3 bài học kinh tế quan trọng thời ông Trump dành cho Biden
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 16:00, 20/12/2020
Tài chính không nên quá an toàn
Với hàng triệu người thất nghiệp, đại dịch COVID-19 vẫn hoành hành và nền kinh tế Mỹ lại tăng trưởng chậm, giải pháp quan trọng nhất trong năm 2021 chính là phải tiếp tục tăng chi và không lo thâm hụt ngân sách.
Dù bị giới chuyên gia kinh tế đánh giá không đạt hiệu quả cao, nhưng chương trình cắt giảm thuế kết hợp chi tiêu mạnh tay năm 2018 của Tổng thống Trump cho thấy kích thích tài chính quy mô lớn không bắt buộc dẫn đến lạm phát.
Kinh tế Mỹ năm 2017 chỉ tăng trưởng hơn 2%, tỷ lệ thất nghiệp 4,1% - thấp hơn ước tính của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Fed do lo lắng lạm phát đã tăng lãi suất 3 lần trong năm.
Năm 2018, nền kinh tế được “bơm” 275 tỉ USD nhờ cắt giảm thuế. Tăng trưởng quả thực tăng lên gần 3% trước khi giảm còn 2,3% vào năm 2019. Lạm phát trong tháng 12.2018 ở mức 2,1% rồi giảm xuống 1,6% cuối năm 2019.
Lý thuyết kinh tế không hoàn toàn sai, song lạm phát dường như chỉ tăng nhẹ và tồn tại ngắn hạn. Những gì xảy ra năm 2018 chứng tỏ kích thích tài chính quy mô lớn không thể khiến lạm phát tăng sốc.
Không phải lúc “thắt lưng buộc bụng”
Thâm hụt lớn tạo ra bởi chương trình kinh tế cùng nỗ lực cứu trợ đại dịch của Tổng thống Trump không đem lại nguy hiểm ngay lập tức cho chi phí vay.
Mức thâm hụt đã tăng từ 665 tỉ USD (năm 2017) lên 985 tỉ USD (năm 2019) rồi 3.100 tỉ USD năm 2020. Nhưng lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm do Bộ Tài chính Mỹ phát hành giảm còn 0,92%.
Lý thuyết kinh tế truyền thống xác định các khoản vay lớn của chính phủ làm tăng chi phí vay, khiến đầu tư tư nhân khó tiếp cận. Tuy vậy phát hành trái phiếu doanh nghiệp lại cũng đạt mức kỷ lục, khi chênh lệch lãi suất đầu tư và nợ lãi cao chạm mức thấp kỷ lục.
Lãi suất tăng nhanh luôn là mối nguy, nhưng tình hình lạm phát đang yên ổn, Fed vừa cam kết thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng “nóng” nên giới chuyên gia kinh tế không mấy lo ngại. Với lãi suất cực thấp hiện tại, Tổng thống đắc cử Biden nên tiếp tục vay để duy trì mạng lưới an toàn, hỗ trợ tài chính cho phục hồi kinh tế.
Nỗ lực tạo việc làm
Hàng triệu lao động đang thất nghiệp vì đại dịch, vì máy móc tự động thay thế hoặc vì tự do thương mại. Một số chuyên gia kinh tế đã ghi nhận tác động nặng nề mà việc phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu Trung Quốc mang lại, điều chỉnh trên thị trường lao động (chẳng hạn như chuyển lao động sang lĩnh vực mới) lại quá chậm.
Tổng thống Trump trong thời gian tại nhiệm đã thành công trong việc tạo thêm nhiều việc làm. Tổng thống đắc cử Biden thời gian tới cần đầu tư vào những chương trình đào tạo, hệ thống trường cao đẳng cộng đồng, tăng chi tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng để nỗ lực tạo việc làm được duy trì.