Từ vụ vận chuyển 30.000 tỉ ra nước ngoài, điểm lại 3 vụ án rửa tiền rúng động

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 11:05, 21/12/2020

Từ vụ vận chuyển 30.000 tỉ ra nước ngoài, Một Thế Giới điểm qua những vụ án rửa tiền rúng động gần đây với nhiều phương thức, thủ đoạn rửa tiền khác nhau.

Chuyển 30.000 tỉ trái phép qua biên giới

Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT), Công an TP. Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố với 6 bị can gồm: Phạm Anh Tuấn, Nguyễn Thị Nga, Nguyễn Thị Nguyệt, Nguyễn Văn Thắng, Nguyễn Văn Thực, Nguyễn Thị Hà về tội "Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới", quy định tại Điều 189 Bộ luật hình sự.

Kết quả điều tra ban đầu xác định Nguyễn Văn Thắng cùng đồng phạm thành lập nhiều công ty để làm thủ tục hồ sơ tạm nhập tái xuất lợi dụng vận chuyển hàng hóa, tiền tệ trái phép qua biên giới với số tiền gần 30.000 tỉ đồng.

30-nghin.jpg
Vận chuyển trái phép 30 nghìn tỉ qua biên giới - Ảnh minh họa

Các luật sư nhận định rằng có thể cơ quan điều tra sẽ khởi tố thêm các tội danh khác như tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tổ chức đánh bạc; buôn lậu, tham nhũng... Thông thường với những nguồn tiền bất hợp pháp, những bị can trên có thể còn bị xử lý thêm về tội rửa tiền.

Thời gian qua, tình trạng vận chuyển tiền tệ qua biên giới trái phép, hoạt động rửa tiền được thực hiện với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn. Hành vi này không chỉ gây ảnh hưởng xấu đến an ninh tiền tệ mà còn gây hậu quả nghiêm trọng với nền kinh tế nếu số tiền đó có nguồn gốc do phạm tội mà có.

Một Thế Giới điểm qua một số vụ án rửa tiền lớn gần đây:

Rửa tiền thông qua đường dây đánh bạc nghìn tỉ

Trong vụ án đường dây đánh bạc nghìn tỉ tại Phú Thọ, ngoài tội danh tổ chức đánh bạc, Phan Sào Nam, Nguyễn Văn Dương cùng một số đồng phạm còn bị truy tố xét xử về tội rửa tiền theo quy định tại Điều 324 BLHS 2015.

Kết luận điều tra cho thấy, sau khi có được tiền bất chính từ hành vi tổ chức đánh bạc trực tuyến, Phan Sào Nam Nam chuyển tiền lòng vòng qua nhiều nấc trung gian đến người thân, bạn bè để gửi tiết kiệm, đầu tư góp vốn các dự án, mua bất động sản để hợp thức.

Trong đó, Phan Sào Nam chuyển tiền cho dì ruột là bà Phan Thu Hương hơn 236 tỉ đồng. Bà Hương sử dụng tiền mua mảnh đất gần 1.000 m2 tại quận 7, TP.HCM.

danh-bac.jpg
Phan Sào Nam (trái) và Nguyễn Văn Dương trong vụ án đánh bạc nghìn tỉ

Tiếp đó, Phan Sào Nam chỉ đạo Ðỗ Bích Thủy (nguyên Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ phát triển đầu tư Nam Việt) rút 50 tỉ đồng gửi tiết kiệm; đầu tư góp vốn vào Công ty Vịnh Hạ Xanh Hạ Long, Công ty Ấn tượng Hạ Long, Công ty Bitpro, Công ty Fintech…

Ngoài ra, Nam gửi 3,5 triệu USD ở ngân hàng tại Singapore, gửi một người bạn ở Quảng Ninh cất giữ gần 150 tỉ đồng cùng số ngoại tệ và vàng trị giá 142 tỉ đồng; nhờ một người ở TP.HCM gửi tiết kiệm 101 tỉ đồng và đứng tên mua 11 căn hộ có giá trị hợp đồng gần 112 tỉ đồng, mua bốn căn hộ trị giá gần 39 tỉ đồng. Còn hơn 530 tỉ đồng, Nam chuyển cho một số người khác cất giữ.

Trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử, cơ quan chức năng đã thu giữ hơn 850 tỉ đồng, phong tỏa gần 77 tỉ đồng trong các tài khoản ngân hàng, phong tỏa 13 hợp đồng mua căn hộ trị giá hơn 139 tỉ đồng, tạm giữ 5 xe ô tô các loại…

Đối với Nguyễn Văn Dương, sau khi thu lời bất chính 1.655 tỉ đồng, để hợp thức hóa hàng nghìn tỉ tiền lời bất chính từ tổ chức đánh bạc qua mạng, Dương lập các công ty “ma” để quay vòng tiền, nâng khống vốn và đầu tư vào dự án BOT và lập nhiều công ty để nâng khống vốn Công ty UDIC.

Ban đầu, Dương nhờ người thân đứng tên lập ba công ty để ký giao khoán hợp đồng tổng giá trị 530 tỉ đồng. Với thủ đoạn quay vòng tiền để nâng vốn, Dương chỉ đạo nhân viên gửi 24 tỉ vào tài khoản anh rồi chuyển tiền vào Công ty UDIC và tiếp tục chuyển cho 3 công ty trên. Cuối cùng, ba công ty rút tiền, chuyển vào tài khoản của Dương để bị cáo này tiếp tục quay vòng tiền.

Trong hai năm, vốn điều lệ của UDIC thể hiện tăng 1.400 tỉ nhưng thực tế không tăng đồng nào. Để rửa tiền, Dương còn có 33 lần góp 330 tỉ đồng vào BOT Bắc Giang – Lạng Sơn. Tuy nhiên, Dương chỉ góp 23 tỉ trên thực tế, số còn lại là tiền ảo do việc nộp khống vào Công ty UDIC mà có. Đến giữa năm 2017, Dương bán cổ phần ở công ty UDIC được gần 330 tỉ đồng và rút tiền về gửi tiết kiệm, mua tầng 5-6 của một tòa nhà ở quận Đống Đa.

Khởi tố Bùi Quang Huy, Tổng giám đốc Công ty Nhật Cường

Năm 2019. Cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố 10 bị can về các tội danh khác nhau gồm "Buôn lậu" theo Điều 188 Bộ luật hình sự năm 2015 và tội "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng".

Đáng chú ý, ngày 9.7.2019, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự số 12/C03-P14, quyết định bổ sung quyết định khởi tố bị can số 21/C03-P14 và lệnh khám xét số 114/C03-P14 với bị can Bùi Quang Huy về tội "Rửa tiền".

Căn cứ kết quả điều tra mở rộng và tài liệu chứng cứ thu thập được, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định, ngoài hành vi đã bị khởi tố, bị can Bùi Quang Huy còn có hành vi sử dụng tiền do phạm tội “Buôn lậu” đưa vào Công ty Nhật Cường và Công ty TNHH Giải pháp phần mềm Nhật Cường (Nhật Cường Software), hoạt động kinh doanh nhằm mục đích sinh lợi, có dấu hiệu tội phạm “Rửa tiền” theo quy định tại Điều 324 Bộ luật hình sự.

nhat-cuong.jpg
Bùi Quang Huy, TGĐ Nhật Cường bị khởi tố về tội Rửa tiền

Kết quả điều tra bước đầu cho thấy Bùi Quang Huy và đồng phạm đã thực hiện hành vi phạm tội buôn lậu có tổ chức, xuyên quốc gia, sử dụng 2 hệ thống sổ sách kế toán tài chính để ngoài sổ sách hàng nghìn tỉ đồng doanh thu.

Theo đó, Huy và đồng phạm đã móc nối với các công ty sản xuất từ nhiều quốc gia để nhập các thiết bị điện tử về Việt Nam tiêu thụ. Ngoài một số thiết bị được Công ty Nhật Cường khai báo hải quan, nộp thuế, còn lại phần lớn là nhập lậu.

Quá trình khám xét, cơ quan chức năng đã thu giữ nhiều tài liệu liên quan đến công tác kế toán, tài chính của công ty. Qua phân tích ban đầu, ban chuyên án nhận định, Công ty Nhật Cường đã lập và sử dụng hai hệ thống sổ sách kế toán tài chính. So sánh giữa hai hệ thống số sách kế toán thì các số liệu và con số có sự “vênh nhau” rất lớn. Cơ quan điều tra xác định Công ty Nhật Cường đã để ngoài sổ sách hàng nghìn tỉ đồng doanh thu trong suốt thời gian dài.

