6 sự kiện KH-CN nổi bật ở Việt Nam năm 2020
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 16:30, 20/12/2020
Tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho 3 người Việt Nam đầu tiên
Sáng 17.12, Học viện Quân y chính thức tiêm thử nghiệm vắc-xin ngừa COVID-19 NanoCovax (sản phẩm do Công ty Nanogen sản xuất) cho 3 tình nguyện viên. 3 người này được chọn trong số 60 tình nguyện viên (tuổi từ 18-50) tham gia thử nghiệm trong giai đoạn 1.
Ðây là vắc xin COVID-19 đầu tiên của Việt Nam được đưa vào tiêm thử nghiệm trên người. Trên cơ sở kết quả theo dõi đánh giá 72 giờ sau khi tiêm vắc xin trên 3 người này mới quyết định mức liều và số người tham gia tiếp theo.
TS Nguyễn Ngô Quang - Phó cục trưởng Cục KH-CN và Ðào tạo (Bộ Y tế) cho biết tất cả những người tham gia nghiên cứu giai đoạn một sẽ được tiêm bắp hai mũi vắc xin COVID-19, khoảng cách giữa hai mũi tiêm là 28 ngày. Thời gian nghiên cứu cho mỗi người tham gia là khoảng 56 ngày, để đánh giá mục tiêu nghiên cứu và theo dõi đến tháng thứ 6 kể từ liều tiêm đầu tiên. Ðến tháng 3.2021, thử nghiệm giai đoạn hai; tháng 8.2021, thử nghiệm giai đoạn ba từ 3.000 đến 4.000 người hoặc mở rộng đến 10.000 người.
Sau khi tiêm thử nghiệm, các tình nguyện viên sẽ tiếp tục được theo dõi tại địa phương, nơi cư trú trong 56 ngày. Tất cả các tình nguyện viên đã được mua bảo hiểm sức khỏe.
Chế tạo robot trong thời gian ngắn
Trước đó, theo đặt hàng từ Bộ KH-CN, Việt Nam đã chế tạo thành công 2 robot, bao gồm robot lau sàn khử khuẩn phòng bệnh NaRoVid1 và robot vận chuyển trong các khu vực cách ly Vibot-1a. Đặc biệt, 2 robot này đều được nghiên cứu, chế tạo trong khoảng thời gian ngắn (hơn 2 tuần).
Cụ thể, Vibot phiên bản 1a đã được chế tạo và có thể thuần thục việc đảm nhận nhiệm vụ tự động vận chuyển thức ăn, thuốc men, nhu yếu phẩm… từ ngoài vào các buồng bệnh; vận chuyển rác thải sinh hoạt, rác thải y tế, đồ giặt… từ buồng bệnh ra khu tập kết và hỗ trợ giao tiếp từ xa giữa nhân viên y tế và bệnh nhân.
Trong khi đó, robot NaRoVid1có thể chứa tối đa 10 lít dung dịch khử khuẩn trong một lần hoạt động và làm việc liên tục trong vòng 2 giờ.
Nhờ được gắn các cảm biến, robot có thể tự động di chuyển, tránh mọi vật cản trên đường đi. Với thiết kế đặc biệt, robot NaRoVid1 có thể dễ dàng đi vào dưới giường bệnh, đi vào mọi ngóc ngách của phòng bệnh để vệ sinh và khử khuẩn một cách sạch sẽ. Đặc biệt, NaRoVid1 có thể khử khuẩn chính mình trước khi đi ra khỏi phòng cách ly. Đây là một tính năng mới, đảm bảo đúng quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn.
2 nhà khoa học Việt đầu tiên nhận giải thưởng Noam Chomsky
Năm 2020, PGS.TS Trần Xuân Bách và PGS.TS Trần Thị Lý là 2 người Việt vinh dự nhận được giải thưởng Noam Chomsky.
PGS.TS Trần Xuân Bách (SN 1984) là Phó trưởng bộ môn Kinh tế Y tế của Trường ĐH Y Hà Nội. Từ năm 2015, PGS.TS Trần Xuân Bách là đồng chủ tịch Mạng lưới Đổi mới Y tế Toàn cầu nhằm thúc đẩy các đổi mới, nghiên cứu và xuất bản hướng tới sức khỏe bền vững. Anh được bầu vào Hội đồng điều hành Viện Hàn lâm Khoa học trẻ toàn cầu, thuộc Viện Hàn lâm quốc gia Đức (Leopoldina) vào năm 2018.
PGS.TS Trần Xuân Bách cũng là một trong những PGS trẻ tuổi nhất Việt Nam, gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2016, là Ủy viên BCH Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam.
Người thứ 2 vinh dự nhận giải thưởng là PGS.TS Trần Thị Lý (SN 1975), công tác tại Khoa Nghệ thuật và Giáo dục, Đại học Deakin, Úc. Trước đó, chị từng là giảng viên của Đại học Huế.
