu học, số lượng và chất lượng lao động. ĐBSCL có tỷ suất di cư thuần cao nhất cả nước, chủ yếu là do tình trạng thiếu cơ hội việc làm và cơ hội kinh tế tại địa phương. Từ 2017, lần đầu tiên ĐBSCL ghi nhận sự suy giảm tuyệt đối về dân số.

Không chỉ thiếu lao động, chất lượng nguồn nhân lực của ĐBSCL từ lâu luôn là vùng trũng của cả nước nhưng vẫn chưa được khắc phục.

Trong khi các động lực tăng trưởng kinh tế truyền thống chính của vùng ĐBSCL như lúa và thủy hải sản đang có dấu hiệu đạt ngưỡng tới hạn thì các động lực tăng trưởng mới vẫn còn yếu ớt, thậm chí chưa thành hình.

Đây là lý do chính khiến các tỉnh ở ĐBSCL trăn trở với bài toán chuyển đổi cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng nhưng chưa tìm được câu trả lời thỏa đáng.

Thách thức này càng trở nên bức xúc khi ĐBSCL tụt hậu ngày càng xa so với vùng Đông Nam Bộ, thậm chí cảm nhận mình bị “bỏ rơi” trong sự phát triển chung của cả nước.

Hơn nữa, những bước tiến mới về khoa học – công nghệ như internet vạn vật và dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo… sẽ thay đổi một cách cơ bản cách con người sống, làm việc, sản xuất… Là một “vùng trũng” về công nghệ, những cú sốc này sẽ tạo ra nhiều thách thức to lớn cho ĐBSCL.

Mô hình phát triển nào cho ĐBSCL?

Báo cáo cho rằng mô hình phát triển mới của ĐBSCL không chỉ tập trung vào tăng trưởng kinh tế, mà quan trọng hơn, phải tạo ra được sự phát triển toàn diện về kinh tế – xã hội – văn hóa – giáo dục – môi trường cho vùng. Sự phát triển này phải bền vững.

Theo đó, thay bằng việc đi theo lối mòn truyền thống, các tỉnh ĐBSCL cần kiến tạo môi trường và điều kiện cần thiết để người dân, doanh nghiệp và chính quyền cùng nhau tìm ra những giải pháp, lối đi mới cho bài toán phát triển của mình.

dbscl.jpg
Thay đổi cách làm nông nghiệp

Trong dài hạn, nông nghiệp truyền thống không thể là nền tảng phát triển kinh tế và ổn định xã hội cho vùng. Vì vậy, ĐBSCL phải chuyển đổi nông nghiệp một cách cơ bản, trong đó then chốt là phải phát triển nền kinh tế nông nghiệp hiện đại thay cho nền sản xuất nông nghiệp truyền thống.

Cụ thể là thị trường hóa hoạt động nông nghiệp, gắn với thị trường để ổn định đầu ra công nghiệp hóa và công nghệ hóa nông nghiệp để tăng năng suất, chất lượng; dịch vụ hóa nông nghiệp để tăng cường chuyên môn hóa, cải thiện hiệu quả nông nghiệp thích ứng với môi trường và khí hậu để phát triển bền vững.

Nền nông nghiệp cần chuyển sang ưu tiên chất lượng thay cho số lượng, cạnh tranh nhờ giá trị cao thay cho giá cả thấp. Tổ chức và chính sách nông nghiệp cần theo định hướng cụm ngành, chuỗi giá trị thay vì phân tán và cục bộ như hiện nay.

Về cơ cấu nông nghiệp, trong dài hạn, ĐBSCL cần chuyển đổi thứ bậc cơ cấu từ lúa gạo – thủy sản – trái cây sang thủy sản – trái cây – lúa gạo, trước tiên thông qua việc thay đổi tư duy về nguồn lực của đồng bằng.

Trong đó không chỉ coi trọng nước ngọt (phục vụ cho lúa gạo và trái cây) mà phải thấu hiểu nước mặn và nước lợ là các nguồn tài nguyên quý báu không chỉ cho hoạt động nuôi trồng thủy sản trong đất liền mà còn cho việc phát triển các nguồn lợi thủy sản ven biển.

Trong ngắn và trung hạn, du lịch rất quan trọng trong việc cải thiện công ăn việc làm, thu nhập cho người dân và hình ảnh của ĐBSCL. Thay cho phát triển du lịch theo lối mòn truyền thống, các tỉnh nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung cần tìm ra những mô hình phát triển du lịch mới mẻ.

