Đồng Tháp: Đưa sản phẩm dịch vụ ĐBSCL vào chuỗi giá trị toàn cầu
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 16:05, 21/12/2020
Diễn đàn năm nay có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các bộ, ngành trung ương; lãnh đạo 4 tỉnh, thành An Giang, Bến Tre, Cần Thơ và Đồng Tháp và hơn 700 doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ, xuất nhập khẩu, các startup; đại diện Phòng Thương mại châu Âu - Eurocham, Phòng Thương mại Mỹ - Amcham.
Diễn đàn năm nay, các diễn giả, chuyên gia kinh tế sẽ phân tích, làm rõ những lợi ích, cơ hội mà Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) mang lại đối với các sản phẩm nông nghiệp và quá trình phát triển của ĐBSCL trong tương lai. Theo thống kê, châu Âu đang là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam khi chiếm tới 20% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa. Mặc dù là thị trường tiềm năng nhưng thị trường EU đặt ra nhiều thách thức đối đối với hàng hóa và dịch vụ của ĐBSCL, đặc biệt về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, kiểm dịch, vệ sinh, phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Eurocham, cho biết hiện có 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được bảo vệ ở châu Âu, trong đó có 2 sản phẩm của ĐBSCL. Hiệp định EVFTA sẽ giúp tăng dòng chảy hàng hóa bởi các doanh nghiệp cả 2 bên sẽ tìm cách tận dụng và xâm nhập thị trường ưu đãi và thuế suất đang giảm dần. Để tận dụng được cơ hội, cần có các mạng lưới vận chuyển và hạ tầng logistics hiện đại để kết nối, giao thương giữa các trung tâm logistics với khu vực ĐBSCL giúp tăng xuất khẩu và giảm chi phí cho doanh nghiệp.
“Trong thời gian tới, chúng tôi hy vọng là với doanh nghiệp vừa và nhỏ thì các địa phương cũng có những chương trình hành động nhất định để có thể tuyên truyền và hỗ trợ cho doanh nghiệp. Phải để họ hiểu nhiều hơn về lợi ích của hiệp định, cắt giảm thuế lộ trình ra sao, và đặc biệt là những tiêu chuẩn chất lượng phía châu Âu như thế nào. Một mặt có thể giúp cho doanh nghiệp có thể xuất khẩu sang thị trường châu Âu, nhưng mặt còn lại cũng nâng cao tiêu chuẩn có lợi không chỉ cho doanh nghiệp xuất khẩu mà có lợi chung cho cả người tiêu dùng trong Việt Nam”, ông Minh nói.
Bí thư tỉnh Đồng Tháp - Lê Quốc Phong cho biết, Mekong Connect qua mỗi lần tổ chức đều mang đến những giá trị thiết thực cho mỗi địa phương, mở ra nhiều cơ hội mới trong hợp tác, kêu gọi đầu tư và phát triển. Các giá trị đúc kết từ diễn đàn tiếp tục là nguồn dữ liệu quý để các tỉnh khai thác, tìm kiếm cơ hội mới cho sự phát triển của địa phương để chuyển mình, đổi mới, từng ngày phát triển.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, ĐBSCL đang đứng trước nhiều thách thức từ biến đổi khí hậu, nguồn nhân lực, di dân và trình độ lao động đang là những cản trở đối với sự phát triển của vùng. Tuy nhiên trong nguy thì có cơ, nếu ĐBSCL có mô hình tăng trưởng mới, toàn diện sẽ là động lực để vùng bứt phá từ kinh tế, xã hội và khoa học công nghệ. Vấn đề cốt lõi của sự phát triển bền vững là vấn đề liên kết vùng, liên kết để tạo ra những sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu trong nước và thị trường xuất khẩu.
Theo ông Lộc, trong khi các động lực tăng trưởng kinh tế truyền thống của vùng như lúa, hải sản đang có dấu hiệu đạt ngưỡng giới hạn thì động lực tăng trưởng mới vẫn còn yếu, thậm chí chưa hình thành. Có thể nói tiềm năng về năng suất đối với phát triển một số lĩnh vực đã cao và đang tiến tới giới hạn. Trong khi đó những động lực mới chưa được hình thành. Đây cũng là vấn đề rất là lớn, nếu mà không chuyển đổi được mô hình tăng trưởng vấn đề này càng ngày càng là một thách thức nghiêm trọng và nguy cơ tiếp tục tụt hậu xa vùng Tây Nam Bộ càng lớn.
Diễn đàn Mekong Connect còn diễn ra 4 phiên thảo luận của 4 tỉnh, thành là An Giang, Bến Tre, Cần Thơ và Đồng Tháp với các chủ đề: Công nghiệp hoá sản xuất kinh doanh nông nghiệp, góc nhìn từ OCOP; Xây dựng và phát triển địa phương gắn với khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; Quy hoạch và phát triển nguồn lực mới ở vùng ĐBSCL và Chuyển đổi số và liên kết chuỗi trong nông nghiệp. Bên cạnh tổ chức diễn đàn, ban tổ chức tổ chức còn tư vấn xuất khẩu nông sản và kết nối online và offline giữa các doanh nghiệp ĐBSCL với các đối tác từ các thị trường quốc tế.