PGS.TS Trần Thị Lý có nhiều nghiên cứu liên quan đến Việt Nam, đặc biệt là các nội dung đổi mới giáo dục đại học Việt Nam nhìn từ phương diện quốc tế; mối tương quan giữa chương trình giáo dục đại học và thị trường lao động; khả năng làm việc của sinh viên mới tốt nghiệp; quốc tế hóa giáo dục đại học Việt Nam...
Tổng số tiền quan tâm đầu tư khoảng 14 triệu USD tại Techfest Vietnam 2020
Techfets Vietnam 2020 được tổ chức từ ngày 26 – 29.11 tại Trường đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội với chủ đề “Thích ứng - Chuyển đổi – Bứt phá” đã thể hiện được tinh thần và nghị lực của cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đặc biệt trong thời điểm bị ảnh hượng bởi đại dịch COVID-19.
Theo thống kê của Bộ KH-CN về hoạt động kết nối đầu tư, số phiên kết nối là trên 120 cuộc với tổng số tiền quan tâm đầu tư khoảng 14 triệu USD. Dù được diễn ra trong bối cảnh COVID-19 nhưng theo Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Văn Tùng, sự quan tâm của các nhà đầu tư không hề giảm đi, cơ hội và nguồn lực dành cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vẫn tiếp tục phát triển.
Techfest Vietnam 2020 đã cho thấy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo từng bước hội nhập quốc tế nhưng cũng đặt ra nhiều thử thách lớn. Tuy nhiên theo Thứ trưởng Bộ KH-CN, với sự quan tâm của Chính phủ, các nhà đầu tư sẽ là cơ sở giúp hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển một cách bền vững.
Việt Nam đón ‘kỳ lân’ thứ 2
Theo báo cáo kinh tế số E-Conomy SEA năm 2020, VNPay chính thức trở thành “kỳ lân” công nghệ thứ 2 tại Việt nam (sau VNG) - startup được định giá từ 1 tỉ USD trở lên.
VNPay vốn được nhiều người biết đến với mạng lưới thanh toán bằng mã QR, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Ứng dụng này hợp tác với 22 ngân hàng tại Việt Nam, bao gồm những nhà băng lớn như Agribank, Vietcombank, VietinBank và BIDV.
Thông qua các ứng dụng ngân hàng, VNPay thu hút hơn 15 triệu người dùng hoạt động hàng tháng với các chức năng như chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, đặt vé xe buýt và mua thực phẩm tươi sống hàng ngày.
Hệ thống đổi mới sáng tạo của Việt Nam có kết quả nổi bật
Trong bảng xếp hạng GII (Chỉ số Đổi mới sáng tạo) 2020, Việt Nam xếp hạng 42/131 quốc gia/nền kinh tế, duy trì thành công thứ hạng đã đạt được năm 2019, được các chuyên gia WIPO đánh giá là cao hơn so với trình độ phát triển hiện nay của Việt Nam. Năm 2019, Việt Nam xếp hạng 42/129 quốc gia/nền kinh tế.
Theo đánh giá của WIPO, năm 2020 hệ thống đổi mới sáng tạo (ĐMST) của Việt Nam có kết quả nổi bật về Trình độ phát triển của thị trường, xếp hạng 39, tăng 30 bậc từ vị trí 69 năm 2019. Trong đó, tiến bộ đáng chú ý là về liên kết ĐMST, với kết quả tốt hơn ở chỉ số Hợp tác Viện trường - doanh nghiệp (tăng 10 bậc, từ vị trí 75 lên 65) và chỉ số Quy mô phát triển của cụm công nghiệp (tăng 32 bậc, từ vị trí 74 lên 42). Năng lực Hấp thụ tri thức tăng 13 bậc so với năm 2019, xếp hạng 10 - là thế mạnh của Việt Nam nhờ sự dẫn đầu về Nhập khẩu CNC (hạng 4) và Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) (hạng 19).
Về đầu ra ĐMST, nhóm chỉ số Sáng tạo tri thức và Lan truyền tri thức có cải thiện tích cực so với năm 2019, trong đó nhóm chỉ số Lan truyền tri thức xếp hạng 14 được coi là thế mạnh của Việt Nam, nhờ sự dẫn đầu về Xuất khẩu công nghệ cao (hạng 2). Đặc biệt, chỉ số công bố bài báo khoa học và kĩ thuật đã tăng 13 bậc so với 2019, từ vị trí 74 lên 61...
Theo các chuyên gia của WIPO, trong bối cảnh các quốc gia/nền kinh tế khác luôn nỗ lực cải thiện kết quả ĐMST, chưa kể những biến động khó lường trên phạm vi toàn cầu đã và đang diễn ra trong thời gian qua, Việt Nam vượt qua thách thức, duy trì được thứ hạng 42, tiệm cận nhóm 40 quốc gia/nền kinh tế dẫn đầu như đã đạt được năm 2019 là một nỗ lực rất lớn.