'Hình phạt Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng là tương xứng với hành vi phạm tội'

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 09:30, 21/12/2020

Ngành tòa án cho biết đã xét xử nghiêm nhiều vụ án nghiêm trọng như vụ Nguyễn Văn Dương -Phan Sào Nam; Phan Văn Anh Vũ; Trịnh Xuân Thanh; Đinh La Thăng... với hình phạt các bị cáo là tương xứng với hành vi phạm tội.

Sáng 21.12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Hội nghị triển khai công tác tòa án năm 2021 của Tòa án nhân dân Tối cao (TANDTC).

toa-an.jpg
Bị cáo Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh trước tòa

Theo báo cáo của TANDTC, trong nhiệm kỳ, các tòa án đã thụ lý 2.433.631 vụ việc, đã giải quyết được 2.375.983 vụ việc, đạt tỉ lệ 97,6% (so với nhiệm kỳ trước, thụ lý tăng 624.551 vụ việc, đã giải quyết tăng 594.573 vụ việc).

Trong đó đã thụ lý 602.252 vụ việc, đã giải quyết được 544.604 vụ việc trong năm 2020, đạt tỷ lệ 90,4%. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan hằng năm đều dưới 1,5%, đạt chỉ tiêu đề ra.

Về xét xử các vụ án hình sự, bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật, không để xảy ra oan sai, kết án oan người không có tội. Các tòa án đã thụ lý 386.165 vụ với 650.546 bị cáo; đã giải quyết được 384.209 vụ với 641.616 bị cáo, đạt tỷ lệ 99,5% về số vụ và 98,6% về số bị cáo.

Đã xét xử nghiêm nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm như vụ án Nguyễn Văn Dương - Phan Sào Nam; Phan Văn Anh Vũ; Trịnh Xuân Thanh; Đinh La Thăng...

Hình phạt áp dụng cho các bị cáo tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội. Các tòa án cũng đã đưa ra xét xử kịp thời và tuyên án nghiêm khắc nhiều bị cáo vi phạm pháp luật liên quan đến phòng chống dịch bệnh COVID-19, tăng cường tính răn đe, góp phần tích cực vào công tác phòng chống dịch bệnh.

Về giải quyết các vụ án hành chính, các tòa án đã thụ lý 36.354 vụ, đã giải quyết được 32.466 vụ, đạt tỉ lệ 89,3%, vượt chỉ tiêu nghị quyết của Quốc hội đề ra.

Các tòa án đã chú trọng việc tổ chức đối thoại giữa người khởi kiện và người bị kiện. Với việc triển khai quyết liệt nhiều giải pháp nên tỷ lệ giải quyết loại án này trong những năm gần đây đã có tiến bộ và đến nay không còn vụ án nào để quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật.

Công tác công khai bản án, quyết định có hiệu lực của tòa án trên cổng thông tin điện tử của ngành được thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả. Đã công bố được hơn 600.000 bản án, quyết định với tổng lượng truy cập là hơn 22 triệu lượt.

Công tác cải cách thủ tục hành chính tư pháp tập trung vào việc đổi mới các quy trình, thủ tục tiếp nhận và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động của tòa án như nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin.

Nghiên cứu, xây dựng phần mềm phân công án ngẫu nhiên; phần mềm chuyển giọng nói tại phiên tòa thành văn bản; xây dựng mới 66 trang thông tin điện tử; xây dựng hệ thống gửi, nhận đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ và cấp tống đạt, thông báo văn bản tố tụng của tòa án bằng phương tiện điện tử... Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của các tòa án cũng còn một số khuyết điểm, thiếu sót.

Theo dự thảo báo cáo tổng kết công tác năm 2020, tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm mặc dù đã có nhiều tiến bộ và năm sau đạt tỷ lệ cao hơn năm trước nhưng vẫn chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra; tỷ lệ hủy, sửa án hành chính vẫn còn cao.

Một số tòa án chưa khắc phục hoàn toàn việc để các vụ việc quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật, chưa khắc phục triệt để việc bản án, quyết định tuyên không rõ, chậm chuyển hồ sơ vụ việc theo yêu cầu của viện kiểm sát và tòa án.

Bên cạnh đó là số lượng biên chế hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu so với cơ cấu tổ chức, bộ máy, nhiệm vụ, vẫn còn một số trường hợp cán bộ, công chức tòa án vi phạm bị xử lý.

Nguyên nhân của hạn chế, thiếu sót do số lượng các loại vụ việc mà các tòa án phải thụ lý, giải quyết tiếp tục có xu hướng gia tăng với tính chất ngày càng phức tạp, trong khi số lượng cán bộ của một số toà án nhân dân cấp cao chưa đủ để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Đây cũng là nguyên nhân chính làm cho tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của tòa án nhân dân nói chung và các tòa án nhân dân cấp cao nói riêng đạt tỷ lệ chưa cao so với yêu cầu đặt ra.

Tỷ lệ án hành chính bị hủy, sửa còn cao; nguyên nhân là do các tranh chấp phát sinh chủ yếu liên quan đến đất đai và là những vụ kiện khó, phức tạp; một số quy định của pháp luật còn mâu thuẫn hoặc chưa được hướng dẫn nên còn có quan điểm, nhận thức và áp dụng khác nhau giữa các thẩm phán, giữa các cấp tòa án.

Đặc biệt là các quy định của Luật Đất đai về thu hồi, bồi thường thiệt hại khi thu hồi đất; việc đánh giá chứng cứ, áp dụng pháp luật trong một số vụ án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; nhiều vụ phải thu thập, xác minh, bổ sung tài liệu chứng cứ và phải chờ UBND cung cấp tài liệu, chờ tòa án địa phương thực hiện việc ủy thác thu thập, xác minh chứng cứ, chờ kết quả giám định… nên thời gian giải quyết vụ án bị kéo dài.

Một số cơ quan, tổ chức chưa thực sự quan tâm đến công tác phối hợp với toà án, thậm chí chưa làm hết trách nhiệm của mình theo quy định của pháp luật trong việc cung cấp tài liệu, chứng cứ, giám định, tham gia định giá tài sản, thực hiện uỷ thác tư pháp; cơ sở vật chất, trang thiết bị, điều kiện, phương tiện làm việc chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Ngoài ra, vẫn còn một số thẩm phán, công chức toà án còn chủ quan, chưa thận trọng trong việc nghiên cứu, thu thập, đánh giá chứng cứ; thiếu trách nhiệm, thiếu kinh nghiệm, không thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng nên có vi phạm và hiệu quả công tác chưa tốt.

Lam Thanh