Rửa tiền tại Công ty địa ốc Alibaba

Ngày 1.10.2019, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam trong thời gian ba tháng 24 ngày với Nguyễn Thái Lực (sinh năm 1999, em ruột Nguyễn Thái Luyện Chủ tịch HĐQT và Nguyễn Thái Lĩnh, Tổng giám đốc Công ty Địa ốc Alibaba) về tội “Rửa tiền” để tiếp tục mở rộng điều tra vụ án.

alibaba.jpg
Nguyễn Thái Luyện (trái) và các bị can khác

Cơ quan CSĐT cho biết Nguyễn Thái Lực đã có hành vi sử dụng tài khoản cá nhân để thực hiện việc chuyển nhận tiền nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của nguồn tiền này dù biết rõ đây là tiền do Nguyễn Thái Luyện, Nguyễn Thái Lĩnh chiếm đoạt từ khách hàng.

Những người này tổ chức thu gom mua số lượng lớn đất nông nghiệp với tổng diện tích khoảng hơn 600 ha, giao cho các cá nhân vẽ ra các dự án “ma”, sau đó bán cho khách hàng ở nhiều tỉnh, thành phố. Trong vụ việc này, hơn 6.700 khách hàng đã giao dịch giúp Công ty Địa ốc Alibaba thu hơn 2.500 tỉ đồng.

Những phương thức rửa tiền và giải pháp

Theo nghiên cứu của Lê Thị Mận và Nguyễn Thanh Giang, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM, có thể tựu chung lại 4 phương thức rửa tiền chủ yếu. Đó là rửa tiền thông qua việc đầu tư hoặc mở tài khoản tại các ngân hàng thương mại; rửa tiền thông qua kinh doanh chứng khoán; rửa tiền thông qua đánh bạc; rửa tiền thông qua hoạt động chuyển ngoại hối trái phép.

Theo nghiên cứu này, các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống rửa tiền của Việt Nam được xây dựng theo kinh nghiệm và luật pháp quốc tế, tuy nhiên những chuyển động của dòng tiền tại Việt Nam có những đặc thù khác. Do đó cần sửa đổi, bổ sung luật pháp cho phù hợp tình hình thực tế Việt Nam và thông lệ quốc tế.

Theo đó cần sửa đổi và bổ sung cácluật có liên quan đến thanh toán, như: Luật Giao dịch bằng tiền mặt; Luật Séc, Luật Hối phiếu nhằm giảm thiểu các giao dịch bằng tiền mặt tại Việt Nam; cần có các giải pháp nhằm hạn chế tình trạng đô la hóa trên thị trường tiền tệ Việt Nam; tăng mức độ xử phạt đối với hành vi rửa tiền để răn đe; lọc khách hàng khỏi danh sách đen; ngăn chặn kịp thời và kiểm soát giao dịch đáng ngờ.

Với các tổ chức tài chính, cần ứng dụng công nghệ thông tin với công nghệ hiện đại, theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Đây là giải pháp hữu hiệu nhất nhằm nâng cao năng lực phòng, chống rửa tiền của các ngân hàng thương mại (NHTM).

Các tổ chức tài chính cần xây dựng cơ chế sàng lọc các giao dịch tiền mặt lớn, giao dịch tiền mặt nhiều lần liên tục có chủ ý và xây dựng báo cáo tự động có thể báo cáo kịp thời trong nội bộ và cho cơ quan quản lý.

Các NHTM phải báo cáo với cơ quan chức năng những giao dịch đáng ngờ và giao dịch bằng tiền mặt hoặc bằng ngoại tệ, vàng.
Hệ thống công nghệ thông tin của các NHTM cần đồng bộ hóa và nâng cấp hệ thống theo hướng đáp ứng đúng quy định của pháp luật, phân tích giao dịch, hỗ trợ sàng lọc, nhận biết khách hàng, báo cáo, lưu trữ thông tin...; tăng chế tài, tiền phạt với các cơ quan tài chính không tuân thủ quy định.

Ngăn chặn rửa tiền trong lĩnh vực chứng khoán bằng cách yêu cầu các công ty chứng khoán phải có nghĩa vụ báo cáo giao dịch đáng ngờ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền bằng văn bản; phải tuyệt đối tuân thủ quy tắc không tiết lộ cho khách hàng về việc báo cáo giao dịch nhằm tránh khả năng giúp người rửa tiền có thể có cách trốn tránh hoặc gây hoang mang cho các khách hàng không có mục đích rửa tiền; cần phải có hệ thống lưu trữ hồ sơ chứng khoán theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, cần tăng cường kiểm tra các nhà hàng, sòng bạc, sàn nhảy, khu du lịch và đặc biệt là các công ty mới thành lập để tránh việc bỏ sót công ty “ma”. Kiểm tra chặt chẽ để hạn chế mánh khóe rửa tiền qua mạng internet.

Lam Hoài