Công nghiệp của ĐBSCL nên gắn bó một cách hữu cơ và trở thành bệ đỡ cho phát triển kinh tế nông nghiệp của vùng và cần hạn chế tối đa các ngành công nghiệp ô nhiễm.

Với các ngành truyền thống (lúa gạo, thủy sản, trái cây, du lịch) và các ngành tiềm năng (năng lượng tái tạo hay logistics), cần áp dụng cách tiếp cận cụm ngành và chuỗi giá trị, hướng đến các chỉ tiêu hiệu quả sau cùng như tạo công ăn việc làm, thu nhập của người lao động và đóng góp ngân sách cho địa phương.

Trong nỗ lực này, doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp đóng vai trò then chốt. Chính quyền địa phương đóng vai trò hỗ trợ, tạo các điều kiện về môi trường kinh doanh và các thể chế hỗ trợ để nông dân và doanh nghiệp có thể liên kết với nhau.

3 nút thắt phát triển

ĐBSCL đang gặp nút thắt ở kết cấu hạ tầng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông. Vì vậy, thay bằng việc mỗi tỉnh đơn phương vận động để xin trung ương sân bay hay cảng nước sâu cho riêng mình thì cả 13 địa phương cần đồng lòng kiến nghị trung ương xây dựng bằng được hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông thông suốt, đồng bộ, chất lượng để kết nối với nhau và với vùng Đông Nam Bộ.

Theo đó, phát triển trục đường cao tốc nối liền TP.HCM đến tận Cà Mau cần phải trở thành ưu tiên chiến lược hàng đầu của toàn vùng trong thời gian tới.

dbscl-4.jpg
Cần đầu tư phát triển hệ thống giao thông

Thực tế, trung ương đã chi rất nhiều tiền để đầu tư vào các dự án khổng lồ như các đại dự án thủy lợi chuyển nước ngọt từ sông Hậu đến Quản Lộ - Phụng Hiệp, hệ thống đê bao ngăn lũ, nhiệt điện than… Nếu những khoản đầu tư này được cân nhắc thấu đáo hơn, ưu tiên cho cơ sở hạ tầng giao thông trọng yếu thì đến nay ĐBSCL đã có một hệ thống đường bộ phát triển.

Nút thắt thứ hai ở ĐBSCL là nguồn nhân lực. ĐBSCL phải thiết kế chính sách tạo động cơ đi học, khắc phục tư duy ngắn hạn và việc theo đuổi lợi ích trước mắt khiến các gia đình cho con cái bỏ học sớm từ cấp THCS và PTTH.

Cơ chế - chính sách là nút thắt thứ ba cản trở sự phát triển của ĐBSCL. Báo cáo này nhấn mạnh ba khuyến nghị về đất, nước và cơ chế điều phối vùng.

Về đất, chính sách đất đai cần được thiết kế lại theo hướng tạo thị trường đất linh hoạt hơn, tăng khả năng chuyển dịch đất nông nghiệp trong phạm vi các lĩnh vực và đối tượng sản xuất nông nghiệp sao cho đất nông nghiệp có thể được sử dụng hiệu quả nhất.

Về nước, coi tất cả các nguồn nước – nước ngọt, nước mặn, nước lợ, nước ngầm, nước mặt đều là tài nguyên quý báu để có chính sách quản lý, sử dụng, bảo vệ một cách phù hợp.

Chỉ trên cơ sở bảo vệ được tài nguyên đất và nước thì ĐBSCL mới có thể gìn giữ không gian sinh tồn của mình, nhờ đó phát triển cộng đồng và bảo tồn văn hóa và tôn giáo truyền thống hết sức đặc sắc của vùng.

dbscl-3.jpg
Cần thêm một cấp chính quyền vùng

Bên cạnh đó, cần có một cấp chính quyền vùng (dưới cấp quốc gia nhưng trên cấp tỉnh), có quyền lực về tài khóa, quy hoạch và nhân sự. Khi ấy, chính quyền vùng sẽ ở vị trí và có động cơ theo đuổi lợi ích chung cho toàn vùng chứ không bị chi phối bởi lợi ích có tính cục bộ của từng địa phương riêng biệt, đồng thời vùng trở thành đơn vị hành chính đủ lớn để có thể phát triển kết cấu, hạ tầng kinh tế hoàn chỉnh và hiện đại.

Lam Thanh