Hơn 30 nước đóng cửa với Anh vì biến chủng coronavirus, Mỹ vẫn chưa cấm
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 07:00, 22/12/2020
Đặc biệt, động thái đóng cửa biên giới của Pháp gây nên hỗ loạn và đem đến nguy cơ thiếu thốn lương thực. Pháp là điểm trung chuyển hàng hóa giữa Anh và châu Âu lục địa.
Hãng tin Reuters ghi nhận cảnh xe tải đậu hàng dài trên đường cao tốc dẫn đến thương cảng Dover. Tài xế người Ba Lan - Stanislaw Olbrich phàn nàn: “Cơ hội về nhà đón Giáng sinh của tôi đang giảm dần. Thật ngu ngốc, tôi chẳng vui tí nào cả”.
Các thương cảng tại Pháp cũng rơi vào cảnh tương tự. Liên đoàn Vận tải đường bộ quốc gia nước này (FNTR) cảnh báo: “Hiện không có tài xế nào muốn chở hàng sang Anh cả, vì vậy Anh có thể bị cạn kiệt nguồn cung”.
Hai chuỗi siêu thị Sainsbury và Tesco cho biết tình trạng thiếu hụt nhiều khả năng bắt đầu xuất hiện trong vài ngày tới nếu hoạt động vận chuyển không được khôi phục nhanh.
“Vài ngày tới chúng ta sẽ thấy quầy rau cải, xà lách, súp lơ, bông cải xanh, trái cây họ cam quýt - những mặt hàng nhập từ châu Âu lục địa vào thời điểm này trong năm - dần trống rỗng”, Sainsbury cho hay.
Quan chức các nước châu Âu vừa họp trực tuyến để bàn cách phối hợp đối phó vi rút gây COVID-19 biến thể mới. Họ quyết định giữ nguyên kế hoạch triển khai tiêm chủng rộng rãi trong vòng 1 tuần sau khi cơ quan quản lý dược phẩm của Liên minh châu Âu (EU) vừa phê duyệt sử dụng vắc xin do Pfizer hợp tác BioNTech phát triển.
Có nhiều ca mắc COVID-19 nhất thế giới, Mỹ chưa ban hành lệnh cấm nhập cảnh với người đến từ Anh. Hãng hàng không British Airways vẫn được phép chở hành khách có kết quả xét nghiệm âm tính đến New York, tuy nhiên Thống đốc New York - Andrew Cuomo đã lên tiếng yêu cầu chính quyền liên bang hành động để ngăn chặn vi rút gây COVID-19 biến thể mới xâm nhập.
Đang càn quét khắp London và miền nam nước Anh, biến thể mới của vi rút gây COVID-19 được xác định có khả năng lây lan cao hơn 70% so với chủng hiện tại. Giới chức đảo quốc sương mù phải áp đặt hàng loạt biện pháp hạn chế nghiêm ngặt để kiểm soát tình hình dịch bệnh trước thềm Giáng sinh và năm mới. Giới khoa học chưa tìm thấy bằng chứng biến thể mới khiến vắc xin phát triển hiện tại vô hiệu.
Về vấn đề đóng cửa biên giới, Thủ tướng Anh - Boris Johnson cam kết cố gắng giải quyết càng sớm càng tốt.
Thủ tướng Boris Johnson cho biết dù khả năng lây truyền cao hơn 70% so với chủng hiện tại, nhưng không có bằng chứng cho thấy biến thể mới dễ khiến bệnh trở nặng hơn hay dễ gây tử vong hơn. Cũng chưa rõ liệu vắc xin mà đảo quốc sương mù đang triển khai tiêm chủng có ngăn ngừa được đột biến này hay không.
Anh cảnh báo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) rằng biến thể mới có thể là nguyên nhân khiến số ca mắc COVID-19 tại đây tăng vọt.
Theo Reuters, bất chấp lo ngại của nhiều nước về biến thể mới của vi rút corona chủng mới với tốc độ lây nhiễm cao hơn SARS-CoV-2 được ghi nhận lần đầu tại Anh, các quan chức hàng đầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết điều này là một phần bình thường trong quá trình tiến hóa của vi rút, không đáng lo và các công cụ theo dõi đang được thực hiện.
Hôm 21.12, Giám đốc Chương trình khẩn cấp của WHO - Mike Ryan cho biết: "Chúng ta đã chứng kiến một tỉ lệ vi rút lây nhiễm cao hơn nhiều ở các thời điểm khác nhau trong đại dịch lần này nhưng tình hình vẫn kiểm soát được. Hiện vẫn chưa thể nói tình trạng hiện nay đã vượt ngoài tầm kiểm soát.
Chúng ta phải tìm ra sự cân bằng và điều quan trọng là phải minh bạch, cần thông báo cho mọi người biết tình hình diễn ra như thế nào. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần hiểu rằng đây là một phần bình thường của quá trình tiến hóa của vi rút… Trên thực tế, việc có thể theo dõi vi rút một cách chặt chẽ, cẩn thận, khoa học là một bước phát triển tích cực cho sức khỏe cộng đồng toàn cầu và các quốc gia thực hiện loại hình giám sát này cần được khen ngợi".
Ngoài ra, ông Mike Ryan cho rằng các quốc gia áp đặt các quy định hạn chế đi lại đã hành động hết sức cẩn trọng khi xác định về tính rủi ro của biến thể coronavirus.